[22/12] Những năm tháng không thể nào quên

Nhân dịp Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020), VNA Spirit đã có cuộc gặp gỡ với Cơ trưởng Trần Trung Du, Phó Chủ tịch Công đoàn Đoàn bay – nguyên là Trung tá, Sĩ quan Không quân, hiện đang công tác tại Đội bay B787, Đoàn bay 919 để cùng trò chuyện về những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ và quá trình đồng hành cùng những cánh bay của VNA của vị cơ trưởng kỳ cựu này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Khởi đầu của người chiến sĩ Dự khóa bay

Ngược dòng quá khứ về năm 1979, cơ trưởng Trần Trung Du khi vừa tròn 18 tuổi và tốt nghiệp cấp 3. Chàng trai quê lúa Thái Bình đã trúng tuyển vào dự khóa bay của Trường Dự bị bay Không quân. Ba năm là chiến sĩ dự khóa bay, bốn năm học bay tại Liên Xô (cũ), với biết bao huấn luyện cực kỳ khó khăn, vất vả với kỷ luật nghiêm ngặt đã tôi rèn cho ông và những người lính không quân có được năng lực, trình độ và bản lĩnh chính trị vững vàng; sẵn sàng nhận và vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó.

alt text
“Tôi yêu bầu trời và những chuyến bay, tận sâu trong trái tim mình, tôi luôn cảm ơn Quân đội, cảm ơn VNA đã trao cho tôi cơ duyên ấy” (Ảnh: Đoàn bay)

“Tôi nhập ngũ đầu năm 1979, là học viên dự khóa bay Không quân. Năm 1982 được Quân đội cử đi học lái máy bay tại Trường Hàng không Liên xô (cũ). Năm 1986 tốt nghiệp về nước, được phân công công tác tại đội bay AH-26, Trung đoàn Không quân 918. Tôi đã có 15 năm quân ngũ là sĩ quan lái máy bay của E918 và có những năm tháng không thể nào quên khi cùng đồng đội tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và biển đảo, khu vực đặc quyền kinh tế của Tổ quốc”, Cơ trưởng Trần Trung Du nhớ lại.

Năm 1994, sau 15 năm phục vụ trong quân đội, do yêu cầu tổ chức và sự điều động của Quân đội, ông và một số anh em phi công Trung đoàn 918 được điều về công tác tại Đoàn Bay 919, TCTHK để học chuyển loại lái bay máy bay dân dụng vận tải hàng không.

Đến năm 2004, trước sự đòi hỏi của cơ chế quản lý, sự phát triển mạnh mẽ của hàng không nước nhà và theo yêu cầu nhiệm vụ mới, nhóm phi công quân sự được chuyển ngành tại chỗ làm phi công của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Khi chuyển ngành, ông mang quân hàm Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong quá trình công tác, ông được cử đi học nhiều khóa huấn luyện chuyển loại ở nước ngoài trên các loại máy bay Boeing 767, Boeing 777 và hiện nay đang đảm nhiệm vị trí Cơ trưởng máy bay Boeing 787.

“Bản thân tôi coi VNA là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ở đó, tôi được mọi người giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển khả năng của mình, được mọi người thương yêu quý mến và điều quan trọng là sự nhất trí trong công việc, được cùng nhau chia sẻ những thuận lợi khó khăn để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ bay an toàn, hiệu quả, chất lượng và tiết kiệm. Nghề phi công là một nghề đặc thù, khao khát được bay của người phi công chính là khao khát của con người vươn lên làm chủ bầu trời; người phi công sẽ được bay đến các miền xa xôi của đất nước cũng như khám phá những vùng đất mới trên thế giới.”

Tiếp nối niềm hạnh phúc khi đã hoàn thành xuất sắc các trách nhiệm, nghĩa vụ do quân đội giao khi là người chiến sĩ Không quân, ông tiếp tục phụng sự Hãng Hàng không quốc gia để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phát triển kinh tế – chính trị nước nhà và luôn sẵn sàng hoàn thành tốt các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng do Đảng, Nhà nước và TCT giao phó. “Tôi yêu bầu trời và những chuyến bay, tận sâu trong trái tim mình, tôi luôn cảm ơn Quân đội, cảm ơn VNA đã trao cho tôi cơ duyên ấy.”

alt text
Cơ trưởng Trần Trung Du (bìa trái) cùng đồng nghiệp đội bay B787 (Ảnh: Đoàn bay)

Những kỷ niệm không quên trong đời quân ngũ của người Sỹ quan Không quân

Trong suốt cuộc đời quân ngũ có nhiều kỷ niệm đẹp, ghi dấu ấn từng bước trưởng thành của ông, kỷ niệm đẹp nhất là quãng thời gian vẻ vang, oanh liệt, tràn đầy tự hào của Trung đoàn 918 trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ông và những đồng đội cùng Trung đoàn đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Tây Nam. Đội An-26 đã lập nhiều thành tích xuất sắc, ghi thêm nhiều chiến công quan trọng, góp phần cho Trung đoàn không quân 918 hoàn thành  tốt các nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu được giao.

Một kỷ niệm ấn tượng có tính chất “cân não” nhất trong nghề bay của ông là khi còn đang bay trong quân đội. Hôm đó là chuyến bay chở Thượng tướng Nguyễn Quyết đi lên Điện Biên dự Lễ kỉ niệm 35 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nơi ông từng chiến đấu. Thời tiết bỗng chuyển xấu bất thường, sân bay Điện Biên lúc bấy giờ trang thiết bị còn rất nghèo nàn, thô sơ, cơ sở vật chất, máy móc không thể đủ để có những hỗ trợ máy bay vào những lúc cấp bách như vậy. “Chúng tôi đã phải bay 2 vòng trên trời rồi mới đáp được xuống sân bay, hạ cánh an toàn. Khỏi phải nói là chuyến bay đó quan trọng như thế nào và tổ bay AH-26 đã phải  “cân não” thế nào để có thể “chiến đấu” với thời tiết, vượt qua giông tố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với Quân đội. Mỗi khi gặp tình huống khó khăn, nhớ lại kỷ niệm ấy, tôi lại tự nhắc mình luôn luôn phải giữ vững bản lĩnh, can trường, quyết đoán nhưng rất cần phải nhanh nhậy và chính xác để ra những quyết định đúng đắn.”

Ấn tượng về hơn 25 năm gắn bó với những cánh bay VNA

Năm 1994, khi mới được thuyên chuyển sang VNA, trong ông khi đấy bất chợt có những cảm băn khoăn, vui có, buồn có, lo âu cũng có… “Lo là bởi chúng tôi đang bay máy bay của Liên Xô (cũ), khi chuyển sang bay hệ máy bay hiện đại phương Tây, lại phải sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh, trong khi chúng tôi chỉ nắm được tiếng Nga là chủ yếu… Còn vui là mình được lựa chọn để được học tập, làm việc ở môi trường mới, có nhiều điều kiện để phát triển khả năng của mình; sẽ được bay cao hơn, bay xa hơn. Chính vì vậy, tôi đặt cho mình những mục tiêu rõ ràng về học tập ngoại ngữ, rèn luyện chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện hiệu quả nhất, không phụ lòng quân đội giao phó.”  

alt text
alt text

“Tôi may mắn được chứng kiến nhiều dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển mạnh mẽ của VNA nhưng cũng cảm nhận được nhiều thăng trầm mà VNA đã phải trải qua” (Ảnh: Đoàn bay)

Hơn 25 năm gắn bó với những cánh bay VNA, ngành hàng không nói chung và VNA nói riêng đã phát triển vượt bậc. “Tôi may mắn được chứng kiến nhiều dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển mạnh mẽ của VNA nhưng cũng cảm nhận được nhiều thăng trầm mà VNA đã phải trải qua vì ngành hàng không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố ngoại biên như thời tiết, sân bay, dịch bệnh và vô vàn các yếu tố khác… Có những thăng trầm chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của TCT như thời điểm của dịch SARS những năm 2002-2003 và hiện nay là dịch Covid-19. Nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của TCT và sự đồng lòng của toàn thể CBNV, tôi tự hào nhận thấy chúng ta đã và đang dần vượt qua những khó khăn này để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.” 

Với ông, sự đồng lòng quyết tâm phòng chống và ứng phó với bệnh dịch Covid- 19 của VNA là một ấn tượng đặc biệt, sâu đậm và cảm động. Tại Đoàn bay 919, đội ngũ phi công nêu cao tinh thần “những chiến binh sen vàng”, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, đột xuất; sẵn sàng tuân thủ kỷ luật triệt để khi làm nhiệm vụ trong những thời khắc khó khăn, phức tạp bệnh dịch bùng phát. “Anh, chị em phi công không nề hà vất vả, ngại khó, ngại khổ, sát cánh cùng Đoàn tiếp viên và các đơn vị liên quan để hoàn thành tốt các chuyến bay đặc biệt, bay giải cứu, hồi hương và chở hàng… với tinh thần tất cả vì những chuyến bay an toàn trong điều kiện tác nghiệp bó buộc và không khí phòng dịch căng thẳng khắp thế giới.”

alt text
“Bản thân tôi coi VNA là ngôi nhà thứ 2 của mình, ở đó tôi được mọi người giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi được phát triển khả năng của mình, được mọi người thương yêu quý mến, và điều quan trọng là sự nhất trí trong công việc” (Ảnh: Đoàn bay)

Phát huy phẩm chất người lính

Theo cơ trưởng Trần Trung Du, cuộc sống quân ngũ đã dạy người lính phải kiên cường, tính tuân thủ kỷ luật cao, tinh thần đồng đội, khắc phục khó khăn và tích cực học hỏi. Đó cũng chính là đòi hỏi “đặc thù” của nghề lái máy bay, lĩnh vực có yêu cầu cao về chấp hành kỷ luật, có bản lĩnh vững vàng, thường xuyện học tập và rèn luyện nâng cao trí – lực. “Nhờ có những tháng năm rèn luyện trong quân ngũ, và phẩm chất người lính gắn liền với trái tim, khối óc, nên chúng tôi thấy thuận lợi, không có khó khăn khi chuyển sang là phi công hàng không. Hơn 25 năm gắn bó với VNA, tôi luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ quan trọng như thực hiện an toàn tuyệt đối các chuyến bay chuyên cơ chở các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác trong nước và nước ngoài; thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân, lao động về từ vùng chiến sự Libya; thực hiện các chuyến bay hồi hương giải cứu người Việt Nam về nước trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 bùng phát trên thế giới…”

Hơn 10 năm gắn bó với tổ chức Công đoàn, giữ vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Cơ trưởng Trần Trung Du luôn nắm rõ tâm tư, tình cảm, những khó khăn, nhu cầu của đoàn viên, phi công và người lao động; anh luôn nỗ lực cùng BCH Công đoàn Đoàn bay làm tròn vai trò là người đại diện, bảo vệ, chăm lo đời sống cho người lao động; đồng thời là trung tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại Đoàn bay 919. Ông luôn gương mẫu, tích cực trong việc xây dựng tập thể Đoàn bay thành một khối đoàn kết, cùng nhau vượt mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào khi tổ chức tin cậy giao phó. Cơ trưởng Trần Trung Du tự hào chia sẻ: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù nhiều diễn biến xã hội liên quan ngành nghề xảy ra phức tạp… tôi và các đồng đội của mình luôn tự hào giữ được phẩm chất của người lính với màu cờ sắc áo của VNA”.

alt text
Hơn 10 năm gắn bó với tổ chức Công đoàn, giữ vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở,  Cơ trưởng Trần Trung Du luôn nắm rõ tâm tư, tình cảm, những khó khăn, nhu cầu của đoàn viên, phi công và người lao động (Ảnh: Đoàn bay)

Hậu phương sau cánh bay

Người ta thường nói đằng sau sự thành công của một người đàn ông thì bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ và ông cũng vậy. “Để có thời gian, toàn tâm, toàn ý cho bầu trời và nghề nghiệp của mình, tôi đã có một hậu phương vững chắc và ấm áp để trở về sau mỗi chuyến bay. Hậu phương của tôi là người vợ hiền yêu quý và một gia đình chan hòa hạnh phúc.”

Nhân dịp gặp gỡ, TTNB xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Cơ trưởng Trần Trung Du. Chúc anh luôn mạnh khỏe, thành công, có nhiều đóng góp hơn nữa cho VNA cũng như lan tỏa tinh thần, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ và truyền thống Quân đội nhân dân trong các thế hệ kế tiếp của VNA!

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.