Nói đến những thành tựu của VNA đến ngày hôm nay, có lẽ tất cả mọi người đều nhớ đến những bước đầu chuyển mình đầu tiên từ Tổng cục Hàng không đến Cục Hàng không Việt Nam tách khỏi cơ chế quốc phòng, phân định chức năng quản lý Nhà nước và chức năng sản xuất kinh doanh với mô hình Vietnam Airlines là doanh nghiệp vận tải Hàng không lớn nhất.
Đại tá Trần Duy Hợi gia nhập quân ngũ năm 1947 và đứng trong hàng ngũ của Đảng từ khi còn rất trẻ (1948). Song với lòng quyết tâm của người lính, anh bộ đội Cụ Hồ, cùng sự ủng hộ tin tưởng của lãnh đạo, của đồng đội, ông đã trở thành cán bộ Tổ chức Tỉnh đội Quảng Yên (Quảng Ninh) vào năm 1954.
Trong những năm 1960, Thiếu úy Hợi khi đó đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng và giao nhiệm vụ học tập tại Học viện Không quân Bắc Kinh – Trung Quốc. Những năm tháng học tập tại nước bạn giúp ông có cơ hội trau dồi bản thân để không phụ lòng tin của Quân đội, của Nhà nước giao phó.
Trở về nước vào cuối năm 1963, ông trở thành Phóng viên Báo Phòng không – Không quân thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Lúc này, với vai trò phóng viên chiến trường, Đại úy Hợi đã không quản ngại khó khăn gian khổ, luôn lăn xả các chiến trường đưa tin nóng về từng bước tiến của quân đội Việt Nam. Những ngày tháng tại chiến trường không chỉ tạo điều kiện để ông mô tả chân thực những hình ảnh về bom đạn, khói lửa, đau thương và cả sự anh hùng mà còn là những bức ảnh chân thực về đời sống trong quân đội và hơn cả là hình ảnh Người cha già của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khoảnh khắc Bác Hồ rạng rỡ giữa những chiến sỹ không quân Sao đỏ năm ấy đã được ông ghi lại với cảm xúc chân thực nhất, mãi là kỷ niệm đep không bao giờ quên. Tác phẩm sau đó đã đạt giải Nhất cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quân đội (1945 – 1970) và được nhiều Tạp chí, báo đài đăng tải lại cũng như được lưu tại Bảo tàng Phòng không – Không quân hiện nay.
Sau những ngày theo chân đoàn quân giải phóng, khi đất nước được độc lập, ông lại tiếp tục tiếp quản Sân bay Nội Bài đồng thời là Trưởng phòng vận chuyển – Phụ trách sân bay Gia Lâm (thuộc Tổng cục Hàng không). Gắn bó với lực lượng Không quân, sau là Tổng cục Hàng không cho đến khi nghỉ hưu (1991), ông luôn để lại những tình cảm tốt đẹp, sự trân quý của những đồng nghiệp, bạn bè về sự chỉn chu cũng như chu đáo, tận tụy và trách nhiệm.
Sự có mặt và hình ảnh tình nghĩa mỗi khi những đồng đội, đồng nghiệp hay bạn bè với Đại tá Hợi tại những buổi Gặp mặt tình nghĩa của Cục vận chuyển hàng không đã thay lời nói lên tất cả những tình cảm mà mọi người trân trọng dành cho ông.
Giờ đây, khi tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn là tấm gương đối với mọi người, đặc biệt với gia đình. Với người con gái thứ hai là chị Trần Thị Thu Thảo – hiện làm việc tại công ty Cổ phần Tin học Viễn thông hàng không (AITS), cũng là đơn vị thuộc ngành hàng không, ông luôn nhắn nhủ luôn cố gắng, tận tụy, trách nhiệm với công việc. Và hơn cả là luôn phấn đấu, nỗ lực, vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao như ông, người lính cụ Hồ năm nào.
Nhân ngày 22/12 – Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam sắp tới, xin gửi lời chúc Đại tá Trần Duy Hợi sẽ luôn sức khỏe để cùng dõi theo những bước tiến mới cũng như dìu dắt con gái cùng phấn đấu, nỗ lực để đóng góp cho sự phát triển của ngành Hàng không Việt Nam.