[22/12] Cơ trưởng Phan Tiến Ngà: Chất lính luôn đi theo tôi suốt những năm tháng qua

“Những phẩm chất quý giá của người lính sẽ mãi mãi trong tôi, khi mang sắc phục không quân sẽ nguyện dấn thân bảo vệ sự toàn vẹn của bầu trời của Tổ quốc; ở vị trí mới trong đội ngũ những cánh bay của VNA sẽ hết mình vì sự phát triển bền vững của tổ chức, vì sứ mệnh của Hãng Hàng không Quốc gia” – Là lời chia sẻ đầy xúc động và tự hào của Cơ trưởng Phan Tiến Ngà.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin chào Cơ trưởng Phan Tiến Ngà! VNA Spirit rất vui khi được trò chuyện cùng anh nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021). 

Được biết anh xuất thân là một phi công thuộc lực lượng không quân Việt Nam, vậy anh nhập ngũ vào năm nào và lúc đó anh bao nhiêu tuổi? 

alt text
Cơ trưởng Phan Tiến Ngà – Giáo viên bay Đội bay A350, Đoàn bay 919,
Nguyên Phi công tiêm kích, Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan chỉ huy – kỹ thuật Không quân. (Ảnh: VNA).

Lúc đó tôi 18 tuổi, đang học phổ thông thì trúng tuyển vào trường dự khóa bay và ở đó gần 1 năm. Thường thì sau 1 năm sẽ được sang Liên Xô đào tạo. Nhưng năm 1989 thì tạm dừng chương trình này. Nên tôi tiếp tục được đào tạo ở Trung đoàn 910 và 920, thuộc Trường sỹ quan chỉ huy – kỹ thuật không quân Nha Trang, đào tạo nhiều bộ môn trong đó có bộ môn không quân chiến đấu. 

Thời gian công tác trong lực lượng không quân chắc hẳn anh sẽ có những kỷ niệm đặc biệt?

Đúng là tôi có rất nhiều kỷ niệm, học viên bay là những đồng đội của tôi được tuyển từ nhiều trường phổ thông trên cả nước, vì vậy tôi có rất nhiều bạn bè thú vị, mang nhiều tính cách từ các vùng miền trên cả nước. 

Được gắn bó, rèn luyện cùng nhau, tình bạn khăng khít như anh em ruột thịt, tuy nhiên, trong quá trình học, được gặp nhiều bạn và chia tay cũng nhiều bạn vì quá trình đào tạo, huấn luyện phi công quân sự đòi hỏi rất cao và khắt khe cả về thể chất và năng lực của người học viên. Việc học viên bị loại rất thường xuyên, điều đó, đôi khi làm cho tôi không ít bâng khuâng khi nhớ về những người bạn, đồng đội cũ đã không đạt được ước mơ bay của mình. 

Với tôi kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến bay chính thức bay một mình. Sau một thời gian huấn luyện thì tôi bắt đầu bay với máy bay phản lực chiến đấu nhỏ. Tôi đã cố gắng làm thật tốt công tác chuẩn bị cho chuyến bay đó. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác đặc biệt của chuyến  bay ấy, đó là tâm trang có chút hồi hộp, có chút phấn khích, hứng thú và tự hào. được làm chủ máy bay.

Thời đó, nếu chuyến bay xuất sắc, chúng tôi, từ thầy đến trò, được thưởng đôi giày bata, thưởng hoa hồng cài ngực. Tất cả những điều ấy đều rất giản dị, nhưng giờ đây là những kỷ niệm vô cùng trân quý trong tôi.

alt text
Cơ trưởng Phan Tiến Ngà (đứng giữa) cùng các phi công tiêm kích, Trung đoàn 920. (Ảnh: NVCC).

Vào những năm 1989 – 1990, hoàn cảnh đất nước ta vẫn trong thời kỳ cấm vận, kinh tế rất khó khan. Trước khi học lái máy bay, những người lính phi công phải hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản chung như lính bộ binh; trong thời gian học lý thuyết bay chúng tôi vừa học thầy và học bạn cả việc… sửa máy bay. Cả tiểu đội có một chiếc TV để xem, một tờ báo đọc chung cho cả đội nghe. Trước ngày đi bay thì 8h tối đã phải lên giường đi ngủ, trước 5h sáng đã phải sẵn sàng trên sân bay. Dù khó khăn là thế nhưng mỗi buổi sáng được ngắm nhìn bình minh dâng lên, được kiểm tra khí tượng các khu vực bay… thật hân hoan và nhiều cảm xúc, đó là những hình ảnh đẹp khiến tôi không thể nào quên. 

Nhưng có lẽ, những thiếu thốn vất vả của thời chúng tôi, không thể so sánh với nhưng gian khổ, hiểm nguy của thế hệ những người lính không quân cha anh tiền bối. Quá trình trưởng thành trong quân đội là một hành trang quý báu cho tôi khi chuyển sang lĩnh vực hàng không dân dụng.

Những phẩm chất quý giá của người lính sẽ mãi mãi trong tôi, khi mang sắc phục không quân sẽ nguyện dấn thân bảo vệ sự toàn vẹn của bầu trời của Tổ quốc; ở vị trí mới trong đội ngũ những cánh bay của VNA sẽ hết mình vì sự phát triển bền vững của tổ chức, vì sứ mệnh của Hãng Hàng không Quốc gia. 

alt text
Với Cơ trưởng Phan Tiến Ngà – những phẩm chất quý giá của người lính sẽ mãi mãi trong anh. (Ảnh: NVCC).

Với một phi công quân sự, theo anh cần có những tố chất gì? Và đâu là yếu tố cốt lõi nhất?

Hành trình trở thành phi công máy bay quân sự là quãng thời gian khổ luyện khắc nghiệt với vô số những yêu cầu khắt khe và lòng quyết tâm sắt đá. Điều kiện làm việc đặc thù của phi công trong buồng lái máy bay chịu áp lực rất lớn, nên sức khoẻ ứng viên được đặt lên hàng đầu.

Nghề phi công là một nghề đặc thù, khao khát được bay của người phi công chính là khao khát của con người vươn lên làm chủ bầu trời.

TTNB đã có lần được xem bức ảnh anh chụp cùng những người đồng đội của mình – những phi công trẻ với nụ cười rạng rỡ đăng trên Spirit online. Bức ảnh đó chụp thời gian nào? Lúc đó anh đang công tác ở đâu? Cảm xúc của anh như thế nào khi nhớ về những ngày tháng thanh xuân sôi nổi, đầy hoài bão nhưng cũng rất nghiêm ngặt, kỷ luật của quân đội. 

Tôi cảm thấy rất xúc động vào tự hào vì đã được mặc màu xanh áo lính. Người lính thì lúc nào cũng phải đảm bảo tinh thần sẵn sàng phục vụ, đã giao nhiệm vụ là phải hoàn thành. Chúng ta tự hào đã làm được nhiều điều mà thế giới phải công nhận, bộ đội Cụ Hồ “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 

Nhân dịp 22/12, tôi xin gửi lời chúc mừng tới những người đã và đang mặc màu xanh áo lính luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục đồng hành VNA; luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó , đáp ứng mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế, đóng góp công sức trong phòng chống dịch bệnh…

Vậy anh đến với Đoàn bay 919 vào thời gian nào?

Tôi gia nhập Đoàn bay 919 năm 1994. Thế hệ như chúng tôi đã được thừa hưởng các truyền thống của Đoàn bay 919 và sự gắn bó giữa các thế hệ. Tiền thân của Đoàn bay 919 thuộc về Quân chủng Phòng không Không quân nên những điểm nổi bật về ý thức kỷ luật, tinh thần dũng cảm vẫn được giữ nguyên khi chuyển hướng sang kinh tế. Bản thân tôi cũng có tinh thần của người lính, nối tiếp được truyền thống và chất lính vẫn còn nguyên vẹn.

Bên cạnh đó, hàng năm Đoàn bay tổ chức có các hoạt động về nguồn, gặp các bậc phi công lão thành từ đó truyền được chất lửa, tấm gương lớn đến các phi công trẻ để được trang bị bản lĩnh chính trị tốt. 

Đoàn bay thành lập ngày 1/5/1959 và một sự trùng hợp nhỏ khiến tôi có chút tự hào đó là ngày thành lập Đoàn cũng trùng với ngày cưới của tôi. VNA đã kết nối mối lương duyên của tôi. Bạn đời của tôi nguyên là một tiếp viên hàng không. Đến nay, bà xã vì lý do sức khỏe không còn bay nữa, nhưng mỗi lần kỷ niệm ngày cưới, lại gợi cho chúng tôi lòng biết ơn và nhớ tới sự kết nối hạnh phúc của gia đình.

Thế hệ của các anh có thể xem là thế hệ chuyển giao giữa giai đoạn chiến tranh và ngay sau chiến tranh với thời kỳ đổi mới của đất nước; đồng thời là thế hệ chuyển giao của lịch sử đoàn bay 919 từ hàng không quân sự sang hàng không dân dụng; giai đoạn đó với bây giờ có nhiều khác biệt không ạ? Nếu có thì sự khác biệt đó là gì?

Có một điều khác biệt đó là khi làm không quân mình chỉ làm chủ một máy bay, còn bây giờ làm chủ máy bay nhưng phải chịu trách nhiệm với tính mạng hơn 300 hành khách phía sau và khối tài sản khổng lồ của TCT của Quốc gia. Nhiệm vụ đó không kém phần lớn lao và có phần nặng nề hơn rất nhiều.

Trong tháng 11 vừa qua, VNA bay thẳng Mỹ, tôi vinh dự tham gia chuyến bay đầu tiên đó. Việc  bay 15-16 tiếng qua bao nhiêu không phận càng khẳng định người VNA đã làm chủ, tự lực đào tạo với máy bay hiện đại. Và điều đó cũng chứng tỏ rằng, thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn nhiều và làm được nhiều điều lớn lao hơn nhiều.

alt text
Chúng tôi, thế hệ mới của Đoàn bay 919 – Hãng Hàng không Quốc gia VN luôn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ! (Ảnh: ĐB).

Đối với thế hệ phi công trẻ hiện nay nói riêng và thế hệ trẻ VNA nói chung thì các anh, các chú luôn là những người đi trước, là tấm gương, là người truyền lửa cho các thế hệ kế tiếp. Vậy anh muốn nhắn gửi gì thế hệ trẻ hôm nay không?

Đó là niềm vinh dự và tự hào vì đã bước tiếp thế hệ cha anh đi trước. Các phi công tiền bối của Đoàn bay 919 vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chuyên chở dân sinh, thời của mình, may mắn được sống trong hòa bình thì tập trung phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và giao thương với toàn cầu;  

Tôi rất mong mỗi thế hệ hôm nay sẽ là người truyền lửa cho thế hệ kế tiếp, để thế hệ trẻ nối tiếp sẽ thấm nhuần truyền thống Anh hùng của đơn vị nói riêng và truyền của bộ đội Cụ Hồ của ngành Hàng không nói chung. Chuyển hóa niềm tự hào ấy thành sự quyết tâm không ngừng học hỏi, nâng cao bản lĩnh chính trị, vững vàng chuyên môn nghiệp vụ để bay an toàn và chung tay xây dựng kinh tế, xây dựng Hãng hàng không quốc gia phát triển bền vững. 

Chúng tôi, thế hệ mới của Đoàn bay 919 – Hãng Hàng không Quốc gia VN luôn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ!

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.