[20/11] Vũ Thị Hồng Hạnh “Thích thú khi được gọi là cô giáo”

“Khi đứng lớp đào tạo cho các đồng nghiệp, có nhiều người lớn tuổi, nhưng nhiều người gọi tôi là cô giáo, khiến tôi cũng cảm thấy rất vui”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Mỗi năm có hơn 60 giờ đứng lớp đào tạo về An toàn vệ sinh thực phẩm, chị Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đảm bảo chất lượng, Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) vẫn nghĩ đó là trách nhiệm và niềm vui của mình trong công việc”.

alt text
Chị Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đảm bảo chất lượng (Ảnh: Hoàng Quy).

Dạy học cũng là tự học

Tốt nghiệp Đại hoc Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Công nghệ thực phẩm năm 2012, chị Hạnh có thời gian ngắn làm trong một công ty tư vấn luật, trước khi thi tuyển vào NCS. Sau 4 năm công tác, từ năm 2016, chị chịu trách nhiệm đào tạo nghiệp vụ cho CBNV trong công ty. Đến năm 2018, chị được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý và bắt đầu được đứng lớp đào tạo cho các cán bộ quản lý.

alt text
“Lần đầu đứng lớp tôi cũng chẳng run, vì đã từng đứng thuyết trình nhiều trước lớp từ hồi đại học”, chị Hạnh cho biết (Ảnh: NVCC).

Chị chia sẻ, đào tạo về chuyên môn không khó, vì những kiến thức đã ăn sâu vào mỗi cán bộ phòng Đảm bảo chất lượng rồi. “Lần đầu đứng lớp tôi cũng chẳng run, vì đã từng đứng thuyết trình nhiều trước lớp từ hồi đại học”. Theo chị, cái khó khi đào tạo trong công ty là phải làm sao cho người lao động hiểu sâu và cảm thấy lý thú khi học. Do đó, mỗi khi vào lớp, chị thường cho các học viên chơi các trò chơi đố liên quan đến môn học để thêm hứng thú.

“Rất may là khi học ở đại học, tôi có kinh nghiệm là chủ tịch CLB tiếng Anh, rồi ở trong Ban chấp hành Hội Sinh viên trường nên đã có kinh nghiệm khuấy động mọi người rồi. Ngoài ra tôi còn được tham gia khóa đào tạo giảng viên nội bộ và làm việc cùng một số tổ chức bên ngoài nên dần có thêm kinh nghiệm”, chị kể.

Chị Hạnh cho biết, việc đào tạo về An toàn vệ sinh thực phẩm ở NCS được chia làm 3 cấp độ: Thứ nhất là cho những CBNV mới vào làm, thứ hai là đào tạo nhắc lại cho CBNV đang làm việc tại công ty, và cấp thứ ba là đào tạo cho các cán bộ quản lý.

alt text
Một kỷ niệm khác mà chị xúc động mãi là trong một buổi đào tạo diễn ra đúng sinh nhật chị, cả lớp đã chúc mừng và tổ chức liên hoan rất vui vẻ (Ảnh: NVCC).

“Chúng tôi dạy về việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ bản về an toàn thực phẩm; về quy trình, quy phạm; sau đó là liên hệ thực tế, đưa ra các tình huống để CBNV hiểu rõ, mục tiêu sau khóa đào tạo là mọi người hiểu và phải áp dụng được vào thực tế”.

Với đối tượng cán bộ quản lý mà chị Hạnh thường trực tiếp đào tạo, chị cho biết, chủ yếu là cập nhật cho họ những văn bản pháp luật mới, những điều khoản thay đổi để áp dụng. “Có đến hàng trăm văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thực phẩm và gần như đều có văn bản cập nhật mới mỗi năm”, chị thống kê. Ngoài ra, là các thông tin dịch bệnh, số liệu thống kê về các vấn đề an toàn thực phẩm mà đội ngũ cán bộ quản lý cần nắm để điều hành công tác.

“Chia trung bình trong các thời gian cao điểm, có lúc tôi dành đến 20% thời gian cho công tác đào tạo”, chị nói. Theo chị, công tác đào tạo trong NCS rất quan trọng và cũng thú vị vì được tiếp xúc với hầu hết người lao động trong công ty. Nhờ vậy, các chị cũng có cơ hội trau dồi kiến thức và cập nhật các thông tin mới cho mọi người. Đó là ý nghĩa chính của nhiệm vụ đào tạo: mang lại thêm kiến thức cho mọi người. “Công tác đào tạo cũng giúp chúng tôi rèn luyện kỹ năng mềm”.

‘Làm cô giáo là có ngay giọng khàn’

“Trước đây giọng tôi trong lắm, từ mấy năm gần đây, thường xuyên đứng lớp và  trong môi trường nhiệt độ đặc trưng của NCS để đảm bảo an toàn thực phẩm  nên có thể giọng tôi đã chuyển thành khàn”, chị nói đùa.

alt text
alt text

Chị Hạnh bên các đồng nghiệp (Ảnh: NVCC).

Theo chị, sau mỗi buổi đào tạo kéo dài tới 3 giờ, đôi khi chị cũng cảm thấy mệt nhưng niềm vui mà tôi có được thì còn to lớn hơn rất nhiều. “Mỗi buổi đào tạo đều có bài kiểm tra bắt buộc. Chúng tôi phải dạy để các học viên đều hiểu hết thì thôi”.

Để việc đào tạo có hiệu quả, chị Hạnh có bí quyết là trước mỗi buổi, đều nghiên cứu kỹ danh sách học viên, xem đâu là nhân viên mới, rồi đối chiếu danh sách thống kê lỗi trước đó xem lỗi nào thường mắc phải, ai là người mắc nhiều để tập trung giảng kỹ hơn.

Một bí quyết khác của cô giáo tuổi 30 này là lần lượt cho các học viên lên làm giảng viên lên giảng lại cho cả lớp, để mọi người chấm điểm và sau đó sẽ giảng giải lại các sự việc, những vấn đề học viên còn chưa hiểu rõ. “Cách làm này áp dụng trong hai năm nay đã phát huy hiệu quả, trong buổi học không ai thấy buồn mà đều rất tập trung và hứng thú học hành”, chị đùa tiếp.

alt text
Trước mỗi buổi dạy, chị đều nghiên cứu kỹ danh sách học viên, xem đâu là nhân viên mới, rồi đối chiếu danh sách thống kê lỗi trước đó xem lỗi nào thường mắc phải, ai là người mắc nhiều để tập trung giảng kỹ hơn (Ảnh: Hoàng Quy).

Chị Hạnh hé lộ, những kỹ năng này chị học hỏi từ những khóa được học về kỹ năng mềm được tích lũy khi tham gia các hoạt động tập thể tại trường đại học. Ngoài ra, công ty cũng cho các chị học các lớp kỹ năng giảng viên nội bộ, cũng rất bổ ích với công tác đào tạo.

Theo chuyên môn được phân công, mỗi năm, phòng chị Hạnh tham gia phục vụ đến khoảng 30 đoàn đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, các hãng đối tác. “Đây là nhiệm vụ khó nhất của phòng Đảm bảo chất lượng. Quan trọng để đánh giá hiểu được hệ thống và quy trình mà NCS đang áp dụng sẽ mang lại những sản phẩm an toàn và chất lượng”, chị chia sẻ. Tuy nhiên, cũng nhờ thường xuyên tiếp xúc với các đợt đánh giá, các chuyên gia nước ngoài mà năng lực của CBNV trong phòng và công ty được nâng cao, giúp công tác chất lượng của NCS cũng ngày một phát triển.

“Trong ngành của chúng tôi, bây giờ thành thạo tiếng Anh là hết sức quan trọng”, chị khẳng định và dẫn chứng với việc liên tục đáp ứng các kỳ kiểm tra, đánh giá của các tổ chức hàng không, các đối tác nước ngoài.

“Bản thân tôi lúc thi tuyển vào NCS đã có nền tảng tiếng anh cơ bản là IELTS 7.0, đã từng làm ở trung tâm tiếng Anh rồi, nhưng khi vào vẫn phải luôn tự học nhiều, vì tiếng Anh chuyên ngành chất lượng, ngành catering rất khác biệt”, chị kể. Vì vậy, chị luôn yêu cầu nhân viên trong phòng tự trau dồi tiếng Anh thường xuyên và rất vui khi nhìn thấy các em có sự tiến bộ.

Kỷ niệm về người thầy và việc làm thầy

Nói về người thầy, chị Hạnh nói chị ấn tượng mãi với PGS. Nguyễn Công Thành, người dạy chị môn Quá trình thiết bị ở trường đại học. Chị nhớ, đó là môn học rất khó, đã từng là nỗi ám ảnh của nhân viên Bách khoa, nhưng nhờ người thầy có phong cách giảng dạy đặc biệt mà ai cũng chăm chú lắng nghe.

“Thầy Thành rất giỏi nên dù lúc chúng tôi học, thầy đã 70 tuổi vẫn được trường và khoa mời giảng dạy. Thầy cũng được nhiều đơn vị bên ngoài nhờ làm tư vấn, do đó thầy lại càng có nhiều kinh nghiệm thực tế. Vào lớp, thầy giảng không cần giáo án, toàn bộ bản vẽ máy móc thầy đều vẽ bằng phấn nhưng rất chi tiết và dễ hiểu. Thầy còn hay kể truyện cười cho sinh viên”, chị nhớ lại. Cô cựu sinh viên vẫn cứ tiếc mãi là chỉ được học thầy được hơn một năm thì thầy Thành bất ngờ phát hiện mắc bệnh ung thư và qua đời không lâu sau đó, khiến các thầy cô và sinh viên mãi thương tiếc. “Tôi đặt tên con tôi là Thành, giống tên người thầy mà tôi vô cùng ngưỡng mộ”, chị tiết lộ.

alt text
“Tôi đặt tên con tôi là Thành, giống tên người thầy mà tôi vô cùng ngưỡng mộ”, chị tiết lộ (Ảnh: NVCC). 

Ngoài ra, một người thầy có dấu ấn quan trọng với chị Hạnh là nguyên trưởng phòng Quản lý chất lượng Tô Bích Điềm. “Tôi gia nhập NCS khi chưa hề có kinh nghiệm gì trong ngành. Nhờ sự hướng dẫn, đào tạo hết sức tận tình của cô Điềm mà tôi mới có được ngày hôm nay. Cô đã truyền cho tôi sự nhiệt huyết và lăn xả trong công việc. Cô luôn nhắc nhở chúng tôi làm nghề quản lý chất lượng phải luôn cương trực, dũng cảm”.

Dù cô Điềm đã về hưu 2 năm qua, nhưng chị Hạnh cho biết, chị luôn nhận được những tư vấn, góp ý của cô mỗi khi cần. “Đến nay là cán bộ quản lý trẻ nhất của công ty, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của tất cả các anh chị lãnh đạo và các cô chú hiện tại và đã về hưu. Tôi rất cảm ơn con người NCS, tinh thần NCS”, chị xúc động nói.

alt text
Chị Hạnh bên những người đồng nghiệp trong 1 chuyến du lịch (Ảnh: NVCC).

Nói về kỷ niệm của mình với nghề dạy học, chị Hạnh vui vẻ kể về thời sinh viên, khi làm gia sư cho một em học sinh cấp 3, đến ngày 20/11, được em và gia đình tặng bó hoa to cùng quà, khiến chị vui đến mức “không biết diễn tả thế nào”.

Một kỷ niệm khác mà chị xúc động mãi là trong một buổi đào tạo diễn ra đúng sinh nhật chị, cả lớp đã chúc mừng và tổ chức liên hoan rất vui vẻ. Chị tâm sự: “Cứ mỗi lần được nghe gọi chữ ‘cô giáo’ là tôi vẫn cảm thấy xúc động và vui đến hết ngày”.

Vị lãnh đạo phòng trẻ nhất NCS hiện đang quản lý phòng có 15 người, trong đó chỉ có 3 nam giới. “Tất cả nhân viên phòng chúng tôi đều học từ ngành kỹ thuật, nên ai cũng nhanh nhẹn, lăn xả, không ngại làm việc theo ca, kíp và quen thuộc với máy móc”, chị tự hào kể.

CTV Tiên Long

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.