Truyền lửa qua câu chuyện về những năm tháng thanh xuân
Suốt khoảng thời gian tuổi thơ, anh Đức Anh đã sớm gắn bó với hình ảnh của người phi công và những chiếc máy bay khi có ba là phi công đang công tác tại VNA. Và cũng bởi vậy nên, ước mơ gắn bó với “những chú chim sắt” cũng dần định hình trong những năm tháng lớn lên sau này.
“Năm 2008, tôi may mắn trúng tuyển vào Khoá đào tạo phi công của VNA và được gửi đi học tại Cộng hoà Pháp. Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện, bắt đầu học tập, công tác tại Đoàn bay 919, Đội bay A321, tôi được các cấp lãnh đạo, các thầy, các chú, các anh đi trước quan tâm, dẫn dắt, chỉ bảo tận tình và chính nhờ sự quan tâm ấy cũng là cơ duyên để bản thân tôi ngày một thêm gắn bó và được tham gia công tác đào tạo như hiện tại”, cơ trưởng Đức Anh chia sẻ.
Hiện tại, công việc chuyên môn của anh Đức Anh là giáo viên, lái chính và trợ lý huấn luyện của Đội bay A321. Đảm nhận công việc chắp cánh những “ước mơ bay”, việc thường xuyên trau dồi chuyên môn là một nhiệm vụ rất quan trọng, để đảm bảo truyền đạt cũng như định hình đúng được các kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ phi công tham gia huấn luyện.
Đối với vai trò là một trợ lý huấn luyện của Đội bay, ngoài việc trau dồi chuyên môn, trợ lý huấn luyện phải thường xuyên sát cánh cùng học viên để kịp thời hỗ trợ, đề xuất, tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn khi học viên gặp phải trong giai đoạn huấn luyện.
Với anh, cơ hội được chứng kiến các phi công trẻ tiếp bước bay cao bay xa với đội bay thân rộng hiện đại chính là niềm vinh dự, tự hào. Nhìn lại hành trình gắn bó với công việc “truyền lửa”, thời điểm mang cho anh nhiều kỷ niệm nhất trong quá trình tham gia công tác đào tạo là giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tại thời điểm ấy, rất nhiều phi công và kể cả bản thân anh phải trải qua quãng thời gian tương đối dài bay rất ít, thậm chí là không bay. Khi bắt đầu giai đoạn bình thường mới sau dịch bệnh, để đảm bảo giữ, phục hồi năng định, kỹ năng, kiến thức của phi công khi khai thác trở lại là nhiệm vụ rất áp lực của những người thực hiện công tác đào tạo.
“Rất nhiều phương án, kế hoạch, quyết định của cả tập thể đã được đưa ra, và nhờ có sự chuẩn bị tốt, cũng như luôn sẵn sàng cho mọi tình huống, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”
Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim
Được nhận định là còn khá trẻ so với các giáo viên phi công khác, cá nhân cơ trưởng Đức Anh luôn tự nhủ xem các thầy, các phi công kinh nghiệm đi trước là hình mẫu để bản thân học tập và cố gắng noi theo.
“Trong tập thể, tôi luôn cố gắng hoà đồng với mọi người xung quanh trong công tác, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ. Tôi nhận thấy luôn nhận được sự chia sẻ, khuyên bảo trong công việc cũng như cuộc sống, nên bản thân tôi cũng không cảm thấy áp lực trong công việc cũng như môi trường làm việc hiện tại.”
Nếu như thông thường, các học viên sẽ gọi người đứng lớp là thầy thì với cơ trưởng Đức Anh, anh lại có cách xưng hô của riêng mình.
“Thực sự rất ít người gọi tôi là thầy, vì khi đồng nghiệp gọi như vậy, tôi hay nói với họ hãy gọi tôi là anh, em như cuộc sống bình thường. Vì tôi luôn nghĩ rằng, đối với mỗi phi công mình tham gia huấn luyện, họ học được những gì và họ hoàn thành khoá huấn luyện như thế nào mới là quan trọng.”
Một trong những bài học nằm lòng của tất cả học viên từng tham gia những khóa đào tạo của cơ trưởng Đức Anh chính là tinh thần nghiêm túc trong công việc, tuân thủ tuyệt đối các nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cá nhân đã được phân công theo quy định. Đồng thời, trên chuyến bay, việc thực hiện tốt các kỹ năng giao tiếp, trao đổi thông tin đã được huấn luyện chính yếu tố quyết định một chuyến bay khai thác nói chung cũng như chuyến bay huấn luyện nói riêng an toàn và thành công.
Nỗ lực tiếp nối và lan tỏa tình yêu với bầu trời
Không phải ai cũng có thể “vụt biến” trở thành giáo viên, cơ trưởng Đức Anh cho rằng mỗi ngành, mỗi nghề đều có những đặc thù riêng. Trong đó, giáo viên của mỗi ngành nghề sẽ đòi hỏi phải có những kỹ năng khác nhau để phù hợp với mỗi loại hình bản thân tham gia đào tạo.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng phi công là một nghề đặc thù, đòi hỏi phải trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng tay nghề thường xuyên. Do vậy, để đào tạo một phi công, người giáo viên phải có khả năng thực hiện được tất cả những gì mình giảng dạy, giữ gìn sức khoẻ tốt, chuyên môn tốt. Qua đó đảm bảo hoàn thành tốt song song huấn luyện trên chuyến bay cũng như huấn luyện dưới mặt đất.”
Chia sẻ về “chìa khóa” cân bằng được giữa công việc chuyên môn và công tác đào tạo, cơ trưởng Đức Anh nhận định rằng tập thể là yếu tố quyết định.
“Để hoàn thành được hai nhiệm vụ này, tôi cố gắng để bản thân mình là một thành phần tốt của tập thể. Khi tập thể mạnh, tất cả các công việc sẽ được hoàn thành tốt, cũng như mỗi cá nhân sẽ hoàn thành tốt công việc được giao và cân bằng được hai nhiệm vụ trên.”
Hành trình gắn bó với “văn phòng trên mây” là những chuyến bay xuyên đêm thức trắng để chuyên chở hành khách đi đến nơi về đến chốn, là những ngày lễ tết xa quê bày chút bánh trái làm cỗ và xem đồng nghiệp là người thân trong gia đình. Bởi vậy, cơ trưởng Đức Anh càng mong muốn có thể góp sức hỗ trợ những học viên trong ngày đầu khó khăn khi mới vào nghề.
“Tôi luôn hi vọng phần nào các kiến thức mà mình truyền đạt cho các phi công, sẽ là nền móng để họ thành công trong cuộc đời bay sau này. Khi thấy họ thành công là điều tuyệt vời nhất tôi nhận lại được.”