Mối duyên với nghề giáo
Lĩnh vực chị Thúy Bắc đang phụ trách là đào tạo mảng tiếng Anh trong giao tiếp và phục vụ. Theo chị, bộ môn này không phải dạy ngoại ngữ thông thường mà hướng dẫn học trò cách sử dụng tiếng Anh để giao tiếp lịch sự và giới thiệu cho khách sản phẩm dịch vụ trên chuyến bay.
Nội dung thứ hai trong chương trình dạy, chị tập trung vào những tình huống cần xử lý bằng tiếng Anh, đưa ra cấu trúc ngôn ngữ phù hợp, giúp khách hiểu được tầm quan trọng của sự việc và làm theo.
Tổ ngoại ngữ của chị mới tách ra khỏi bộ môn kỹ năng phát triển cá nhân từ tháng 5 năm nay, mọi thứ còn rất mới. Trước khi thành lập tổ, chị và đồng nghiệp đã phải đầu tư thời gian biên soạn mới giáo trình, giáo án và các tài liệu giảng dạy khác. Là một trong những trụ cột của bộ môn ngoại ngữ, chị vẫn khiêm tốn cho rằng mình không phải “biết tuốt”.
“Thế hệ bây giờ, có nhiều bạn rất xuất sắc, chuyên gia trong các lĩnh vực mà tôi không biết rõ. Vì vậy, là giáo viên nhưng tôi chỉ giúp họ ở mảng hàng không và dịch vụ, còn những mảng khác thì phải học hỏi từ các bạn ấy”, chị kể.
Lớp học của chị bao gồm các tiếp viên từ trẻ tuổi tới có thâm niên. (Ảnh: Mai Hương).
Lớp học của chị Thúy Bắc cũng không đơn thuần là các học viên trẻ tuổi, có nhiều người đồng lứa với chị, thậm chí là chuyên gia của bộ phận khác. Chị nhớ lại thời mới bắt đầu đi dạy, một số học viên có thâm niên nghề lâu hơn mình. Dù đã thi qua các kỳ sát hạch, đủ tiêu chuẩn là giáo viên nhưng chị vẫn cần phải chứng tỏ sự nổi bật để thuyết phục học viên. Theo chị, điều cần thiết chính là “hiểu được kinh nghiệm của người học, liên hệ điều đó với kiến thức mình truyền đạt, dùng kỹ năng đứng lớp để thuyết phục, tạo sự tin tưởng từ họ”.
Nhắc đến phương pháp giảng dạy, chị nói thêm: “Thời kỳ đầu đi dạy, tôi khá cứng nhắc, làm theo nguyên tắc mà không hiểu người học nên hiệu quả không cao. Sau nhiều năm, tôi nhìn mọi thứ nhẹ nhàng hơn, có sự mềm mại hơn trong tiếp cận học sinh, tập trung vào người học, miễn là cuối cùng học trò có kết quả tốt, chứ không phải mình truyền đạt hết cái mình muốn nói”.
Với chị Thúy Bắc, để trở thành giáo viên giỏi yếu tố đầu tiên là lòng yêu nghề, mong muốn truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho người khác. Người đó cần phải hướng thiện, sửa sai khi học trò mắc lỗi. Giáo viên cũng cần tôn trọng học trò, tạo môi trường giao tiếp cởi mở, chỉ khi mình hiểu người học thì mới có cách hướng dẫn, truyền đạt tốt hơn.
Chị nói thêm: “Điều cuối cùng bản thân mình phải có năng lực, chịu khó trau dồi và cầu thị”.
Còn đi bay là còn tiếp tục dạy học
Bên cạnh đảm nhiệm vai trò tổ trưởng tổ ngoại ngữ, chị Thúy Bắc vẫn duy trì công việc của một tiếp viên trưởng ở VNA. “Nghề này nếu không đi bay sẽ rất khó để dạy. Tham gia các chuyến bay để kiến thức thực tế của mình không lạc hậu. Ngoài ra, mình hiểu được đặc thù công việc để bớt tạo áp lực học hành cho học viên”.
Hơn 20 năm trong nghề, thuộc thế hệ kỳ cựu tại VNA, chị Thúy Bắc cũng là người chứng kiến những thay đổi đối với nghề tiếp viên hàng không. Chị kể: “Năm 1993, thời điểm tôi vào VNA, tiếp viên hàng không là nghề rất “hot”. Lúc này đất nước mới mở cửa, người trẻ tuổi được đi ra nước ngoài là điều vô cùng tự hào. Nghề còn mang đến thu nhập tốt, giúp cho mình cơ hội học hỏi, quan sát hơn”.
“Hiện nay kinh tế phát triển, các bạn trẻ có nhiều cơ hội để đi ra nước ngoài, nghề tiếp viên hàng không bây giờ không quá hot như xưa. Tuy nhiên, với những bạn muốn tìm môi trường cởi mở, hoặc chưa có điều kiện để đi đây đó nhiều, nghề này cũng là cơ hội tốt”, cô giáo của tổ ngoại ngữ nói thêm.
Trải lòng về công việc, chị Thúy Bắc cũng đưa ra một lời khuyên cho “đàn em” rằng: “Tiếp viên phải duy trì được sức khỏe, nên luyện tập để cơ thể dẻo dai. Thời gian với tiếp viên hàng không cũng trôi qua rất nhanh, đừng để bị cuốn theo mà không biết mình đang ở đâu, sẽ dễ bị tụt hậu, cần phải tạo cơ hội học tập, nâng cao kiến thức. Quan trọng nữa là cân bằng công việc, gia đình và bản thân”.
Luôn cố gắng dành thời gian cho chồng con. (Ảnh: Thúy Bắc).
Chị cho biết cách mình phân bố thời gian phù hợp là lên kế hoạch làm việc trước 2 tháng. Chị xác định trong 3 tuần đi dạy, buổi tối và cuối tuần dành cho gia đình, chăm sóc chồng con. Thời gian cho bản thân là những buổi trưa đi ra ngoài hẹn gặp bạn, hoặc tập yoga vào các buổi sáng sớm cuối tuần.
Chị cho biết mỗi giáo viên dạy đủ 11 ngày/tháng sẽ được đăng ký chuyến bay theo nguyện vọng. Đây là cơ hội để chị “tự thưởng” một chuyến du lịch, vừa cân bằng cuộc sống, đồng thời tìm niềm vui trong chính công việc của mình.
Nói về định hướng trong tương lai, chị vui vẻ chia sẻ : “Tôi vẫn rất yêu thích nghề tiếp viên, cảm thấy mình vừa đi làm vừa tận hưởng niềm vui trong công việc. Tất nhiên, bây giờ lớn tuổi, phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe, nhưng ngày nào tôi còn đi bay là còn đi dạy.”
Thu Thảo