[20/11] ‘Quý trọng con người là điều cần thiết với nghề tiếp viên hàng không’

“Khi làm ở vị trí tiếp viên trưởng, bạn sẽ có cơ hội truyền đạt kiến thức tới các bạn mới trong tổ. Khi đứng lớp, những gì từng nói với các bạn đang đi bay, bây giờ truyền đạt lại cho những bạn tiếp viên mới. Chỉ không gian, môi trường khác thôi, còn công việc vẫn như thế”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Chị Uyên (bên phải) hiện đang đảm nhiệm vị trí tiếp viên trưởng và cộng tác với phòng đào tạo, trực tiếp đứng lớp. (Ảnh: NVCC).

Đến với nghề tiếp viên hàng không từ tháng 5/2004, chị Phượng Uyên quen với việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ của hành khách trên máy bay. Hiện chị đảm nhiệm vị trí tiếp viên trưởng và cộng tác với phòng đào tạo, trực tiếp đứng lớp. Chuyên môn của chị là hướng dẫn học viên cách sử dụng tiếng Anh trong nghề dịch vụ, giải quyết tốt nhất các vấn đề với hành khách.

alt text
Chị Uyên bên những người bạn, người đồng nghiệp, người học trò của mình. (Ảnh: NVCC).

15 năm gắn bó với bầu trời

Trong 15 năm làm tiếp viên hàng không, chị gom góp nhiều kỷ niệm. Chuyến bay đến Đức cách đây hai năm để lại trong chị ấn tượng sâu sắc nhất. Hành trình hôm ấy, một nam hành khách khá trẻ tuổi, nhưng chỉ ngồi trầm ngâm, không sử dụng dịch vụ gì. Sau khi quan sát, chị Phương Uyên tới hỏi thăm hành khách vài câu. Chị bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách hỏi khách có xem phim không và hướng dẫn cách mở máy. Nhưng khách chỉ lắc đầu. Chị vẫn khéo léo gợi mở câu chuyện và biết được hôm đó là sinh nhật tròn 20 tuổi của cậu ấy.

alt text
Lá thư khen hành khách gửi chị Uyên và tổ tiếp viên. (Ảnh: NVCC).

Tìm hiểu rõ nguyên nhân, chị quay trở lại bếp, thảo luận với đồng nghiệp và cùng mọi người làm khay bánh, trên đó viết chữ “Happy Birthday”. Chị còn chuẩn bị thêm một ly champagne để chúc mừng thanh niên ấy.

Ngay khi nhận bánh, khách nam vui và sắp bật khóc. Sau khi hạ cánh, nam hành khách trước khi rời khỏi máy bay đã quay lại ôm lấy chị Uyên và cảm ơn. “Chỉ một hành động nhỏ, nhưng khiến tôi cảm động và nhớ mãi”, chị nói.

Trên chuyến bay từ Sài Gòn đi Frankfurt gần đây, chị gặp một nam hành khách khá khó tính. Chàng trai Australia quan sát tổ tiếp viên rất kỹ, yêu cầu cao về cách phục vụ. Chị dặn dò tổ tiếp viên phải làm việc cẩn thận, luôn giữ tác phong chuẩn mực, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp.

Cuối hành trình, hành khách đã viết một lá thư khen ngợi tổ tiếp viên. Lá thư khiến mọi người thở phào nhẹ nhõm và thấy vui vì được khách ghi nhận về sự chuyên nghiệp của mình.

Công việc ở phòng đào tạo

Song song với việc phục vụ hành khách trên máy bay, chị Uyên còn tham gia giảng dạy. Giữa hai môi trường công việc, chị không cảm thấy khác biệt hay có sự chênh lệch, khóc khăn. Chị cho rằng: “Khi làm ở vị trí tiếp viên trưởng, bạn sẽ có cơ hội truyền đạt kiến thức tới các bạn mới trong tổ. Khi đứng lớp, những gì từng nói với các bạn đang đi bay, bây giờ truyền đạt lại cho những bạn tiếp viên mới. Chỉ không gian, môi trường khác thôi, còn công việc vẫn như thế”.

Theo chị, sự chia sẻ khiến nghề giáo và nghề tiếp viên xích lại gần nhau, bổ trợ cho chị những kỹ năng, kiến thức ở cả hai ngành. Do đó, thời gian đầu đứng lớp, chị không lo lắng hay bỡ ngỡ nhiều. “Cũng như khi đi bay, tôi không cảm thấy lo lắng mà rất phấn khởi”, chị nói.

alt text
Mỗi năm đến ngày 20/11, chị đều nhận được những bó hoa, lời chúc và sự tôn vinh từ học trò. (Ảnh: NVCC).

Mỗi năm đến ngày 20/11, chị đều nhận được những bó hoa, lời chúc và sự tôn vinh từ học trò. Tuy nhiên theo chị, không chỉ đến ngày Nhà giáo Việt Nam mới cảm nhận được niềm vui từ nghề giảng dạy, chỉ cần trong quá trình đứng lớp, học viên ghi nhận nỗ lực truyền nghề thì chị đã rất hạnh phúc.

alt text
Yêu cầu đầu tiên chị dành cho học viên là sự nghiêm túc và thực sự muốn theo đuổi nghề (Ảnh: NVCC).

Chị kể: “Kết thúc khóa học, nhận được từ học viên lời khen tôi dạy có tâm, tôi rất vui. Gần đây, một học viên chuyển sang thi giáo viên và được tôi kèm cặp. Trong lúc hướng dẫn, bạn ấy viết tờ giấy note ghi lý do thi giáo viên là vì ngọn lửa nhiệt huyết tôi truyền lại. Vài dòng ngắn gọn khiến tôi xúc động, cảm thấy trọn vẹn ý nghĩa của nghề dạy học”.

Yêu cầu đầu tiên chị dành cho học viên là sự nghiêm túc và thực sự muốn theo đuổi nghề. “Với những người có nguyện vọng thì hợp tác dễ dàng, còn những bạn đi bay trong tâm trạng không toàn tâm toàn ý lắm, tôi cần phải dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, động viên”.

Chị quan niệm: “Công việc chăm sóc người khác, nếu không xuất phát từ tâm sẽ cảm thấy phiền”. Do đó, chị cho rằng tiếp viên hàng không trước tiên phải có lòng yêu thương, quý trọng con người, nếu không mỗi ngày đi làm sẽ rất mệt mỏi. Bên cạnh đó, tiếp viên cũng cần trau dồi kiến thức ở dưới mặt đất, làm đúng những gì được học sẽ trở thành người chuyên nghiệp, linh hoạt giải quyết được vấn đề thì sự nghiệp phát triển

Sau những chuyến bay, chị sẽ ở nhà chăm sóc con trai 12 tuổi. Khi con đi học, chị tranh thủ thời gian soạn giáo án. Về tương lai của con, chị cho biết: “Ngành hàng không mang đến cơ hội trải nghiệm nhiều, nhưng con trai tôi thích làm kỹ sư nên tôi tôn trọng mong muốn của cháu”.

Khi được hỏi về công ty, chị Uyên bày tỏ: “Không chỉ tôi mà các bạn tiếp viên hàng không khác đều hy vọng VNA tiến lên thành hãng hàng không 5 sao và mở thêm nhiều đường bay mới”.

alt text
Chỉ cần trong quá trình đứng lớp, học viên ghi nhận nỗ lực truyền nghề thì chị đã rất hạnh phúc. (Ảnh: NVCC).

Thu Thảo 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.