[20/11] Người ‘truyền lửa’ môn Đảm bảo chất lượng của VACS

Kể từ khi bén duyên với VNA, chị Thảo không chỉ được làm đúng chuyên môn, nơi đây còn mang đến cho chị cơ hội trở thành giáo viên truyền đạt kiến thức đã học và tích lũy trong 23 năm làm việc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chị Hồ Thị Thanh Thảo gắn bó với “nghề” Đảm bảo chất lượng của VACS từ năm 1996 đến nay. Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, cô sinh viên khoa Công nghệ Sinh học không ngờ ra trường sẽ nhanh chóng tìm công việc đúng lĩnh vực mình học. Kể từ khi bén duyên với VACS, chị Thảo không chỉ được làm đúng chuyên môn, nơi đây còn mang đến cho chị cơ hội trở thành giáo viên truyền đạt kiến thức đã học và tích lũy trong 23 năm làm việc.

alt text
Chị Hồ Thị Thanh Thảo gắn bó với phòng Đảm bảo chất lượng của VACS từ năm 1996 đến nay. (Ảnh: Mai Hương).

Niềm vui từ hai tiếng “Chào cô!”

Chị Thảo cho biết hàng năm chị đều đứng lớp đào tạo về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân viên công ty, từ các nhân viên làm việc trực tiếp với thực phẩm đến các nhân viên có công tác hàng ngày liên quan đến dây chuyền sản xuất. Không chỉ đào tạo định kỳ nhắc lại hàng năm, mà bất kỳ khi nào có nhân viên mới, nhân viên có thay đổi khu vực làm việc, chị cũng tham gia giảng dạy để đảm bảo cung cấp, cập nhật kiến thức kịp thời đến người học. Vì vậy, công tác giảng dạy cũng được xem là công việc thường xuyên của chị.

Nhớ lại những ngày đầu tham gia giảng dạy, chị kể: “Ban đầu giảng bài, tôi rất run, chưa có kinh nghiệm dẫn dắt khiến nhiều anh chị học viên ngủ gục. Nhưng dần tôi đã tìm được cách khuấy động bầu không khí, giờ học trở nên vui vẻ hơn”. Nói về cảm nhận với ‘nghề tay trái’ này, chị chia sẻ, ánh mắt thoáng xúc động: “Tôi rất vui khi được mọi người ‘Chào cô!”

alt text
“Tôi rất vui khi được mọi người ‘Chào cô!”, chị Thảo xúc động chia sẻ. (Ảnh: Mai Hương).

Trong các buổi đứng lớp, chị Thảo sẽ hình dung cho học viên về công việc, các tình huống gặp phải trong quá trình thực hiện, giúp họ nâng cao ý thức về vệ sinh, đảm bảo an toàn chất lượng thực phẩm trên mỗi chuyến bay.

Hàng ngày, nhân viên phòng Đảm bảo chất lượng làm nhiệm vụ giám sát quá trình sản xuất suất ăn phục vụ hành khách trên chuyến bay, từ khâu nhập nguyên liệu, sơ chế, nấu nướng, phân chia từng suất ăn vào khay cho đến lúc vận chuyển thực phẩm giao theo từng chuyến bay.

Trung bình một ngày công ty cung ứng khoảng 25.000 suất ăn cho hành khách, vào mùa cao điểm số lượng có thể đạt trên 30.000. Để hoàn thành công việc này, chị Thảo cho biết công ty hiện có lực lượng lao động gần 1000 người để đáp ứng các đầu công việc.

Chất lượng và vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu

Quy trình chế biến thực phẩm của VACS được áp dụng theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm như IFSA, QSAI và một số yêu cầu riêng biệt của các hãng hàng không. Để có nguồn nguyên vật liệu chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, trước hết, công ty đã lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm có tên tuổi, giấy chứng nhận, đảm bảo các tiêu chuẩn về nhà xưởng, vệ sinh cá nhân, con người, nhân viên, điều kiện làm việc, hồ sơ chứng minh đạt tiêu chuẩn chất lượng…

Thêm vào đó, mỗi năm Phòng Đảm bảo chất lượng kết hợp cùng phòng Sản xuất, phòng Mua hàng đều phải kiểm định lại giấy chứng nhận của nhà cung cấp, đánh giá trực tiếp tại nơi sản xuất của họ.

Sau khi lựa chọn được nhà cung cấp, đến khâu nhập sản phẩm, theo chị Thảo: “Hàng hóa nhập vào cần dựa trên các tiêu chuẩn chung như: nhãn, hạn sử dụng… Ngoài ra, mỗi loại hàng lại có từng yêu cầu riêng như: sản phẩm lạnh cần phải kiểm tra nhiệt độ trước khi nhập…”.

Bước tiếp theo là công đoạn sơ chế rửa rau củ quả để chuẩn bị phục vụ nhà bếp. Tùy vào nguyên liệu dành cho bếp nóng hay bếp nguội mà có quy chuẩn riêng về nồng độ, cách thức rửa rau củ. Sau đó, dựa trên yêu cầu từ chuyến bay, nhà bếp nhận nguyên liệu, chế biến các loại thực phẩm gia cầm, hải sản, bò, cá… theo nhiệt độ của từng món, đảm bảo an toàn cho khách sử dụng, vừa giữ chất lượng đồ ăn luôn tươi ngon.

alt text
Quy trình chế biến thực phẩm của VACS được áp dụng theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh: Mai Hương).

Chị Thảo cho biết yêu cầu về vệ sinh cá nhân tại VACS nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với các nhà hàng, khách sạn bên ngoài. Mỗi nhân viên trước khi bước vào khu vực sản xuất phải tuân thủ yêu cầu vệ sinh cá nhân như: đồng phục sạch sẽ, đội nón che kín tóc, lỗ tai, không đeo nữ trang, móng tay cắt ngắn, phải rửa tay, lăn tóc…

Chị giải thích: “Những người làm việc liên quan đến thực phẩm cần cắt móng tay vì móng tay dài sẽ là nơi vi khuẩn tích tụ, nguy cơ lây nhiễm vào thực phẩm”.

Không ngừng học hỏi để nâng cao chất lượng phục vụ

Công việc đảm bảo chất lượng có rất nhiều quy chuẩn cần phải tuân theo, lại thay đổi liên tục dựa trên đánh giá từ khách hàng. Vì vậy, hằng năm, nhân viên của VACS đều được đào tạo, cập nhật về vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của Việt Nam và an toàn vệ sinh thực phẩm thế giới.

Bộ phận của chị Thảo còn được học hỏi kinh nghiệm từ phía đồng nghiệp ở các catering khác như CPCS (Hong Kong), NCS (Hà Nội), … bổ sung thêm kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm đầy đủ hơn.

Phòng làm việc cũng áp dụng KPI, bắt buộc các nhân viên đều phải cải tiến, đưa ra các sáng kiến để giúp công ty đi lên cũng như phát triển bộ phận. Mỗi ngày, khi thấy có điểm nào đó trong quá trình vận hành không phù hợp, các thành viên sẽ đưa ra đề xuất, đóng góp để các phòng ban liên quan như phòng Sản xuất, phòng Khai thác… khắc phục, cải thiện.

Dù cẩn thận trong từng công đoạn, trong quá trình làm việc, chị Thảo cũng gặp một số tình huống xảy ra ngoài ý muốn. Có trường hợp khách ăn bị đau bụng, chị cho biết mình cần bình tĩnh truy vết hồ sơ, xét nghiệm mẫu lưu cũng như tìm hiểu thêm thông tin từ khách hàng để tìm nguyên nhân, giải thích cho khách, đồng thời luôn đảm bảo duy trì chất lượng vệ sinh thực phẩm. Chị kể thêm: “Một số khách hàng ăn đồ bên ngoài trước khi lên chuyến bay dẫn đến đau bụng. Chúng tôi phải tìm ra câu trả lời làm hài lòng khách chứ không được thờ ơ”.

alt text
Với môi trường làm việc ổn định, thân thiện, chị Thảo hài lòng với công việc của mình. (Ảnh: NVCC).

Khối lượng công việc lớn, cần sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết, đôi lúc gặp áp lực từ khách hàng, nhưng bù lại: “Đồng nghiệp hiền lành, hiểu nhau. Điều kiện lương bổng đảm bảo cho cuộc sống, lại đi làm gần nhà, tôi hài lòng với công việc này.” –  “cô giáo” của phòng Đảm bảo chất lượng VACS cho biết.

Với môi trường làm việc ổn định, thân thiện và nhiều phúc lợi từ VNA, chị Thảo hóm hỉnh nói: “Tôi có cô con gái đang học lớp 12, biết đâu sau này con lại có duyên giống mẹ, đi vào ngành hàng không cũng nên”.

Thu Thảo – Mai Hương

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.