[20/11] “Muốn làm giáo viên kỹ thuật phải tâm huyết và yêu nghề”

“Để làm một giáo viên nói chung và giáo viên VAECO nói riêng trước hết phải tâm huyết và yêu nghề”, kỹ sư Hoàng Ngọc Thưởng – một giảng viên nội bộ của VAECO – đúc kết.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đã 10 năm kể từ ngày được phê chuẩn và tham gia làm giảng viên nội bộ, anh Hoàng Ngọc Thưởng, Đội trưởng Đội bảo dưỡng số 2, Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội, Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO) vẫn còn nhớ cảm giác lo lắng khi lần đầu đứng lớp.     

Từ lần đầu bỡ ngỡ

Anh kể: ”Lúc đó tôi có đôi chút lo lắng là không biết mình có dạy được không”. Khi được báo “đi dạy”, anh rất bất ngờ vì được điều động dạy thay một giáo viên khác có việc bận, không có sự chuẩn bị từ trước, lại là lần đầu tiên đứng lớp nên ban đầu có chút hồi hộp, lo lắng.

Tuy nhiên với kiến thức đã nắm bắt được từ khi được học chuyển loại và tích luỹ trong quá trình làm việc, anh Thưởng đã dần dần tự tin truyền đạt cho các học viên và được đánh giá là nắm bắt tốt nội dung giảng dạy và cách truyền đạt rõ ràng, dễ hiểu. “Từ đó tôi nhận thấy mình có thể giảng dạy được”, anh cười thoải mái.

Anh Thưởng cho biết, hiện anh đang tham gia giảng dạy cả lý thuyết và thực hành các bộ môn điện – điện tử cơ bản của máy bay; chuyển loại máy bay các dòng máy bay thuộc gia đình A320 và các dòng A330, A350.

Ngoài ra, anh còn tham gia giảng dạy huấn luyện kỹ năng thi chứng chỉ CRS (Certificate Release to Service) mức A và mức B2 (các bộ môn Điện – Điện tử) các loại máy bay A320, A330 và A350.

Kỹ sư Hoàng Ngọc Thưởng tham gia công tác đào tạo tại VAECO 10 năm nay. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên nghành Công nghệ Điện tử Viễn thông, anh Thưởng trúng tuyển vào VNA đợt 1/1/2002 và được cử đi học chuyển loại kỹ sư Hàng không dân dụng tại Học viện Phòng không – Không quân.

Đến tháng 8/2003, anh được phân về Xí nghiệp máy bay A76 làm tại Trung tâm điều hành bảo dưỡng thuộc Phòng bảo dưỡng Ngoại trường. Năm 2005, anh được cử đi học chuyển loại máy bay dòng A320 tại Trung tâm đào tạo của Xí nghiệp máy bay A76. Đến đầu năm 2006, anh thi đạt chứng chỉ CRS mức A loại máy bay A320F và từ đầu năm 2007 được bổ nhiệm làm tổ trưởng.

Sau khi được cử đi học chuyển loại máy bay A330 tại Trung tâm đào tạo Lufthansa, Thành phố Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức. Anh thi đạt chứng chỉ CRS mức B2 loại máy bay A330 năm 2007 và đến năm 2009, thi đạt chứng chỉ CRS mức B2 loại máy bay A320F và được phê chuẩn giáo viên.

alt text
10 năm đứng lớp, anh Thưởng nhận thấy việc dạy và học ở VAECO những năm qua có rất nhiều thay đổi. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Năm 2014, anh Thưởng tiếp tục được cử đi học chuyển loại máy bay Airbus A350 phần lý thuyết và thực hành P1 tại Trung tâm Đào tạo của Airbus ở Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức, sau đó được cấp chứng chỉ CRS mức B2 loại máy bay A350 và được phê chuẩn bổ sung năng định giáo viên A350.

Về chuyên môn, sau khi được bổ nhiệm làm Đội phó Đội bảo dưỡng số 1, Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội, VAECO đầu năm 2012, đến tháng 6/2015, anh được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội bảo dưỡng số 2, thuộc Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội.     

Đến việc giảng dạy cho đối tác

Ngoài việc giảng dạy cho các anh em nhân viên kỹ thuật của VAECO thì đội ngũ đào tạo VAECO còn tham gia giảng dạy ký transit (kiểm tra giữa hai lần bay) cho cơ trưởng của VNA, dạy huấn luyện ground handling cho các đơn vị phục vụ mặt đất, dạy tra nạp nhiên liệu, và đào tạo nhân viên kỹ thuật cho các đối tác khác…

“Với góc nhìn cá nhân tôi thì việc đào tạo ở VAECO đóng vai trò rất quan trọng và đóng góp rất nhiều cho công ty VAECO nói riêng và VNA nói chung”, anh Thưởng nhận xét. Anh cho rằng, bộ máy đào tạo VAECO đã góp phần đào tạo ra rất nhiều thế hệ CRS các loại máy bay mà nếu cử đi huấn luyện đào tạo ở các cơ sở nước ngoài sẽ rất tốn kém, và các giáo viên VAECO sau khi được đi học chuyển loại ở các cơ sở nước ngoài về dạy lại cho các nhân viên kỹ thuật khác ở VAECO sẽ có giải thích cặn kẽ hơn. Các học viên với trình độ nghe nói tiếng Anh hạn chế cũng tự tin, mạnh dạn đặt câu hỏi với giáo viên hơn.

Anh kể, trong suốt thời đi học và ở công ty, người thầy mà anh ấn tượng nhất là thầy Dương Văn Giảng, cũng là giáo viên của Xí nghiệp sửa chữa máy bay A76 trước kia và VAECO sau này (rất tiếc là thầy đã mất). 

“Đối với tôi thầy vừa là một người thầy vừa là một người anh chỉ bảo cho tôi từ ngày mới chập chững bước vào nghề”, anh bồi hồi nhớ lại. “Có lẽ là do thầy cùng chuyên môn với tôi (thầy cũng là giáo viên bộ môn) và là người dạy chuyển loại cho tôi đầu tiên (dòng máy bay A320) với lối tiếp cận nội dung, truyền đạt rất rõ ràng, giải thích cặn kẽ và liên hệ sinh động”.

10 năm đứng lớp, anh Thưởng nhận thấy việc dạy và học ở VAECO những năm qua có rất nhiều thay đổi, dần từng bước đáp ứng được yêu cầu của các nhà chức trách hàng không. VAECO từ chỗ thường xuyên phải cử các nhân viên kỹ thuật ra nước ngoài học thì nay đã tự đào tạo được nguồn nhân lực với kỹ thuật tay nghề cao, đạt chuẩn quốc tế, ngoài ra còn dạy cho các đối tác bên ngoài.

Mặc dù kiến thức đã được nắm bắt khi học chuyển loại và được tích luỹ khi làm việc thực tế nhưng trước mỗi buổi đào tạo, anh Thưởng vẫn xem lại một lượt nội dung sẽ giảng dạy và tự đặt ra các tình huống câu hỏi của các học viên có thể hỏi để tránh bất ngờ khi được hỏi. “Nhớ lại phong cách của thầy Giảng, tôi lại tìm kiếm các ví dụ minh hoạ để học viên dễ hiểu hơn”, anh chia sẻ.

Theo anh Thưởng, bộ máy đào tạo VAECO đã góp phần đào tạo ra rất nhiều thế hệ CRS các loại máy bay mà nếu cử đi huấn luyện đào tạo ở các cơ sở nước ngoài sẽ rất tốn kém. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Đúc kết kinh nghiệm 10 năm làm giáo viên tại VAECO, anh Thưởng nhận xét: “Để làm một giáo viên nói chung và giáo viên VAECO nói riêng trước hết phải tâm huyết và yêu nghề. Đối với giáo viên VAECO nhất là các giáo viên dạy về kỹ thuật muốn dạy tốt đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tế vì lý thuyết nhiều khi rất trừu tượng nếu giáo viên không có kinh nghiệm thực tế rất khó giải thích cho học viên, thường xuyên trau dồi cập nhật kiến thức những thay đổi về công nghệ của nhà sản xuất”.

CTV Tiên Long

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.