“Lắng nghe, quan sát máy bay như với một đứa con, một người thân thương trong gia đình”
Gắn bó với các dòng máy bay của Boeing từ năm 2001, bắt đầu với B767 rồi tới B777, B787 đều đã lần lượt được “qua tay” anh Minh Đồng. Là nhân viên bảo dưỡng được CAAV phê chuẩn chứng chỉ B1, C dành cho các dòng máy bay trên, anh được lãnh đạo tin tưởng phân công trở thành giáo viên chuyển loại B777/B787 ngay khi VNA bắt đầu khai thác.
Nhắc đến niềm vinh dự khi nhận được sự tin tưởng từ lãnh đạo, anh Đồng chia sẻ: “Do có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong bảo dưỡng máy bay B767, giáo viên thực hành B767 nên khi VNA chuyển sang khai thác B777/B787 mình được chọn để phát triển giáo viên chuyển loại hai dòng máy bay mới này”.
Các dòng máy bay Boeing đều “qua tay” anh Minh Đồng. (Ảnh: NVCC).
Giáo viên bảo dưỡng là một công việc rất quan trọng trong ngành kỹ thuật máy bay bởi ngoài kiến thức thì đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm trong bảo dưỡng máy bay. “Từng việc nhỏ nhất mình làm không đúng có thể để lại hậu quả gây nguy hiểm cho tính mệnh hàng trăm con người, trong đó có thể có cả cha mẹ người thân của mình hay chính bản thân mình”, anh nhấn mạnh.
Với anh Minh Đồng, điểm khác biệt của một giáo viên và một kỹ sư bảo dưỡng có lẽ là ở kinh nghiệm và khả năng truyền đạt kiến thức kinh nghiệm của mình cho người khác. Bởi vậy, anh luôn tâm niệm rằng bên cạnh việc truyền cho học sinh kiến thức, kỹ năng thì lòng nhiệt huyết, đam mê, tình yêu nghề và sự gắn kết với những chiếc máy bay được mình bảo dưỡng cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng. “Ngoài chuyện phải hiểu nó ra thì mình còn phải biết cách lắng nghe, quan sát máy bay như một đứa con, một người thân thương. Chỉ như vậy, mình mới có thể biết được nó đang đau, đang bệnh chỗ nào…”, anh nói.
Theo anh Đồng, ngoài chuyện phải hiểu nó ra thì mình còn phải biết cách lắng nghe, quan sát máy bay như một đứa con, một người thân thương. (Ảnh: NVCC).
Thành công là khi kiến thức của mình được chia sẻ đến với mọi người
Với anh Minh Đồng, một trong những khó khăn trong công tác đào tạo thường xuất phát từ yêu cầu đảm bảo sản xuất. “Mình có quá ít thời gian để truyền đạt những điều mình muốn.”
Tuy nhiên, với mong muốn được truyền niềm đam mê và nhiệt huyết, tình yêu nghề, sự gắn bó với máy bay cho học sinh, cho thế hệ đàn em sau mình, anh Đồng vẫn có những cách riêng để “vượt khó”. “Thuận lợi của mình đến từ việc bản thân đang là một nhân viên bảo dưỡng máy bay B777/B787, khả năng kết hợp lý thuyết với thực tế sản xuất phục vụ cho việc giảng dạy được hiệu quả hơn. Nhờ vậy, học sinh dễ dàng đạt kết quả như mình mong muốn hơn. Với kiến thức kinh nghiệm làm và dạy B767/B777 nên khi chuyển sang giáo viên B787, mình nắm bắt mọi thứ dễ dàng hơn.”
Anh Đồng mong muốn được truyền niềm đam mê và nhiệt huyết, tình yêu nghề, sự gắn bó với máy bay cho học sinh, cho thế hệ đàn em sau mình. (Ảnh: NVCC).
Gắn bó với công tác đào tạo được 5 năm, anh Đồng đã trải qua không ít những tình huống đáng nhớ, thậm chí là “dở khóc dở cười”. “Kỷ niệm mà tôi ấn tượng nhất là trong một lần dạy thực hành B767. Khi đó chưa có nhiều quy định chặt chẽ như bây giờ, một cậu học sinh đội mũ nhưng không có quai đeo. Khi cậu ta đi ngang qua miệng hút của hệ thống điều hòa đang hoạt động thì bị hút mất mũ vào trong. Thầy trò hoảng hồn mượn đồ để tháo các cửa access ra. May mà hệ thống có lưới lọc FOD nên không gây hư hỏng gì cho máy bay”, anh nhớ lại.
Khi được hỏi về cảm xúc khi ngày 20/11 đang đến gần, anh Đồng bày tỏ: “Tôi mong muốn tiếp tục được cùng các giáo viên cố gắng hơn nữa trong việc truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm của mình cho học sinh. Những gì mình có thể làm, thay vì chỉ làm một mình thì hãy dạy cho nhiều người để tất cả đều có thể làm được như mình. Với tôi, thành công như vậy thật đáng quý biết bao”.