[20/11] Mãi một tình yêu và khát khao cống hiến cho ngành hàng không

Với chị Nguyễn Hải Hà, cơ duyên đến với công tác đào tạo xuất phát từ “tình yêu và mong muốn cống hiến cho ngành hàng không”. Sau nhiều năm kinh nghiệm phục vụ trực tiếp các chuyến bay, chặng đường 9 năm tham gia công tác giảng dạy tiếp tục để lại trong chị những kỷ niệm không thể quên với mái nhà chung VNA.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ môn cực kỳ quan trọng và “khó nhằn” 

Gia nhập VNA từ năm 2003, chị Nguyễn Hải Hà công tác tại bộ phận phục vụ hành khách, công ty phục vụ mặt đất của VNA, khi đó là NIAGS. Tới năm 2011, chị được lãnh đạo tin tưởng điều chuyển sang bộ phận đào tạo. “Với tôi, đây là một dấu mốc đáng nhớ để đến với nghề, trải bước trên con đường của một người giáo viên.” Đến thời điểm hiện tại, chị Hà đang là phó trưởng bộ môn An toàn an ninh tại Trung tâm đào tạo VIAGS.

Chị Nguyễn Hải Hà hiện là là phó trưởng bộ môn An toàn an ninh tại Trung tâm đào tạo VIAGS. (Ảnh: NVCC).

Nhắc đến bộ môn An toàn an ninh, bất kỳ ai có lẽ cũng hình dung được sự nghiêm ngặt, “khó nhằn” của môn học đóng vai trò quan trọng trong công tác phục vụ chuyến bay này. Cụ thể, nhân viên hàng không sẽ được cung cấp những kiến thức, quy định và quy trình để thực hiện hoạt động khai thác một cách an toàn, an ninh.

Bộ môn an toàn an ninh bao gồm các môn học như hàng nguy hiểm; an toàn sân đỗ và hệ thống quản lý an toàn hàng không; an ninh hàng không; pháp luật về hàng không dân dụng; các môn kiến thức chung về hàng không dân dụng theo quy định của Cục hàng không Việt Nam. Đây là các môn học bắt buộc theo yêu cầu của nhà chức trách, tiêu chuẩn IOSA, ISAGO. “Chúng ta biết rằng, với VIAGS an toàn an ninh là giá trị cốt lõi, luôn được ưu tiên hàng đầu trong từng quyết định. Do đó, các môn học của bộ môn an toàn an ninh cung cấp nền tảng cho mọi hoạt động của nhân viên”, chị nhấn mạnh vai trò của bộ môn an toàn an ninh đối với các nhân viên VIAGS. 

Công tác đảm bảo an toàn an ninh yêu cầu rất nhiều yếu tố, từ chính sách, mục tiêu, việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn, an ninh của tổ chức, các hoạt động quản lý rủi ro, đảm bảo và thúc đẩy an toàn, an ninh… “Theo tôi, một trong những yếu tố quan trọng nhất với mỗi chuyến bay là văn hóa an toàn. Khi ấy, các tiêu chuẩn về an toàn trở thành chuẩn mực, kim chỉ nam cho mọi hoạt động khai thác. Để thực hiện được điều đó, các học viên phải nắm vững các quy trình, quy định về an toàn, an ninh và xây dựng ý thức để luôn xem việc tuân thủ các quy định, quy trình đó là hành động đúng cần thực hiện. Đồng thời, các thành viên chủ động cập nhật và chia sẻ các thông tin về an toàn, an ninh trong mỗi lớp học cũng như tại đơn vị”, chị Hà chia sẻ. 

Trong thời gian gắn bó với nghề giáo viên, chị Hà đã tham gia đào tạo rất nhiều lớp và học viên. (Ảnh: NVCC).

Món quà đặc biệt nhất chính là sự tin tưởng từ các học viên

Bộ môn an toàn an ninh hiện là một trong những bộ môn có khối lượng công việc và lớp học lớn nhất của trung tâm đào tạo. Cùng với trung tâm đào tạo, bộ môn đang thực hiện các chương trình để đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả đào tạo, hỗ trợ cho công tác thúc đẩy an toàn, an ninh của toàn hệ thống. 

“Song song với việc xây dựng và cập nhật các tài liệu giảng dạy truyền thống, chúng tôi đang thực hiện xây dựng các bài giảng số hóa và bắt đầu thực hiện thi trên máy cho tất cả các môn học của tổ bộ môn. Đồng thời, khi trung tâm đào tạo trở thành trung tâm đào tạo ủy quyền của IATA (ATC), tổ bộ môn an toàn an ninh cũng là nòng cốt để tổ chức các lớp đào tạo của ATC. Trong thời gian tới, nếu trung tâm tiếp tục phát triển thành ATS, tổ bộ môn an toàn an ninh có thể đào tạo nhiều khóa học hơn nữa theo chương trình của IATA cho VIAGS và VNA Group”, chị Hà chia sẻ.

Trong thời gian gắn bó với nghề giáo viên, chị Hà đã tham gia đào tạo rất nhiều lớp và học viên. Chỉ tính riêng khoảng thời gian 6 tháng từ tháng 5 đến tháng 10/2019, chị đã giảng dạy tới 45 lớp, trung bình mỗi lớp 15-20 học viên. Đồng thời, chị cũng đồng thời thực hiện công tác quản lý 364 lớp của tổ bộ môn an toàn an ninh tại Nội Bài, bao gồm cả các lớp học viên mới, định kỳ và đào tạo cho đối tác. 

Chia sẻ về những kinh nghiệm đúc rút được trên hành trình gắn bó với nghề “gieo chữ”, chị Hà cho rằng: “Thực tiễn công việc chính là những thứ để lại ấn tượng nhất đối với học viên. Việc phân tích case study gắn với mỗi bài học nhất định được tôi sử dụng để giúp học viên nhớ được kiến thức, và rút kinh nghiệm thực tiễn cho các hoạt động khai thác của mình”.

Với chị Hà, cơ hội được đứng trên bục giảng đã mang đến cho chị rất nhiều cảm xúc đặc biệt, bởi trong quá trình giảng dạy, điều chị ấn tượng chính là sự tin tưởng. Các học viên sau khi đã hoàn thành lớp học vẫn thường nhắn tin gọi điện để hỏi chị cách xử lý mỗi khi gặp bất thường trong công việc có liên quan.

Gửi gắm đến tất cả thành viên của VNA nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, chị xúc động nói: “Tôi xin cám ơn ban lãnh đạo và cán bộ đã tạo điều kiện tốt cho các các hoạt động đào tạo, cám ơn tất cả các đồng nghiệp đã cùng hợp tác, hỗ trợ để tôi hoàn thành tốt công việc. Xin chúc tất cả các thầy cô luôn tâm huyết, sáng tạo và thành công trong công tác đào tạo, là nguồn động lực để phát triển văn hóa học tập tại công ty, chúc các học viên thành công trong sự nghiệp”.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.