Niềm yêu thích được truyền lại kiến thức cho thế hệ sau
Chia sẻ với VNA Spirit nhân dịp đặc biệt – 20/11, kỹ sư bảo dưỡng máy bay ATR72 hiện nay là chuyên viên phòng Kiểm Soát Chất Lượng – VAECO HCM. Đối với anh, 15 năm gắn bó với những lớp đào tạo là niềm yêu thích bởi anh được truyền lại cho thế hệ sau kiến thức mình có được.
Kỹ sư VAECO Nguyễn Công Toàn – người hơn 20 năm gắn bó với công việc bảo dưỡng máy bay ATR72 và hơn 15 năm làm công tác giảng dạy chuyên về máy bay ATR72. (Ảnh: NVCC).
Chia sẻ về công việc của một giáo viên bảo dưỡng chuyển loại máy bay ATR72, anh cho rằng “Đối với giáo viên bảo dưỡng ngoài kiến thức về máy bay thì kiến thức về kinh nghiệm thực tế rất quan trọng, nhất là những rủi ro dễ mắc lỗi cũng như các hỏng hóc thường gặp truyền lại cho các học viên rất bổ ích cho công việc bảo dưỡng về sau của mọi người, còn kiến thức cơ bản thì đương nhiên mình nói sao cho học viên hiểu và ứng dụng thực tế của lý thuyết đó là điều cần thiết”.
Bên cạnh niềm yêu thích từ công việc “gieo kinh nghiệm” cho các thế hệ kế cận, công việc giáo viên kiêm nhiệm cũng mang đến cho bản thân anh những kỹ năng mà không phải kỹ sư nào cũng có được. Đó là, vừa làm, anh vừa có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tế để dạy.
Tuy nhiên, một kỹ sư kiêm giáo viên khiến anh đôi khi cũng gặp những khó khăn, đó là thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm thức tế, nhưng “tích tiểu thành đại”, mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, mỗi lần đọc thêm tài liệu anh lại thấy công việc thuận lợi, từ đó anh có kinh nghiệm hiểu sâu về kỹ thuật, nên có thể truyền đạt những vấn đề cốt lõi của vấn đề để học viên nhớ.
Anh Nguyễn Công Toàn (thứ 2 từ phải sang) cùng các giáo viên kiêm nhiệm, cán bộ đào tạo VAECO tại lễ tri ân nhân dịp 20/11. (Ảnh: NVCC).
Giáo viên kiêm nhiệm: Hãy tin chúng tôi
Đã 15 năm gắn bó với công tác đào tạo máy bay ATR72 nhưng anh Toàn luôn tâm huyết và mong muốn nhất chính là “học viên hiểu và làm đúng, tránh những lỗi và rủi ro trong công việc”. Bởi theo anh, đối với nghề bảo dưỡng máy bay và hàng không nói chung “an toàn là nguyên tắc số 1”. Hơn ai hết, những người thầy như anh ở VAECO đều hiểu rằng, tất cả các công đoạn bảo dưỡng đều phải được thực hiện tỉ mỉ, chính xác, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và những hạng mục mà hãng hàng không đưa ra.
Đánh giá về sự khác biệt giữa một kỹ sư bảo dưỡng và một giáo viên kiêm nhiệm, anh Toàn không ngần ngại chia sẻ “Giáo viên bảo dưỡng phải tích lũy được kinh nghiệm thực tế phân tích công việc tìm ra được đâu là vấn đề cần lưu ý, cần tránh và thu thập chuyển nó thành kiến thức giảng dạy”.
Chia sẻ về kỷ niệm ấn tượng qua 20 năm gắn bó với nghề bảo dưỡng và hơn 15 năm “đứng lớp” hướng dẫn các học viên, anh Toàn vẫn luôn nhớ nhất đó là ngay sau khóa học training nhân viên CRS đã sử dụng đúng kiến thức vừa học kiểm tra phát hiện lỗi rất nặng trên động cơ và đã sửa chữa kịp thời. Kỷ niệm ấy khiến một người thầy như anh cảm thấy tự hào, bởi những kiến thức mà mình truyền đạt đã được học viên tiếp thu một cách hiệu quả và chuẩn mực.
Anh Toàn luôn tâm huyết và mong muốn nhất chính là “học viên hiểu và làm đúng, tránh những lỗi và rủi ro trong công việc”. (Ảnh: NVCC).
15 năm qua “thầy Toàn” luôn nhận được sự tôn trọng của các thế hệ học viên. Đối với anh đó là niềm vui và là nguồn động lực lớn để anh cũng như các giáo viên khác tại VAECO ngày đêm tích luỹ kiến thức từ những kinh nghiệm bảo dưỡng thực tế để truyền tải cho các thế hệ kế cận.
“Hãy tin chúng tôi”, đó là câu nói ngắn gọn nhưng chứa đựng tất cả những gì mà người thầy bảo dưỡng muốn gửi gắm đến các học viên, đến toàn thể “gia đình VNA”, bởi họ – “những giáo viên bay” vẫn không ngừng nỗ lực mỗi ngày để mang kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đến các thế hệ kế cận để mỗi chuyến bay đều an toàn tuyệt đối.