Đó là những lời tâm sự của chị Vũ Thị Thanh Hương – Cán bộ P.TMHK, GV kiêm nhiệm môn Đặt giữ chỗ hành khách và tính giá xuất vé trên Sabre tại Chi nhánh Việt Nam.
Với những người không chuyên, hẳn bạn sẽ đặt ra câu hỏi: “đặt giữ chỗ và tính giá xuất vé cho khách mà cũng cần phải được tổ chức đào tạo chuyên nghiệp và bài bản đến vậy sao?”. Câu trả lời là rất cần. Những nghiệp vụ này, nghe qua thì tưởng đơn giản, kỳ thực có rất nhiều lớp lang trong quá trình thực hiện, có liên quan tới những hãng hàng không khác chứ không chỉ riêng Vietnam Airlines.
Cụ thể, hệ thống đặt giữ chỗ Sabre có nhiều chức năng khác nhau để xem thời gian bay, những thông tin quy định xuất nhập cảnh của các nước, quy định hành lý ở điểm đầu, điểm cuối ở các nước nước đó… Hệ thống các quy định rất phức tạp, lại có liên quan, kết nối với những nội dung khác của chuyến bay. Vì thế, nhân viên phụ trách đặt giữ chỗ cho khách cần phải biết chắc chắn rằng chuyến bay nối chuyến cho khách có đúng không. Các thông tin liên quan tới việc booking cho hành khách đã chuẩn chưa. Nếu đặt không đúng quy định của các hãng hàng không nước ngoài thì dù cho từ phía VNA đã báo thành công thì ở phía hãng khác có thể không ghi nhận, kết quả là hành khách không có chỗ trên chuyến bay.
Còn với nghiệp vụ tính giá xuất vé cho hành khách, cũng có rất nhiều tình huống xảy ra. Ví dụ, vé của hãng xuất ra cho khách đã ổn nhưng đi sang nước ngoài, vì một lí do nào đó từ hãng hàng không khác mà khách không thể bay được thì bên mình phải chịu trách nhiệm. Bởi vì chúng ta là bên xuất vé, khi đó cần phải giải thích cho khách hiểu và đưa ra phương án giải quyết để khách có thể đi đúng hành trình. Đồng thời tính phương án giá vé mới cho hành khách. Nếu khách không đồng ý do chi phí quá cao thì phải đưa ra phương án khác, xin phê duyệt của lãnh đạo, sao cho phù hợp với cả lợi ích của hành khách và hãng.
“Cũng vì hệ thống khá phức tạp, nên có những lớp dạy, tôi thậm chí mất cả nửa tháng để lên giáo án. Nhưng cũng có lớp, tôi chỉ cần tranh thủ thời gian sau giờ làm để chuẩn bị. Tuỳ theo nghiệp vụ, năng lực của học viên, tuỳ theo kinh nghiệm, yêu cầu của lớp học, của đơn vị mà sẽ có những giáo trình phù hợp. Tuy nhiên, yêu cầu cơ bản của học viên ở bộ môn này là phải biết tiếng Anh, vì hệ thống Sabre bằng tiếng Anh” – chị Hương chia sẻ.
Cũng như phần lớn các giáo viên kiêm nhiệm khác ở VNA Group, chị Hương cũng bén duyên với nghề giáo tại TCT nhờ sự chỉn chu, cẩn thận, chuyên môn tốt. Rồi có sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo, chị được cử đi học thêm các lớp về nghiệp vụ giảng dạy. Trở về, chị chính thức mang thêm một nhiệm vụ nữa: lan toả kiến thức cho các đồng nghiệp của mình trong TCT.
Cũng may, trong Chi nhánh Việt Nam, các phòng ban rất đề cao việc đào tạo cho đội ngũ CBNV và hệ thống bán nên thường xuyên tạo điều kiện để các chị tổ chức tốt nghiệp vụ đào tạo. Thêm vào đó, đồng nghiệp của chị Hương cũng luôn ủng hộ chị, khi chị tập trung cho lớp học, các đồng nghiệp đều sẵn sàng hỗ trợ công việc giúp.
2 năm dịch, kinh doanh bị thu hẹp, tiền lương cũng bị cắt giảm, nhưng mảng đào tạo lại rất được TCT quan tâm, được chuyển đổi sang hình thức mới, trực tuyến nhiều hơn offline trước đây. Giáo viên như chị Hương cũng phải học thêm nghiệp vụ để tiếp cận, nắm bắt công nghệ nhằm đáp ứng việc cho việc dạy và học online. Nhưng đối với chị, mỗi thử thách mới đều là điều thú vị mà cuộc sống đưa đến, để chị được trải nghiệm.
Chỉ cần một câu của học viên: “lúc trước em, chỉ biết làm như thế mà không hiểu tại sao phải làm thế, sau khi học lớp của cô thì em hiểu rõ cái gốc rễ của vấn đề rồi, khi đó cũng tự tin thao tác hơn”, vậy là chị Hương thấy vui rồi.
“Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, xin gửi lời chúc sức khoẻ tới các thầy cô giáo trong TCT, chúc các thầy cô nhiều sức khoẻ để tiếp tục tâm huyết, nhiệt tình đưa kiến thức, kinh nghiệm, tinh thần tới cho những thế hệ sau, những đồng nghiệp khác”. Đó là lời nhắn nhủ của chị Hương dành cho đội ngũ giáo viên của VNA Group. Spirit cũng chúc chị luôn chân cứng, đá mềm để tiếp tục sự nghiệp “lái đò” đầy tự hào tại VNA.