[20/11] Gặp gỡ người “giữ lửa” Văn hoá an toàn

Là một trong số ít những giáo viên đầu tiên giảng dạy Quản lý AT, IOSA và VHAT của VNA từ những ngày đầu xây dựng và phát triển hệ thống, anh Âu Duy Linh – Trưởng phòng Quản lý ATCL, Ban ATCL đã có những chia sẻ cùng VNA Spirit về công tác đào tạo an toàn và Văn hoá an toàn nhân dịp 20/11.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tôn sư trọng đạo là truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay. Truyền thống ấy được thể hiện rõ nhất trong ngày 20/11 hàng năm, ngày vinh danh và tri ân các nhà giáo, những người giữ và truyền những ngọn lửa tri thức, ngày để tri ân nghề Giáo dục đào tạo nói chung và những “giáo viên bay” của VNA nói riêng. 

Nhân dịp này, VN Spirit đã có cuộc phỏng vấn ngắn với anh Âu Duy Linh – Trưởng phòng Quản lý ATCL, Ban ATCL, thành viên của UBAT SkyTeam, thư ký UBAT TCT và là giáo viên của VNA, FTC, giảng viên thỉnh giảng của Học viện HK về SMS, VHAT… Anh cũng là một trong số ít những giáo viên đầu tiên giảng dạy Quản lý an toàn, IOSA và Văn hoá an toàn (VHAT) của VNA từ những ngày đầu xây dựng và phát triển hệ thống.

alt text
Anh Âu Duy Linh – Trưởng phòng Quản lý ATCL, Ban ATCL, một trong số ít những giáo viên đầu tiên giảng dạy Quản lý AT, IOSA và VHAT của VNA. (Ảnh: Mai Hương).

Xin chào anh. Được biết anh là người có vai trò rất lớn trong việc tham mưu tư vấn và hỗ trợ cho các Lãnh đạo TCT cũng như các lãnh đạo Ban trong việc đặt nền móng, xây dựng và phát triển hệ thống Quản lý an toàn của VNA từ những ngày đầu tiên. Vậy đây có phải là cơ duyên đã đưa anh đến với bục giảng trong vai trò là  một giảng viên?

Tôi có may mắn đã được lựa chọn tham gia vào các công việc chuẩn bị, lên các ý tưởng, tham gia vào việc xây dựng, viết và lên các quy định, quy trình trong các dự án lớn về an toàn ngay từ những ngày đầu như các dự án về: Hệ thống phân tích Dữ liệu bay AGS, Đánh giá LOSA, IOSA của IATA, chương trình khẩn nguy của TCT, hệ thống quản lý AT SMS, hệ thống AQD, xây dựng VHAT…

Bên cạnh đó, là một trong những thành viên ban đầu của SAG 1, cùng với vai trò là thư ký của UBAT TCT cùng những kinh nghiệm tích luỹ được từ các nhiệm vụ trợ giúp cho các cơ quan đơn vị khác trong công tác xây dựng và quản lý an toàn như TCT QLHD Bay, K6, Pacific Airlines… đã giúp tôi có rất nhiều chất liệu, tư liệu… Vì vậy, khi được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài VNA mời tham gia giảng dạy về IOSA, SMS, FRMS, VHAT… Sau này là AQD, tôi thấy mình đủ tự tin để đứng trên bục giảng, chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mà tôi đã tích lũy được (cười). 

alt text
Ông Âu Duy Linh cảm thấy may mắn khi được tham gia vào các dự án lớn về an toàn ngay từ những ngày đầu từ đó có cho mình kinh nghiệm và kiến thức phục vụ công tác giảng dạy. (Ảnh: ACTL).

Khái niệm về SMS, Quản lý an toàn là một khái niệm rộng và phổ quát, bao trùm hầu hết mọi hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với ngành HK, anh có thể chia sẻ về công việc giảng dạy SMS có gì đặc biệt?

Hệ thống quản lý AT SMS là một mảng rất hay, phong phú về nội dung cũng như về thực tiễn. Tuy nhiên, cũng rất khó để tiếp cận và hiểu một cách thấu đáo và xuyên suốt. 

Bản thân an toàn đã là một khái niệm phổ quát và bao trùm ngay từ đầu tất cả mọi hoạt động, nhất là trong các hoạt động của ngành HK. Nhưng để hiểu rõ thấu đáo cách thiết lập một bộ máy và vận hành cả một tổ chức theo hệ thống quản lý SMS một cách hiệu quả, giúp cho hãng HK luôn chủ động, phòng ngừa và ngăn chặn được các sự cố an toàn xảy ra là một công việc rất phức tạp và ít người có thể hiểu một cách toàn cảnh.

Do vậy, đào tạo SMS đòi hỏi người giáo viên phải vừa có khả năng nhìn nhận, hiểu biết về hệ thống của tổ chức, vừa phải có một kiến thức tổng quát và sâu rộng về lý thuyết và các cập nhật mới nhất, đặc biệt đối với lĩnh vực HK là một lĩnh vực tiên phong trong việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Đồng thời, người đào tạo cũng vừa phải có kinh nghiệm thực tiễn và trải nghiệm thực tế đối với các hoạt động an toàn của ngành HK nói chung và của Hãng HK nói riêng.

Kiến thức truyền tải trong SMS mang nhiều khái niệm khác trừu tượng như: nhận diện các mối nguy hiểm tiềm ẩn, rủi ro giảm thiểu, các khái niệm an toàn khó đo lường cụ thể bằng định lượng, quản lý sự thay đổi, thúc đẩy an toàn, quản lý mệt mỏi… luôn là những khái niệm khó hiểu, những vấn đề đau đầu với tất cả mọi người khi tiếp cận với hệ thống SMS. 

Chính sự “khó nhằn” đó trong mỗi bài giảng, mỗi kiến thức, mỗi thông tin mà giáo viên SMS muốn truyền tải đến người nghe một cách hiệu quả, dễ hiểu luôn phải đầy đủ dữ liệu, các ví dụ từ thực tế, các bằng chứng xác thực người thật việc thật. Từ đó mới có thể giúp học viên dễ hình dung, nắm bắt , đánh giá được bản chất và mức độ thực sự của  các vấn đề, từ đó nâng cao hơn ý thức và sự tự giác tuân thủ các luật lệ, các quy trình, qui định về an toàn trong mọi hoạt động của HK.

alt text
Đào tạo SMS đòi hỏi người giáo viên phải vừa có khả năng nhìn nhận, hiểu biết về hệ thống của tổ chức, vừa phải có một kiến thức tổng quát và sâu rộng về lý thuyết và các cập nhật mới nhất. (Ảnh: ATCL).

Quả thật là những kiến thức thật thú vị và hữu ích. Nhân ngày 20/ 11, với vai trò là một giáo viên giảng dạy SMS và VHAT lâu năm và giàu kinh nghiệm, anh có thể chia sẻ thêm những mong muốn của bản thân trong việc phát triển và lan toả những kiến thức quí giá này trong VNA?

Mong muốn lớn nhất của bản thân tôi trên vị trí người trực tiếp làm công tác an toàn và quản lý an toàn, cũng như trên cương vị là giáo viên SMS và VHAT, đều là mong sao ngày càng có nhiều người hiểu sâu rộng về lĩnh vực này, về tầm quan trọng của an toàn trong hệ thống cũng như trong mọi công việc ở mọi lúc mọi nơi, mọi cơ quan đơn vị, từ cá nhân đến tập thể…

Tôi cũng luôn mong rằng, mỗi CBNV nâng cao về nhận thức văn hoá an toàn, chủ động thay đổi tư duy theo một cách tích cực và tiên tiến, từ đó chủ động thay đổi  hành vi, ý thức, hành động… cũng như mong muốn có thể lan toả những hiệu quả tích cực này đến các doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Thêm vào đó, tôi cũng mong muốn ngày càng có thêm nhiều người hiểu biết sâu rộng về tầm quan trọng của an toàn, hiểu về công việc quản lý an toàn, chia sẻ và tham gia gánh vác các trách nhiệm về an toàn chất lượng ở từng vị trí. Từ đó giúp cho VHAT của VNA ngày một nâng cao và phát triển lên mức chủ động, trở thành hành động thiết thực bảo vệ an toàn của VNA. Mong rằng, TCT sẽ ngày càng có thêm nhiều giáo viên SMS và VHAT hơn nữa.

Với sự kiện VNA là Hãng HK đầu tiên tại Việt Nam được FAA cấp phép bay thẳng thương mại thường lệ tới Mỹ, quốc gia có tiêu chuẩn an toàn cao nhất trên thế giới, ở vị trí một giáo viên giảng dạy quản lý an toàn và VHAT với hàng nghìn lượt học viên, anh có cảm nghĩ gì?

Thật sự tôi vô cùng xúc động vì sau bao nhiêu cố gắng và nỗ lực của toàn thể VNA, chúng ta đã đạt được những kết quả vô cùng đáng tự hào. 

Là một giáo viên giảng dạy về an toàn và VHAT tôi lại càng tâm huyết và ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc giảng dạy và thúc đẩy phát triển hệ thống QLAT (SMS) một cách hiệu quả.  

Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng của toàn bộ tập thể VNA, với sự cam kết về chính sách An toàn – Chất lượng, với sự quản lý và điều hành hiệu quả, các quyết sách phù hợp của Ban Lãnh đạo TCT, VNA sẽ có những bước tiến vượt bậc ở tầm cao mới, sẽ luôn là Hãng HK tiên phong và đứng đầu của ngành HK Việt Nam.

Xin cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của anh. Chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe và thành công!

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.