Chị Nguyễn Thanh Thùy sinh năm 1971, là nhân tố nổi bật của VNA suốt 26 năm qua. Sau tốt nghiệp cử nhân Anh tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM năm 1993, cô gái Hà Nội bén duyên với ngành hàng không.
Từ năm 1997 đến 2011, chị quản lý, trực tiếp điều hành các hoạt động phục vụ bay tại sân bay Tân Sơn Nhất gồm: đội phục vụ hành khách quốc nội; phục vụ hành khách quốc tế VNA; tìm kiếm hành lý thất lạc; đến và nối chuyến… Từ tháng 5/2011 đến nay, chị trở thành giáo viên chuyên trách của Trung tâm đào tạo. Hiện chị là trưởng bộ môn Phục vụ hành khách VNA thuộc Trung tâm đào tạo VIAGS.
Những trăn trở với nghề
Theo chị Thanh Thùy, nghề nào cũng có áp lực. Nghề giáo cũng vậy, trước sự thay đổi chóng mặt của thời đại, chị và đồng nghiệp luôn phải chỉnh trang giáo án, thay đổi phương pháp đào tạo để phù hợp với xu hướng phát triển chung.
Chị luôn tâm niệm: làm sao để đào tạo ra đội ngũ thân thiện, có tâm với nghề, có đạo đức nghề nghiệp. “Dạy không phải cho xong lớp mà làm sao kiến thức của mình trở thành của học viên và họ có thể vận dụng được. Do đó kiến thức phải chính xác, dễ tiếp cận mà không dạy theo cách hàn lâm vì chúng ta dạy nghề để đào tạo đội ngũ lành nghề”, chị nói.
Theo chị, dạy thế nào đển học viên hiểu rõ mục đích sử dụng và ứng dụng của từng nội dung được học. Nội dung dạy phải gắn liền với hiện thực hoạt động tại từng vị trí công việc.
Không chỉ dừng lại ở kiến thức, chị và đồng nghiệp chú trọng hướng dẫn học viên cách ứng xử chuyên nghiệp, văn minh, theo quy định mà không tùy tiện hành xử như đời thường. “Trong quá trình truyền nghề, chúng ta cần lấy người học và mục tiêu của tổ chức làm trung tâm, để việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất. Trong thời đại 4.0, giáo viên cần tự trau đồi, cập nhật kiến thức, thay đổi bản thân để theo kịp nhịp thở của thời đại, tiến bộ của tổ chức, công nghệ mới giúp phục vụ công tác chung”.
Suốt nhiều năm đứng lớp, chị trực tiếp giảng dạy cho hàng nghìn bạn học trẻ muốn gắn bó với ngành hàng không, chuyên đào tạo nhân viên phục vụ trên các chuyến bay của VNA. Không chỉ kèm cặp, huấn luyện, chuyển giao công nghệ đào tạo đội ngũ giáo viên mới từng bước trưởng thành, chị còn tư vấn chuyên môn, góp ý giải pháp khi có các vấn đề sự việc xảy ra trong lĩnh vực của mình.
Chị Thùy cũng trực tiếp soạn thảo, cập nhật, chỉnh sửa giáo trình của VIAGS và VNA. Chị còn tham gia xây dựng và vận hành số hóa bài giảng của VIAGS lẫn VNA.
Niềm vui khi được học trò yêu mến
Suốt 26 năm gắn bó với VNA và các đơn vị phục vụ mặt đất tiền thân của VIAGS đến nay, chị Thùy tự nhận mình là người năng động, có tâm, nhiệt huyết nhưng thẳng thắn. Chị cho biết trải qua đủ cung bậc thăng trầm, vui có, buồn có. Tuy nhiên, điều đọng lại trong chị là tình cảm ấm áp của học viên. Mỗi khi xuống nhà ga hay đến các đầu sân bay, chị vẫn được học trò chào đón, chân thành và gần gũi dù nhiều năm nay chị lui về tuyến sau để đào tạo đội ngũ trẻ.
Nhiều học trò của chị hiện ở cấp quản lý, trưởng thành và chững chạc nhưng vẫn nhớ, quý mến cô giáo. Khi gặp khó khăn, vướng mắc, họ trao đổi và lắng nghe những phân tích, ý kiến của chị bằng tất cả sự tôn trong, tin tưởng. “Đó là điều tôi thấy mình hữu dụng và không ngừng cố gắng để có thể tiếp tục đồng hành với các đồng nghiệp.
“
Với những lớp giáo viên kế cận, chị mong họ luôn là người truyền lửa nhiệt tâm và đạo dức, để “thế hệ tương lai mang kiến thức ngày một cao và xa hơn”.
Yêu văn nghệ, vui vẻ giữa đời thường
Trên lớp là người nghiêm khắc, trong công việc chỉn chu và cầu thị, nhưng ở đời thường, chị Thanh Thùy được đồng nghiệp đánh giá gần gũi, vui vẻ và giao thiệp tốt. Chị yêu ca hát, thích tham gia văn nghệ và hoạt động phong trào. Ngoài ra, chị còn có nhiều sở thích về âm thanh, phim ảnh.
Dù bận rộn, chị vẫn nỗ lực chăm sóc gia đình, con cái, làm việc nhà và nấu những bữa ăn ngon cho gia đình. Khi có thời gian, chị sẽ lên kế hoạch đưa cả nhà đi du lịch, cùng bạn bè hội ngộ và kể những câu chuyện vui, lan tỏa thông điệp sống tích cực.
Bài: Thu Thảo; Thiết kế: Thuỳ Linh