Những dòng ký ức chẳng thể nào quên
“Tuy mới mà cũ, lạ mà quen. Tôi cảm động và tự hào khi mình được trở lại gắn bó và cống hiến sức mình cho VACS nói riêng và TCT nói chung”, chị Hồng Phúc chia sẻ.
Quay ngược lại khoảng thời gian 2 năm trước, khi mà sự tàn phá của đại dịch Covid-19 đang để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế và xã hội. Trong đó, ngành hàng không và du lịch là những ngành phải hứng chịu tác động lớn nhất từ đại dịch. Doanh thu giảm sút, mọi sự di chuyển đều “đóng băng”.
Trong bối cảnh ấy, VNA cũng không ngoại lệ. Để cắt giảm chi phí, đảm bảo dòng tiền duy trì các hoạt động trong thời kỳ dịch kéo dài, TCT đã phải cân nhắc và đưa ra những quyết định khó khăn như chính sách nhân sự mới, sắp xếp tổ chức lại bộ máy và trên hết là quyết định cắt giảm nhân sự. Từ tháng 6/2020, Hồng Phúc cùng rất nhiều đồng nghiệp khác quyết định tạm hoãn lao động nhằm đồng hành với TCT trong giai đoạn sống còn ấy.
Hụt hẫng và tiếc nuối đó là những cảm xúc của Hồng Phúc bởi cô gái trẻ ấy mới chỉ gắn bó với VNA cũng như VACS được một thời gian ngắn. Vừa kịp làm quen công việc và đồng nghiệp, vẫn còn tâm thế nhiệt huyết mong muốn tìm tòi học hỏi thêm. Ấy vậy mà cô đành phải ngậm ngùi nói lời chào tạm biệt với các chị em đồng nghiệp thân thương của mình.
“Đan xen với cảm giác tiếc nuối là sự cảm động khi tôi và đồng nghiệp đã nhận được tiền trợ cấp tạm hoãn từ Công đoàn TCT, những phần quà nhu yếu phẩm hỗ trợ mùa dịch từ Ban lãnh đạo và CĐCS công ty, những lời động viên thăm hỏi của các đồng nghiệp, quản lý các cấp và đặc biệt từ Tổng giám đốc VACS, bà Đỗ Thị Ngọc Vân. Chúng tôi biết giá trị các phần quà không nhiều nhưng đó là sự cố gắng của tập thể Ban lãnh đạo trong giai đoạn khó khăn cùng cực, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, dành cho người lao động chúng tôi”, chị Hồng Phúc rưng rưng.
Với cô gái ấy, tất cả là lời động viên chia sẻ, sự quan tâm sâu sắc từ Ban lãnh đạo tựa như “nguồn năng lượng” tiếp thêm sức mạnh cho CBNV cùng nhau vượt qua mùa dịch, để mỗi thành viên có thể nhắn nhủ với nhau rằng “hẹn gặp lại các anh chị em sau dịch nhé!”.
Trọn trái tim dành cho những cánh sen vàng
Trong khoảng thời gian khó khăn gây ra bởi dịch Covid-19, Hồng Phúc luôn cố gắng hướng bản thân đến những điều tích cực, giữ vững tinh thần lạc quan với hy vọng mọi thứ sẽ dần ổn định và trở về nhịp sống “bình thường mới”.
“Tôi cũng hiểu rằng ngành hàng không là một trong những ngành chủ chốt, cần thiết cho sự di chuyển của con người và vận chuyển hàng hoá. Vì thế, tôi có niềm tin mãnh liệt rằng ngành hàng không sẽ luôn tồn tại, song VNA với những sách lược hợp thời, đúng đắn sẽ từng bước giúp ngành hàng không Việt Nam phát triển trở lại”.
Và cô gái ấy không thể quên được rằng cái duyên đến với VACS vẫn còn dang dở. Nói là làm, cô càng quyết tâm sẽ một lòng chờ những ngày tốt đẹp sau Covid-19, quay trở lại VACS với tâm thế học hỏi của những ngày đầu và viết tiếp những ngày tháng làm việc “bình thường mới” tại VACS, tại VNA.
Tự nhận rằng bản thân vốn dĩ là một người “không thể ngồi yên”, thích học hỏi và trải nghiệm những điều mới mẻ, khoảng thời gian ngừng việc chính là giai đoạn Hồng Phúc tập trung “nâng cấp” cho bản thân.
Theo đó, Hồng Phúc dành nhiều thời gian để cố gắng trau dồi kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm thông qua các công việc tự do. Cô tâm niệm rằng tuy không liên quan mật thiết với công việc chuyên môn nhưng sẽ là hành trang thiết yếu giúp bản thân phát triển và định hình phong cách làm việc sau này. Ngoài ra, cô tham gia khoá học rèn luyện kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác nhằm giúp bản thân tự tin và làm việc hiệu quả hơn.
Cũng vào giai đoạn đó, Hồng Phúc ý thức được tầm quan trọng to lớn của việc rèn luyện nâng cao sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần vì “sức khoẻ là tài sản quý giá nhất”, nên tôi đã dành một tiếng mỗi ngày tập yoga và thiền định.
“Khi đã có sức khoẻ, tinh thần tích cực, tôi dành thêm một ít thời gian để ôn luyện và cập nhật các kiến thức chuyên môn. Mỗi ngày tôi gom thêm sức khoẻ, kỹ năng và kiến thức vào chiếc vali, chuẩn bị sẵn sàng chờ ngày quay trở lại với công việc yêu thích của mình tại VACS”.
Niềm hứng khởi viết tiếp hành trình đang dang dở
Trở lại mái nhà VNA trong giai đoạn hồi phục của ngành hàng không, những ngày tháng 10 đầy ắp yêu thương. Chính vì thế, Hồng Phúc tự giao một “KPI” cho bản thân, đó là đóng góp năng lực, cùng chung tay với tất cả thành viên xây dựng, hồi phục và phát triển VNA hơn nữa.
Một tín hiệu đáng mừng là số lượng suất ăn của VACS đang tăng vọt sau dịch Covid, rất nhiều hãng hàng không đã quay trở lại hợp tác với công ty. Theo chị Hồng Phúc, Ban lãnh đạo đã từng bước sắp xếp, ổn định công việc cho CBNV. Bởi vậy, mỗi thành viên đều đồng lòng vì mục tiêu chung, đó là đảm bảo nguồn cung và chất lượng suất ăn phải luôn đạt vệ sinh an toàn thực phẩm cho quý khách hàng.
“Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trước tiên tôi sẽ cố gắng thông thạo các công việc cơ bản, sau là tham gia đóng góp ý kiến, sâu sát vào quy trình và tình hình thực tế nhằm xây dựng và mang về nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của công ty”.
“Chúng ta chỉ nhận ra mình mất đi tất cả khi chúng ta mất đi sức khoẻ”, châm ngôn sống của Hồng Phúc cũng chính là lời nhắc nhở bản thân mỗi ngày, đặc biệt là sau sức ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên sức khoẻ của bản thân và cộng đồng.
Đối với chị, sức khoẻ là tài sản vô giá, việc chú trọng các hoạt động rèn luyện thể chất và tinh thần để luôn giữ “lửa” nhiệt huyết trong công việc chính là “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc và cuộc sống.
Đặc biệt là với công việc chuyên môn Chuyên viên Đảm bảo chất lượng, việc giữ cho bản thân luôn khoẻ mạnh càng thêm phần quan trọng. Đây chính là yếu tố then chốt để luôn duy trì tinh thần vững chắc, quan sát tốt, xử lý tình huống tinh gọn, đồng thời đảm bảo tối ưu nhất chất lượng suất ăn cho các thực khách trên chuyến bay.
Những ngày tháng 10 về đầy ắp yêu thương với chị, với các nữ đồng nghiệp và chị mong rằng, châm ngốn ấy cũng sẽ truyền được cảm hứng cho tất cả mọi người về việc ý thức giữ gìn sức khoẻ mỗi ngày. Vì chỉ khi chúng ta khoẻ chúng ta mới làm tốt công việc của mình, của gia đình và của TCT nói chung.