[20/10] Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu – Ban TTBSP: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Năm 2020 quả là một năm đầy biến động với toàn thế giới, nhất là với những người lao động trong ngành hàng không như VNA. Đối với chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu – thành viên của ban TTBSP, 2020 còn đặc biệt hơn thế khi lần đầu tiên chị chuyển sang nhiệm vụ mới là tổ trưởng nội địa, vừa phải đối mặt với 2 lần bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên sau tất cả, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chị Hiếu vẫn kiên cường vượt qua tất cả những thử thách ấy.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Bước ra chiến trường lớn chỉ sau 1 tháng chuẩn bị”

Năm 2020 có lẽ là một trong những năm đáng nhớ trong suốt gần 20 năm gắn bó với ngành hàng không Việt Nam của chị Thanh Hiếu. Sau thời gian dài gắn bó với tổ hệ thống, tổ trường tổ Quốc tế ngắn (Đông Bắc Á và Đông Nam Á),Quốc tế dài (châu Âu và Úc) tại Trung tâm kiểm soát chỗ (SCC) thì chị chính thức nhận nhiệm vụ mới là tổ trưởng tổ nội địa hồi tháng 2/2020. 

Với khoảng 70 đường bay và 300 chuyến bay mỗi ngày chuyên chở khoảng 1-1,5 triệu lượt khách/tháng, việc quản lý các đường bay nội địa tuy có nhiều vất vả, bỡ ngỡ cho những người tổ trưởng mới nhưng cũng đem đến rất nhiều trải nghiệm mới cũng như kinh nghiệm quý báu trong công việc cho chị. Tuy nhiên “đời không như là mơ”, chị đã phải bước ra “chiến trường” tràn đầy bỡ ngỡ khi mà chỉ mới nhận công việc mới được 1 tháng!

alt text
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu – thành viên của ban TTBSP gần 20 năm gắn bó với ngành hàng không Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Nửa cuối tháng 3/2020, sau một sự cố không ai ngờ tới, khoảng 200 nhân sự Ban TTBSP và Ban KHPT phải thực hiện cách ly và lao động từ xa để đảm bảo sức khỏe công tác. Chị Hiếu lúc này một trong số rất ít cá nhân không chịu sự ảnh hưởng của sự cố trên, đã phải lên cơ quan làm việc và coi như gánh vác hầu như toàn bộ công việc hàng ngày của các chuyên viên khác trong phòng. Lúc này, chị không chỉ kiểm tra điện văn, điều chỉnh phương án mở bán… của cả tổ đường bay nội địa mà còn của các đường bay quốc tế ngắn, quốc tế dài khác. Cứ khi chị kiểm tra điện văn này là lại có từ vài đến hàng chục điện văn, email, phương án, cuộc gọi khác chờ sẵn chị và nó khiến chị bận đến nỗi cứ dán mắt vào màn hình máy tính từ 8h sáng đến 8h tối, chỉ ăn một chút bữa trưa lấy sức, không được chợp mắt dù chỉ 1 phút, và cứ như thế kéo dài liên tục trong vòng 2 tuần. 

Đối với một người có thể nói là kinh qua hầu hết vị trí quan trọng tại SCC như chị Hiếu thì đây vẫn là một sự thử thách cực kỳ lớn, và chị có thể bị gục ngã bất cứ lúc nào nếu như bản thân chỉ có một chút sơ sảy nhỏ và chị quyết tâm rằng bản thân mình không thể được xảy ra điều đó. 

alt text
alt text

Chị Hiếu và đồng nghiệp đi làm đợt dịch cách ly. (Ảnh: NVCC).

Nhớ về khoảng thời gian ấy, chị tâm sự “Ngày đầu khi hầu hết các nhân sự khác thực hiện cách ly, tôi một mình đến cơ quan cùng với bộ quần áo bảo hộ chống dịch, găng tay, khẩu trang và mũ y tế, cùng bình xịt Cloramin B để khử trùng chỗ làm việc mà ông xã đã chuẩn bị để đảm bảo giữ gìn sức khỏe. Đôi khi nhớ lại tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó mình vượt qua được như vậy, chỉ biết rằng đây là lúc mình cần tập trung cao độ, xử lý nhanh và gọn nhất mọi việc có thể trong bối cảnh các tuyến đầu từ mạng bán đến sân bay, khai thác đang gặp nhiều rối ren và mình chính là một trong mắt xích để hỗ trợ họ cũng như trong công tác phối hợp điều hành cùng các đơn vị khác trong TCT”.

Kết thúc 2 tuần lễ ấy, chị Hiếu tưởng chừng như mình có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng không, 2020 không đơn giản như thế! Đầu tháng 4 sau đó, Việt Nam bước vào đợt cách ly xã hội toàn quốc trong 3 tuần – một sự kiện chưa từng có trong tiền lệ. Lúc này, tất cả các chuyến bay cũng đều cắt giảm tới mức tối đa, thậm chí là có khoảng thời gian khủng hoảng khi mà mỗi hãng hàng không chỉ được bay 1 chuyến bay 1 ngày trên đường bay Hà Nội – Hồ Chí Minh khứ hồi, so với khoảng 50-100 chuyến bay thông thường. Các chính sách, công văn về việc vận chuyển hành khách thay đổi chóng mặt hàng ngày, khiến cho việc quản lý tổ nội địa của chị Hiếu khó khăn hơn bao giờ hết: thay đổi phương án bay,chuyến bay giãn cách, giải tỏa hàng trăm ngàn khách trong thời gian ngắn ngủi mà không được đến cơ quan làm việc.

Nhớ lại quãng thời gian đó, chị Hiếu chia sẻ: “Đúng là tháng 4 đó quả thực là khốc liệt, mỗi ngày hầu như tôi ngủ rất ít, đến tối muộn đêm khuya có khi tôi vẫn phải mail trao đổi với các đơn vị, vẫn lấy dữ liệu giải tỏa báo khách; chỉ 1 thông báo giãn cách hay không giãn cách trên chuyến bay đồng nghĩa với việc hàng ngàn chuyến bay cần phải được cập nhật lại, rà soát lại và giải tỏa tiếp nếu cần. Có lúc rất buồn ngủ nhưng tôi không ngủ nổi, cảm giác thần kinh bị trơ ra và chỉ nghĩ về công việc. Tôi biết mình mệt nhưng các anh chị em khác đang phải làm việc chắc cũng mệt không kém, tất cả đều phải căng mình ra với tình hình biến động liên tục lúc đó. Từ đáy lòng mình,tôi chân thành cảm ơn các anh em đồng nghiệp, các team VNA mà tôi có cơ hội làm việc cùng; họ làm việc thực sự hăng say,thực sự tận tâm để cùng nhau giải quyết các yêu cầu mà lãnh đạo TCT đề ra”.

Tháng 6-7/2020, với khẩu hiệu “vừa đảm bảo chống dịch vừa phát triển kinh tế kinh tế”, VNA triển khai chiến lược phát triển mạng đường bay nội địa với quy mô lớn chưa từng có bằng việc mở hoàng loạt đường bay mới khắp cả nước, nâng con số tổng đường bay lên mốc 100. Được đón thêm số lượng khách khổng lồ (đạt 2,3 triệu khách nội địa trong tháng 7 – con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam) là một niềm vui rất lớn với những người làm đường bay nội địa như chị Hiếu sau khoảng thời gian khó khăn. 

Tuy nhiên, chính vì sự gia tăng hành khách đột biến trong thời gian ngắn đã gây ra hậu quả mà những ai ngoài ngành không thể biết – đó là việc quá tải slot. Hiểu nôm na đó là việc một sân bay không đủ thời gian và diện tích để thể tiếp nhận được một chuyến bay bởi vì có quá nhiều chuyến bay cùng muốn cất/hạ cánh một lúc. Điều này là có thật và xảy ra ở 3 sân bay lớn của cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, khiến cho rất nhiều khách bức xúc khi bị thay đổi giờ bay từ 1-2 tiếng, không ít trong số đó là những người đang muốn giải cứu ngành hàng không. Lúc này, chị Hiếu cùng các thành viên tổ nội địa lại phải vất vả ngồi giải tỏa slot hàng ngày đến 9h tối trong suốt khoảng 1 tuần liền. 

alt text
Chị Hiếu check và đưa phương án xử lý hàng loạt điện văn hủy slot. (Ảnh: NVCC).

Khó khăn vẫn chưa dừng lại khi mà Việt Nam lại bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ 2 vào tháng 8/2020. Tâm dịch lần này là tại Đà Nẵng – 1/3 sân bay lớn nhất cả nước và tất cả các chuyến bay đi/đến thành phố này đều phải trong vòng 2 tuần. Niềm vui về sự phục hồi ngành hàng không còn chưa kéo dài được bao lâu đã bị dập tắt và một lần nữa, những ký ức đáng quên từ đợt dịch Covi-19 lần đầu tiên lại ùa về trong chị Hiếu. May mắn thay, với những kinh nghiệm quý báu có được từ những sự kiện trước đó, chị Hiếu và các đồng nghiệp trong tổ vẫn đảm bảo được các đường bay nội địa còn lại hoạt động tốt mà không hề bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần này. 

alt text
Chị Hiếu rèn luyện tinh thần cho mình qua những chuyến đi xa để đem lại sự sảng khoái sau những thời gian lao động mệt mỏi. (Ảnh: NVCC).

“Để có đủ sức bước ra chiến trường, cần rèn luyện bản thân mỗi ngày”

Đối với bất kỳ ai, để có đủ sức chiến đấu trong công việc và cuộc sống đầy những bất ngờ, cần có đủ sức khỏe và tinh thần đươc rèn luyện trong thời gian dài, đặc biệt là với những người phụ nữ ở vị trí cần rất nhiều chuyên môn như chị Hiếu. 

Hiểu được tầm quan trọng của sức khoẻ, hàng ngày chị Hiếu tham gia các lớp rèn luyện thể chất như yoga, khiêu vũ hiện đại… Không chỉ có chuyên môn công việc tốt, chị còn có ham mê đọc sách và năng khiếu trong hoạt động khiêu vũ nghệ thuật như rumba, chachacha… khi là thành viên không thể thiếu trong đội hình văn nghệ hàng năm của SCC, góp phần quan trọng vào chuỗi chiến thắng liên tục trong văn nghệ của phòng.

alt text
alt text

Chị Hiếu và các chị em đội văn nghệ SCC. (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh việc rèn luyện thể chất mỗi ngày, chị cũng rèn luyện tinh thần cho mình qua những chuyến đi xa để đem lại sự sảng khoái sau những thời gian lao động mệt mỏi… Đặc biệt hơn, chị cũng từng tham gia trải nghiệm thiền tại Ấn Độ, Nepal…

Giờ đây, ngày 20/10, khi có thời gian nhìn lại bản thân sau gần một năm vừa qua, chắc hẳn chị Hiếu sẽ cảm thấy tự hào khi bản thân đã vượt qua được chừng ấy thử thách khó khăn, khi vừa mới nhận công việc mới.

Nhân dịp này, chị Hiếu cũng không quên gửi lời chúc tới tât cả các chị em phụ nữ trong ngành đó là, hãy can đảm đi theo những gì trái tim và trực giác bạn mách bảo, tiếng nói nội tại sẽ cho biết bạn thực sự muốn trở thành người như thế nào. Cuộc sống luôn dạy ta biết yêu thương chính bản thân ta, thương sự trong sáng và thương cả lỗi lầm, thương sự khôn ngoan và thương cả sự u mê, thương niềm vui và thương nỗi khổ tâm; thương tình yêu và thương cả sự giận hờn… Học cách thương đến tận cùng mọi điều trong bản thân ta và ta sẽ biết thương yêu người khác. Chúc chị em phụ nữ chúng ta lãnh đạo cuộc sống bằng tình yêu thương của chính mình.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.