[10 năm – Ký ức Libya] Niềm hy vọng trên những cánh bay

Những ngày này, 10 năm trước, VNA lập cầu hàng không đón hàng nghìn lao động Việt Nam tại Libya về nước. 10 năm sau chuyến bay đặc biệt ấy, chúng tôi may mắn được ngồi xuống và lắng nghe những ký ức không thể quên từ chính thành viên phi hành đoàn VNA, đã không quản ngại hiểm nguy đặt chân tới vùng đất Bắc Phi – đất nước Libya nóng bỏng giải cứu đồng bào.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những chuyến bay của VNA mang theo toàn bộ nỗ lực, cố gắng của các cơ quan ban ngành nói chung và VNA nói riêng nhằm đưa toàn bộ số lao động Việt Nam làm việc ở Libya được sơ tán khỏi lãnh thổ nước này một cách an toàn tuyệt đối.

alt text
Tổ lái chuyến bay cuối cùng và trưởng đoàn VNA ở Tunisa. (Ảnh: Tienphong.vn).

Tình thế cấp bách và những nỗ lực không ngừng nghỉ

Cuối tháng 2/2011, sau những biến cố chính trị tại Bắc Phi và các sự kiện “mùa xuân Arab”, tình hình chính trị, xã hội ở một số nước Bắc Phi hết sức phức tạp: thay đổi chính phủ, bạo loạn chính trị, bất ổn xã hội…

Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có quyết định rất mau lẹ: thành lập Ban công tác với thành phần là đại diện một số bộ, ngành liên quan, do một đồng chí Phó Thủ tướng đứng đầu, để lo việc sơ tán công dân, người lao động Việt Nam ở những vùng/nước có bất ổn chính trị, xã hội, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của công dân ta.

alt text
 Cơ trưởng Đinh Minh Cường (thứ hai từ phải sang): “Tình thế lúc bấy giờ rất cấp bách, công tác chuẩn bị được tiến hành một cách khẩn trương, nhanh lẹ”. (Ảnh: Đoàn bay).

Chặng đường đến Lybia là một đường bay không thường lệ. Các thành viên trong Trung tâm Điều hành khai thác đã rất vất vả để xin cấp phép cho chuyến bay và lên phương án đường bay như thế nào để đảm bảo an toàn.

Nói về tình hình cấp bách và khó khăn lúc bấy giờ anh Đinh Minh Cường – thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay, nhớ lại: “Tình thế lúc bấy giờ rất cấp bách, công tác chuẩn bị được tiến hành một cách khẩn trương, nhanh lẹ. Với dung lượng thông tin rất hạn chế, rất khó để đoàn bay hình dung được tình hình mặt đất đang diễn biến ra sao. Ngoài ra, đây là chuyến bay có chặng bay (duty time) dài nhất mà tôi từng tham gia, với 25h không ngừng nghỉ”.

Tuy nhiên, tính cấp bách không phải là vấn đề duy nhất, đi đến một vùng đất đang có những biến động về chính trị luôn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm đáng sợ. Cơ trưởng Đỗ Bá Hùng – thành viên tổ lái kể lại với ánh mắt đầy kiên định: “Chuyến bay năm đó vào vùng tiếp cận sân bay gần Lybia, chỉ huy không lưu yêu cầu phi công hạ cánh phía đất liền, song e ngại khả năng bị tên lửa bắn nên tôi đã xin bay từ biển Địa Trung Hải vào sân bay. Đây là một quyết định “cân não”, vì vào từ phía biển thì phải bay xuôi gió, trong khi thông thường máy bay hạ cánh ngược gió”.

alt text
Cơ trưởng Đỗ Bá Hùng – người ra quyết định “cân não” đảm bảo an toàn cho chuyến bay. (Ảnh: Xuân Nghĩa).

Khó khăn, vất vả liên tục đè nặng trên vai của đoàn giải cứu. Nhưng tất cả mọi người đều hiểu rằng, đang có hàng ngàn lao động đang mắc kẹt tại “tâm bão” của bạo loạn, mong mỏi từng ngày được đặt chân trở về quê hương, về bên vòng tay gia đình. Thấu hiểu điều đó, đoàn bay đã nỗ lực không ngừng nghỉ với 200% sức lực để trao những hy vọng đến với những người con đất Việt xa xứ.

Niềm tin, hy vọng và không bỏ lại một ai

alt text
Cơ trưởng Lê Minh Tiến: “Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi đón được tất cả đồng bào về nước”. (Ảnh: Đoàn bay).

Charles H. Spurgeon từng nói: “Niềm hy vọng tỏa sáng giống như những vì sao, nó không thể nhìn thấy trong ánh sáng của sự thành công mà chỉ được nhìn thấy trong bóng tối của những nghịch cảnh”. Tổ bay giải cứu đến Libya có thể xem là vì sao đem đến hy vọng cho những người lao động. Đồng thời đó cũng là vinh dự của VNA khi được Đảng và nhà nước giao phó.

“Có người tâm sự với tôi: Khi thấy máy bay Vietnam Airlines họ mừng muốn khóc. Khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài cũng vậy, họ nhìn máy bay và chúng tôi với ánh mắt trìu mến, đầy biết ơn. Có lẽ bởi niềm hy vọng lớn lao nhất của họ lúc đó là được trở về quê hương an toàn, đoàn tụ với gia đình đã trở thành sự thật”, Cơ trưởng Lê Minh Tiến nhớ lại.

Khi được hỏi về những kỷ niệm khó quên tại Libya, Cơ trưởng Lê Minh Tiến – nguyên đội trưởng B777 kể lại: “Đó là những ký ức không thể quên, khi tình thương xen lẫn cùng niềm hạnh phúc lúc đón được đồng bào về nước. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những người lao động bước lên được máy bay. Có những người chạy loạn 3 – 4 ngày trời, không được ăn, có người không có giầy dép. Toàn bộ đồ ăn, nước uống trên máy bay đều được các tiếp viên mang đến cho họ. Thương vô cùng”.

Dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng những nỗ lực bảo hộ công dân khi đó đã được các cơ quan liên ngành ở trong và ngoài nước phối hợp triển khai một cách nhịp nhàng và kịp thời, được cộng đồng quốc tế coi là “hình mẫu”. Và những cánh bay của VNA tới Libya đã trở thành một phần lịch sử quan trọng và đáng tự hào của người VNA.

Tiếp nối tinh thần đó, VNA vẫn luôn sẵn sàng xông pha vào hiểm nguy, gian khó chỉ cần Tổ quốc gọi tên. Từ Libya khói lửa đến tâm dịch Vũ Hán hay Guinea Xích đạo đương đầu với dịch bệnh hiểm nguy, những cánh bay VNA chưa một lần chùn bước.

Kỉ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya, những câu chuyện của lớp thế hệ đi trước như Cơ trưởng Đỗ Bá Hùng, Lê Minh Tiến, Đinh Minh Cường sẽ mãi là những ký ức thật đẹp và là bài học trân quý cho thế hệ trẻ VNA.

CTV Trường Sơn 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.