[10 năm – Ký ức Libya] Mỗi chuyến bay đều là một kỳ tích

Thấm thoắt đã 10 năm trôi qua, kể từ khi chiến dịch giải cứu hơn 10.200 lao động Việt Nam tại Libya kết thúc thành công. Bất chấp khó khăn, VNA đã cùng Chính phủ đi vào vùng chiến sự, đầy bom rơi đạn nổ, hoàn thành chiến dịch cầu hàng không hồi hương công dân Việt Nam tại nước ngoài có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Hãng, làm ấm lòng người dân cả nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chỉ trong một thời gian ngắn, VNA đã thực hiện thành công 10 chuyến bay, chở an toàn trên 3.000 công dân trở về đoàn tụ cùng gia đình và gần 13,6 tấn hàng hóa cứu trợ, góp phần vào thành công chung trong chiến dịch đưa toàn bộ công dân Việt Nam tại Libya về nước. Mỗi chuyến bay đưa lao động Việt Nam về nước lại thắp lên triệu niềm vui không chỉ đối với lao động và người thân của họ mà còn cả người dân Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 10 năm kết thúc thắng lợi chiến dịch giải cứu người lao động Việt Nam từ Libya về nước (ngày 01 – 13/3/2011), TTNB đã có cuộc trò chuyện với P.TGĐ Nguyễn Hồng Lĩnh – Cơ trưởng chuyến bay tiền trạm của chiến dịch, số hiệu VN6568 ngày 01/3/2011.

alt text
PTGĐ Nguyễn Hồng Lĩnh – Cơ trưởng cầm lái chuyến VN6568 giải cứu người lao động Việt Nam từ Libya về nước. (Ảnh: VNA)

Ngay sau khi xảy ra biến sự ở Libya, Chính phủ đã tổ chức họp gấp và đưa ra phương án lập cầu hàng không đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước. VNA đã được Chính phủ tin tưởng giao phó nhiệm vụ đặc biệt này. VNA đã phản ứng và chuẩn bị như thế nào cho chiến dịch giải cứu này, thưa ông?

Ngay sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước, toàn hệ thống của VNA đã khẩn trương vào cuộc triển khai. Một mặt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng cho các chuyến bay, mặt khác, thành lập các tổ công tác do các Phó tổng giám đốc điều hành trực tiếp; đồng thời thành lập 3 đoàn công tác tiền phương gồm các cán bộ hàng không tới các nước Bắc Phi như Ai Cập, Tuy-ni-di, Thổ Nhĩ Kỳ, An-giê-ri để thực hiện nhiệm vụ.

Sau rất nhiều phương án được đưa ra, VNA đã quyết định bay chuyến đầu tiên sang Cairo – Ai Cập (bởi lúc này đã có khoảng 4.600 người lao động sơ tán sang đây) để đưa một đoàn lao động về nước. Khi đó, ở Ai Cập cũng vừa diễn ra đảo chính, biểu tình tràn lan, giao thông hỗn loạn. Tình hình rất bất ổn và không an toàn.

Sau đó, sân bay Djerba của Tunisia được lựa chọn làm nơi đóng quân của đoàn công tác và là điểm đón chủ yếu của cầu hàng không đưa công dân Việt Nam về nước. Những chuyến bay giải cứu công dân được bắt đầu từ ngày 1/3/2011.

Được biết, khi ấy ông đang đảm nhận trọng trách Phó Đoàn trưởng phụ trách Khai thác – Cơ trưởng B777 – Đoàn bay 919. Bản thân ông đã chuẩn bị như thế nào cho chiến dịch đặc biệt này?

Khi đó, trong vai trò Phó Đoàn trưởng phụ trách Khai thác – Cơ trưởng B777 – Đoàn bay 919, tôi được phân công đảm nhiệm thực hiện chuyến bay tiền trạm mở đầu cho chiến dịch. Là một người lính, khi nhận nhiệm vụ này, bản thân tôi cảm thấy vui và vinh dự vì được TCT tin tưởng lựa chọn. Tôi luôn tự nhủ bản thân phải tập trung cao độ, cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Là người thực hiện chuyến bay tiền trạm, chắc hẳn ông và các đồng nghiệp của mình đã gặp rất nhiều khó khăn?

Trong bối cảnh phức tạp vì nội chiến lan rộng rộng tại khu vực Bắc Phi và Trung cận Đông, lại chưa có đường bay thẳng đến Libya, VNA phải bay qua không phận 15 quốc gia mà Hãng chưa bao giờ bay đến. Cùng với đó, thủ tục xin phép cất hạ cánh, điều kiện kỹ thuật, năng lực sân bay, thời tiết sa mạc… tương đối phức tạp với nhiều tình huống khó lường.

May mắn là các đồng nghiệp của tôi đều là những phi công đường dài, có nhiều kinh nghiệm bay các đường bay mới. Bản thân tôi đã từng thực hiện hàng trăm các chuyến chuyên cơ đưa Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác ở nhiều châu lục, trong đó nhiều chuyến triển khai trên các đường bay và điểm đến là lần đầu tiên khai thác của Hãng. Kinh nghiệm và bản lĩnh của một phi công từng trải là một thuận lợi để tôi và các đồng nghiệp thực hiện thành công chuyến bay tiền trạm sang Cairo – Ai Cập chở hơn 9 tấn hàng cứu trợ (chủ yếu lương thực, thực phẩm), đoàn công tác Nhà nước và đoàn cán bộ của VNA.

alt text
Mỗi chuyến bay, mỗi chiến dịch giải cứu thành công của TCT là một kỳ tích, một chiến công chung từ rất nhiều khối óc và con tim của những Chiến binh Sen vàng VNA. (Ảnh: VNA)

Khó khăn, thử thách nhưng cũng nhiều cảm xúc đặc biệt, thưa ông?

Trong cuộc đời mỗi con người, chắc hẳn ai cũng đã từng có những dấu ấn, kỷ niệm và cảm xúc không thể nào quên. Đối với một phi công, vì công việc khá đặc thù nên chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt khi gắn bó với bầu trời và từng bước trưởng thành trong nghề của mình. Nhưng tôi chắc chắn rằng, tôi và những đồng nghiệp đã tham gia chiến dịch giải cứu công dân Việt Nam ở Libya đều sẽ không thể quên được lần công tác với rất nhiều cảm xúc đáng nhớ ấy.

Là chuyến bay tiền trạm, chúng tôi mang trên mình trọng trách của cấp trên giao phó, sự tin cậy và gửi gắm niềm tin của nhân dân. Trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một cơ hội trân quý trong cuộc đời khi chúng tôi đã được chứng kiến khoảnh khắc những ánh mắt bừng sáng, những tiếng hò reo đầy thương cảm “Sống rồi, về nhà rồi” của đồng bào khi chạm tới chân thang máy bay VNA. Ở một nơi xa quê hương, nguy hiểm và bất ổn như vậy, nghĩa đồng bào càng lớn lao hơn. Trách nhiệm, vinh dự và niềm tự hào của người VNA cũng tỏa sáng hơn bao giờ hết khi đồng bào chạm vào máy bay của VNA và tha thiết gọi đó là “về nhà”.

Chuyến công tác cũng để lại cho tôi một câu chuyện cảm động về những đồng nghiệp VNA của mình. Trong tình huống triển khai nhiệm vụ cực kỳ khẩn trương và cấp tập, vì một lý do nào đó mà số lượng lao động lên máy bay đã vượt quá khả năng chuyên chở 1 người.

Để chuyến bay được cất cánh nhanh chóng, đúng kế hoạch và bà con lao động được về nước an toàn nhất, một cán bộ của Đoàn công tác VNA đã xung phong cắt lại để về nước sau. Một lần nữa, hàng trăm con người trên chuyến bay đã vỗ tay, hoan hô, reo hò không ngớt cảm kích trước sự hy sinh, lùi lại phía sau nhường chỗ cho đồng bào trong tình huống khẩn cấp.

Sau những tràng pháo tay, trong bối cảnh khẩn trương, ráo riết ấy, chuyến bay đã cất cánh đúng kế hoạch và chúng tôi bay về nước nhưng vẫn giữ mãi sự xúc động và bồi hồi về người đồng nghiệp dũng cảm, tuyệt vời của mình.

Nhìn lại 10 năm triển khai chiến dịch bảo hộ công dân có quy mô lớn trong lịch sử này, không chỉ riêng Lybia mà cả các chuyến bay mang sứ mệnh giải cứu khác, ông đánh giá thế nào về công tác giải cứu của VNA?

Như tôi đã nói, mỗi chiến dịch giải cứu thành công là chiến công chung, là thành quả sự chỉ đạo từ Chính phủ tới địa phương, là công sức, tâm huyết của rất nhiều người, nhiều cơ quan ban ngành trong và ngoài nước. Nhưng tại VNA, chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiên phong xông pha khắp các châu lục, từ chiến trường Lybia, Ai Cập đến khói bụi núi lửa Châu Âu, bạo loạn ở Thái Lan, sóng thần ở Nhật Bản… và hàng trăm chuyến bay đưa đồng bào trên khắp thế giới trở về quê mẹ trong cơn đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Mỗi chuyến bay, mỗi chiến dịch giải cứu thành công của TCT là một kỳ tích, một chiến công chung từ rất nhiều khối óc và con tim của những Chiến binh Sen vàng VNA, từ đội ngũ những người đứng trên tuyến đầu đến lực lượng bền bỉ, thầm lặng hỗ trợ ở tuyến sau.

Từ những chuyến bay giải cứu, những chuyến bay phục vụ công tác an ninh quốc phòng, chúng tôi và đội ngũ VNA của mình luôn tự hào xây dựng hình ảnh hãng hàng không Quốc gia mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, nhân văn, hết mình phụng sự Tổ quốc, hết mình vì sự phát triển bền vững, an toàn, an ninh của cộng đồng, của xã hội; vẫn luôn cố gắng phấn đấu xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyệt Nga – Trường Sơn (thực hiện)

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.