Trương Thanh Lan: Giữ lửa cuộc sống bằng nuôi dưỡng đam mê

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

Chào chị Lan! Chị có thể giới thiệu đôi chút về mình để các thành viên VNA biết được không?

Mình hiện công tác tại đội Chính sách giá và Tuyến đường, thuộc phòng Thương mại Hành khách, Chi nhánh miền Nam (CNMN). Mình thích thể thao, du lịch và ẩm thực. Vốn là một bà mẹ một con nên mình và cả anh xã vẫn có nhiều thời gian quan tâm đến em bé, bên cạnh đó cân bằng được các sở thích cá nhân. Mình có suy nghĩ Hạnh phúc là một hành trình, không phải là điểm đến nên vẫn luôn giữ tinh thần sống vui vẻ, lạc quan, và cố gắng lan tỏa những năng lượng tích cực sang những người xung quanh.

Công việc hàng ngày của một chuyên viên thuộc đội Chính sách giá và Tuyến đường, quản lý đường bay Nội địa thế nào?

Trước đây mình phụ trách nhóm tuyến đường Đông Nam Á, và mới chuyển sang tuyến Nội địa trong Quý II năm nay. Công việc của các chuyên viên  phụ trách tuyến đường nói chung bao gồm rà soát và kiến nghị mở bán chuyến bay, cập nhật các thông tin về cạnh tranh (giá, sản phẩm) của các hãng hàng không khác; nghiên cứu tăng, giảm tần suất, mở đường bay mới; hỗ trợ xử lý giá và chỗ cho kênh đại lý… Ngoài ra là góp ý về các quy định, chính sách liên quan đến công tác bán, xây dựng và kiến nghị giá mùa, giá khuyến mại theo giai đoạn hoặc do cạnh tranh, thực hiện các báo cáo định kỳ và bất thường theo yêu cầu cấp trên….Và còn nhiều công việc phát sinh khác mà mình không thể liệt kê hết được!

alt text

Điều gì là quan trọng trong việc làm chính sách giá và tuyến đường? Có khó khăn nào mà những người làm chính sách giá phải vượt qua?

Mình thấy công việc này đòi hỏi tính chính xác cao, và phải chịu áp lực về mặt thời gian. Vì mọi nghiệp vụ chuyên môn như chia chặng tính giá, làm adhoc, kiến nghị giá mùa, giá khuyến mại….đều đòi hỏi sự tham chiếu thông tin từ nhiều nguồn (các tài liệu, qui định hiện hành, thông tin thị trường…) và đều chi phối trực tiếp vào công tác bán. Mình tính giá sai thì đại lý sẽ báo giá sai cho khách. Mình xây dải giá (mùa/khuyến mại) thiếu tính cạnh tranh thì có thể gây mất khách, giảm doanh thu đường bay… Bên cạnh đó, các yêu cầu hỗ trợ về giá/chỗ hầu hết đều gấp, nhiều báo cáo đột xuất/bất thường nên chuyên viên phụ trách cũng cần có các kỹ năng tổng hơp, phân tích, báo cáo và kiến nghị tốt trong thời gian gấp rút.

Chị có thể chia sẻ kỷ niệm đặc biệt trong quá trình làm việc cũng như chuyên môn của mình?

Mình nhớ mãi ngày 20/10 năm 2016, cả đội mình (đa phần là nữ) cùng lãnh đạo ra TCT họp xây dựng MP. Hàng năm đợt họp về chủ đề này đều hao tốn rất nhiều sức lực và thời gian. Mọi người đều cố gắng làm việc thật nhanh chóng, hiệu quả để kịp đi và về trong ngày. Kết thúc ngày Phụ nữ Việt Nam năm đó là một cảm giác khác hẳn mọi năm, tụi mình “được” dậy từ 4h sáng đáp chuyến sớm nhất ra Hà Nội, làm việc xuyên trưa và rời phòng họp hơn 18h, vội vàng vàng cho kịp chuyến bay trở về TP HCM lúc 20h. Về sau nhắc lại mọi người ai cũng tự phục mình sao có thể làm việc “trâu bò” như thế, và cùng nhau được kỷ niệm một ngày đặc biệt theo cách cũng hết sức đặc biệt.

Được biết, trước đây chị là một tiếp viên hàng không. Vậy điều gì khiến chị rẽ lối sang công việc hiện tại ở CNMN?

Bạn biết đó, tuổi trẻ ai mà không mơ ước được đi nhiều nơi, khám phá nhiều thứ. Mình đến với nghề TVHK cũng không ngoài mục đích đó. Nhưng sau một thời gian, mình nhận thấy đây không phải con đường lâu dài mà mình muốn hướng đến, nên trong quá trình đi bay mình vẫn tiếp tục học lên Thạc sỹ QTKD và tự ôn luyện TOIEC để chuẩn bị trước cho các cơ hội tuyển dụng phù hợp. Năm 2010 mình đạt tiêu chuẩn tuyển dụng chuyên viên thương mại của CNMN. Nghỉ bay lúc đó với mình thực sự rất tiếc nuối, tuy nhiên đây là đánh đổi cần thiết để mình có thời gian ổn định hơn và có thể tập trung cho gia đình tương lai.

Chị có thể chia sẻ một chút về gia đình nhỏ của mình?

Anh xã mình hiện là cơ trưởng tàu bay A321 của VNA – với biệt danh Vinh (đu) đủ (ở Đoàn bay hầu như ai cũng có biệt danh vừa buồn cười vừa dễ thương như vậy). Vợ chồng mình có một bé trai 6 tuổi rất tình cảm và hiếu động.

alt text

Cơ duyên nào để anh – chị đến với nhau?

Mình bay chung chuyến với anh xã vài lần trên tàu ATR72 (loại máy baytrước đây chồng mình lái). Ấn tượng ban đầu không có gì đặc biệt ngoài anh cơ phó cao gầy, phong trần. Chồng mình khi đó đi làm cũng rất lạnh lùng, không quan tâm đến con gái. Hồi đó cứ buổi chiều cả nhà mình hay sang đoàn bay tập thể thao (bố và anh trai mình đều là phi công), mình là đứa con gái duy nhất vào đó chạy bộ liên tục gần một giờ rồi về, ngày nào cũng vậy. Cũng có vài anh thấy lạ dò hỏi nhưng anh xã mình (dù chưa quen) cũng dõng dạc tự nhận “Bạn gái tao đó!” nên… đã loại được nhiều đối thủ…sắp có!

Chuyện tình cảm cũng tự nhiên mà tới, mình khám phá ra ngoài vẻ ngoài bụi bặm, bất cần là một trái tim tình cảm, yêu gia đình và rất… mê phim Hàn Quốc!

Công việc của ông xã thường di chuyển. Vậy chị và ông xã cân đối công việc để chăm sóc gia đình như thế nào?

Hai đứa mình rất hiểu và thông cảm cho công việc của nhau. Mình là người cũng khá chiều chồng, mỗi khi chồng có lịch bay thì mình đều ưu tiên sắp xếp công việc, gia đình con cái cho phù hợp với sinh hoạt của chồng. Ngược lại, khi mình phải đi công tác, team building với công ty, có đợt phải làm thêm giờ… chồng mình cũng rất chịu khó xoay lịch để đưa đón và trông con giúp mình. Còn lúc kẹt quá thì mình nhờ đến ông, bà.

Ở CNMN chị rất nổi tiếng về môn Yoga. Chị có thể chia sẻ một chút về sở thích đặc biệt này?

Lần đầu tiên tập yoga của mình rất tệ, mình không theo được hết lớp vì cảm thấy vừa mệt, vừa chán do động tác khó, tốc độ chậm quá không giống mấy môn thể thao mình vẫn chơi, phòng tập thì nóng. Sau vài lần thử đi thử lại, mình quyết định ngưng tập vì cho rằng đây là bộ môn chỉ phù hợp cho… người lớn tuổi! Bẵng hơn hai năm sau mình mới thử lại lần thứ hai, sau khi sinh bé. Rồi mình… nghiện luôn cho đến giờ. Tính ra cũng hơn 4 năm rồi.

alt text

Tại sao chị chọn môn yoga mà không phải một môn thể dục khác?

Với yoga, mỗi ngày mình lại được học thêm một cái mới, không có điểm dừng. Khi đã làm thuần thục một động tác nào đó, sẽ lại có biến thể từ động tác đó gây khó khăn hơn cho người tập. Việc nỗ lực vượt lên chính mình được tăng cấp, lặp lại nhiều lần. Từ đó không chỉ tôi luyện cho người tập một thể trạng tốt mà còn cả một tinh thần thép. Từ khi tập yoga mình cân bằng tâm trạng tốt hơn, giảm 'xì trét', dễ ngủ, chỉnh lại cột sống bị cong do ngồi sai tư thế, da dẻ vóc dáng được cải thiện… trở nên vui vẻ yêu đời hơn. Nhiều ích lợi như vậy bảo sao mình không trung thành với yoga cho được.

Rất nhiều tư thế khó chị đã thực hiện thành công. Vậy chị dành thời gian tập luyện thế nào để đạt được điều này? 

Đối với mình, tập yoga giống như phần thưởng mỗi ngày mà mình luôn muốn dành cho bản thân (chắc bạn nào đang tập cũng đồng ý với mình là ngày nào bỏ tập y như rằng cảm thấy nhức mỏi hơn bình thường!). Do làm việc văn phòng, mình sắp xếp tập vào giờ nghỉ trưa, đều đặn mỗi ngày. Cuối tuần rỗi rãi hơn, mình có thể tập từ 1-2h/ngày. Khi đi công tác/du lịch thì mình thường tập dồn trước, hoặc sau đó để “xả thèm”. Đối với các động tác mới/khó, mình thường dành 5-10’ sau mỗi buổi tập (là khi cơ thể đã được làm nóng, kéo dãn hết cỡ) để tự tập, duy trì liên tục từ 1 tuần đến 2 tháng (tùy độ khó của tư thế đó).

Động lực nào để chị có thể thực hiện được những tư thế khó như vậy?

Mình luôn muốn thử thách bản thân. Cảm giác tự phá vỡ các giới hạn của chính mình rất tuyệt. Mình nhớ mãi một câu nói của thầy dạy: “If you cannot do by one try, keep going. After 100 times, 2.000 times… you can do”. Yoga là thế đó, 1% lý thuyết và 99% là thực hành. Tập càng nhiều xác suất thành công càng tăng, có cảm nhận về tư thế tốt hơn, lâu dần thành phản xạ nên nhìn vào sẽ thấy rất nhẹ nhàng. Khi nhìn một động tác khó, mình không ngưỡng mộ vì người thực hiện vì họ khéo, mà mình ngưỡng mộ ý chí, công sức mà họ phải bỏ ra để tập được động tác đó.

Ngoài ra, mình cũng có sở thích chụp ảnh yoga để lưu lại, sau này có cái kể lại với con cháu, là bà/cụ của chúng hồi trẻ cũng… rất gì và này nọ đó chứ!

Chị có thể chia sẻ bí quyết tập luyện môn này để mọi người học hỏi được không?

Trong lúc tập cần chú ý đến việc siết cơ, phối hợp nhịp thở với động tác, chú ý việc giữ hướng của cơ thể tương ứng với các trục cơ bản. Nghe thì khá đơn giản, tuy nhiên mình thấy rất nhiều người tập chưa chính xác, dù là yogi lâu năm.

alt text

Yoga có phải là cách để chị cân bằng công việc và cuộc sống?

Có thể nói đúng như vậy. Trong thời gian một tiếng luyện tập, đầu óc mình được thả lỏng, không nghĩ đến gì khác ngoài việc nghe và làm theo hướng dẫn của giáo viên. Điều này giúp mình loại bỏ được các mối lo về công việc, gia đình, xã hội…Một tiếng chỉ dành riêng cho tâm trí và lắng nghe cơ thể của mình mà thôi. Thật kỳ diệu là nhiều khi mình bước vào phòng tập với một tâm trạng quay cuồng, đầu óc đau nhức hay thân thể rã rời… nhưng khi bước ra lại là một con người mới, đầu óc thanh thản hơn, thân thể nhẹ nhàng hơn. 

Nếu có một lời khuyên dành cho những thành viên VNA đang có ý định học Yoga chị sẽ nói điều gì?

Qua quá trình tập luyện, thường xuyên trao đổi với giáo viên và tự quan sát, mình rút ra được vài điều để luôn nhắc nhở bản thân. Đó là không nên nóng vội, so sánh mình với người khác. Chỉ cần cố gắng tiến bộ hơn chính mình của ngày hôm qua mà thôi. Vì tần suất và thời gian tập của mỗi người là khác nhau, việc bắt chước khi tập chưa đủ, các cơ còn yếu chưa đáp ứng được động tác sẽ dễ gây ra chấn thương không đáng có. Hy vọng những chia sẻ này cũng giúp ích được cho các bạn mới bắt đầu hoặc sắp tham gia bộ môn này.

alt text

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.