Sáng 7/5, hơn 1,4 tỷ cổ phiếu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: HVN) đã chuyển sàn và giao dịch phiên đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Với giá tham chiếu là 40.600 đồng một cổ phiếu, giá trị vốn hóa của hãng ước đạt 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
Kế hoạch chuyển sàn từ HNX (UPCoM) sang niêm yết trên HoSE được ban lãnh đạo Vietnam Airlines chuẩn bị từ năm 2018. Trao đổi với VnExpress, CEO Dương Trí Thành chia sẻ bước đi chiến lược và kế hoạch chuyển mình của hãng sau khi chuyển sàn.
Vietnam Airlines chuẩn bị những gì cho lần chuyển sàn niêm yết này?
– Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 5/2018, các cổ đông đã thông qua chủ trương chuyển sàn giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết trên sàn HoSE. Vietnam Airlines đã chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ trong năm 2018 theo phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đến ngày 24/12/2018, doanh nghiệp đã hoàn tất toàn bộ các bước phát hành cổ phiếu, đồng thời công khai kết quả chào bán trên website và thông báo cho các cổ đông chưa lưu ký đến nhận sổ cổ đông kể từ ngày 15/2/2019. Ngày 22/4 vừa qua, phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu HVN đã diễn ra và toàn bộ cổ phiếu được hủy niêm yết trên sàn UPCoM từ ngày 23/4.
Vietnam Airlines thực hiện kế hoạch chuyển sàn sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, bước cuối cùng trong việc thực hiện phương án cổ phần hóa. Ngày 7/5, cổ phiếu HVN đã chính thức giao dịch trên sàn HoSE.
Sự kiện này là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới, đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động quản trị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Theo ông, việc chuyển sàn niêm yết tác động như thế nào đến giá trị cổ phiếu, vốn hoá thị trường, khả năng huy động vốn và vị thế của hãng?
– Niêm yết trên HoSE không chỉ là lời bảo chứng về chất lượng cổ phiếu, mà còn đảm bảo dòng tiền và thanh khoản cao hơn hẳn UPCoM. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả các bên, bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng. Việc chuyển sàn niêm yết có quy mô lớn như HoSE cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp nâng cao uy tín, minh bạch thông tin, tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư mới.
Đâu là nguyên nhân khiến cổ phiếu HV nhiều phiên trồi sụt trước khi giao dịch trên HOSE
– Trong năm 2018, cổ phiếu HVN điều chỉnh và pha loãng do phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó tác động chung do thị trường đi xuống cũng ảnh hưởng đến cổ phiếu của hãng.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tích cực, liên tục cải thiện hoạt động và lành mạnh hóa cấu trúc tài chính, giá trị vốn hóa giúp chúng tôi duy trì đà tăng trưởng khả quan và bền vững từ khi giao dịch trên UPCoM. Tính đến nay, giá trị vốn hóa HVN đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 1,7 lần so với thời điểm chào sàn vào năm 2017.
Theo ông, thách thức lớn nhất mà ngành hàng không Việt Nam phải đối mặt là gì?
– Thị trường hàng không nội địa tăng trưởng chậm lại với mức 6,9% sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ về khách từ 2013 đến 2016. Theo số liệu của Cục Hàng không, tổng lượt khách của toàn thị trường Việt Nam năm 2018 chỉ tăng 12,9% so với năm 2017, thấp hơn nhiều so với mức tăng của các năm trước.
Trong năm 2019, kinh tế Việt Nam được dự đoán tiếp tục tăng trưởng. Song những bất ổn trên thế giới về chính trị, kinh tế, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đường bay về hành khách, hàng hóa. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của hàng không giá rẻ và nhiều hãng mới ra đời cũng khiến thị trường ngày càng cạnh tranh.
Việc thị trường có thêm nhiều đối thủ mới gây áp lực cạnh tranh cho hãng như thế nào?
– Đầu năm 2019, thị trường hàng không nội địa có thêm hãng hàng không mới gia nhập nhưng thị phần vận chuyển hiện tương đối nhỏ, trong khi lượng khách của VNA Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco) chiếm trên 52%.
Chúng tôi xác định việc có thêm hãng bay mới sẽ tạo ra sự cạnh tranh thị trường nhưng cũng là động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, trình độ quản lý. Hãng sẽ phối hợp với các hãng hàng không trong nhóm để duy trì thị phần nội địa đồng thời đảm bảo mục tiêu vai trò trọng điểm của thị trường nội địa.
Vietnam Airlines sẽ thực hiện mục tiêu này ra sao?
– Dự kiến, hãng sẽ thay thế đội bay ATR hoạt động trên những tuyến đường ngắn bằng đội tàu bay phản lực khu vực để nâng cao hiệu quả khai thác, tăng khả năng cạnh tranh và phối hợp tần suất giữa các hãng thành viên trong VNA Group trên một số đường bay.
Đồng thời, hãng tiếp tục triển khai chặt chẽ chiến lược thương hiệu kép (dual-brand) với Vietnam Airlines và Jetstar Pacific. Trong đó, Vietnam Airlines tập trung phân khúc khách hàng doanh thu cao, có nhu cầu dịch vụ đầy đủ, còn Jetstar Pacific bổ sung tải để cạnh tranh trên phân khúc khách hàng giá rẻ.
Hướng tới mục tiêu trở thành hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao, hãng cũng liên tục đổi mới dịch vụ, duy trì chỉ số đúng giờ ở mức cao 90%, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, đa dạng hóa sản phẩm như vé máy bay – khách sạn.
Kế hoạch thay thế tàu bay cũ và mở rộng đội bay của hãng thế nào?
– Hãng đã và đang thay thế đội tàu bay thân rộng thế hệ cũ như Airbus A330, Boeing 777 sang đội tàu bay thân rộng thế hệ mới là Airbus A350 và Boeing 787. Năm 2019, Vietnam Airlines sẽ nhận về 22 tàu bay mới, gồm 3 Boeing 787-9, 2 Airbus A350-900 và 17 Airbus A321NEO. Đồng thời, trong năm nay, hãng cũng sẽ thực hiện trả, bán thanh lý và cho thuê tổng cộng 14 tàu bay, trong đó bán thanh lý 5 Airbus A321 cũ đã khai thác từ năm 2004-2005, trả 4 Airbus A321 và 2 Airbus A330 do hết hạn thuê, đồng thời cho thuê 3 Airbus A321.
Như vậy, 22 tàu bay mới vừa để thay thế các tàu bay cũ, vừa để phục vụ mở rộng quy mô. Số tàu bay này sẽ giúp hãng mở các đường bay mới, tăng tần suất tại các đường bay quan trọng, giữ vững thị phần trong bối cảnh có thêm hãng hàng không mới tham gia thị trường và một số doanh nghiệp đang làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Năm nay Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu gần 112.000 tỷ đồng. Ngoài chuyển sàn, hãng còn làm gì để đạt mục tiêu này?
– Sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tình hình kinh tế, xã hội trong năm 2019 được dự đoán vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Thị trường hàng không tăng trưởng và phát triển so với cùng kỳ, trong đó tổng khách thị trường quốc tế và nội địa dự kiến tăng lần lượt là 16,3% và 14%.
Sản lượng của Vietnam Airlines dự kiến tăng trên 10%, khách toàn mạng tăng 13 % so với thực hiện 2018. Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào như giá dầu và tỷ giá đều cao hơn so với 2018.
Bởi vậy, chúng tôi xây dựng kế hoạch tăng trưởng doanh thu công ty mẹ đạt 12,7%, các công ty con khoảng 11% làm doanh thu hợp nhất tăng 12,9% và lợi nhuận hợp nhất sau thuế tăng 3,1%.
Mặc dù tăng trưởng thị trường có xu hướng chậm lại Việt Nam vẫn nằm trong khu vực có tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không cao nhất trên thế giới. Với năng lực cạnh tranh và kinh nghiệm quản trị thực tế, hãng hoàn toàn có khả năng đạt các mục tiêu này.
Ông hình dung sau năm 2020, vị thế của Vietnam Airlines sẽ như thế nào trên thị trường hàng không Việt Nam, khu vực và thế giới?
– Trong hơn 20 năm phát triển, Vietnam Airlines luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu thị trường và đang hướng tới mục tiêu trở thành hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao. Lộ trình này đã được hãng nghiên cứu và lên kế hoạch ngay sau nhận chứng chỉ chất lượng dịch vụ 4 sao vào năm 2016.
Cùng với đó, hãng tiếp tục thực hiện việc quản trị chi phí và theo đuổi chiến lược tăng trưởng. Chúng tôi đang khai thác các dòng máy bay thế hệ mới, công nghệ hiện đại như Airbus A350, Boeing 787 nhằm giảm mức tiêu hao nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng. Đội bay Airbus A321 hiện tại cũng dần được thay thế bằng loại tàu bay Airbus A321neo thế hệ mới từ nay đến 2020.
Ngoài ra, hãng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao trải nghiệm của hành khách, từng bước trở thành hãng hàng không số trong tương lai.