Những điều chưa biết về dàn nhạc lâu đời nhất London

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

Thương hiệu văn hóa suốt 100 năm

Sau khi thực hiện buổi ghi âm bản Giao hưởng số 2 của Gustav Mahler với Dàn nhạc Giao hưởng London LSO, nhạc trưởng Seiji Ozawa thốt lên: “Tôi giác ngộ!”, còn huyền thoại Leonard Bernstein thì chia sẻ rằng: “Dàn nhạc New York là nơi tôi thuộc về còn LSO là nơi tôi hiểu sự thần thánh của âm nhạc”. Những câu chuyện như thế đã nói lên tầm vóc của LSO – dàn nhạc lâu đời nhất thành London.

Nếu là người ngoại đạo của âm nhạc cổ điển, có thể bạn sẽ bị nhầm lẫn LSO với một số dàn nhạc cũng được ra đời từ thủ đô nước Anh. Đơn cử như Lodnon Philharmonic hay Royal Philharmonic… Đó đều là những cái tên nổi tiếng và quen thuộc nhưng sự phân biệt rõ ràng nhất với LSO chính là bề dày lịch sử.

LSO được thành lập năm 1904, trải qua rất nhiều thăng trầm, đây là nơi hội tụ những cái tên vĩ đại nhất của nền âm nhạc cổ điển nhân loại. Từ những người đã đặt viên gạch đầu tiên cho dàn nhạc như nhạc trưởng đầu tiên Hans Richter hay nhạc trưởng – nhà soạn nhạc Sir Edward Edgar tới nhạc trưởng Willem Mengelberg rồi sau này là Sir Colin Davis…

alt text

LSO cũng từng cộng tác với những nhạc công lỗi lạc nhất trong những giai đoạn khác nhau. Như đã kể trên, Leonard Bernstein, Seiji Ozawa hay André Previn… đều từng làm việc với dàn nhạc này. “LSO kiến tạo một giá trị riêng không thể so sánh. Đó là đẳng cấp nghệ thuật của từng nhạc công, tinh thần kỷ luật và một cái gì đó mà tôi chỉ có thể mô tả đó là tinh thần Ăng-lê tuyệt hảo!” nhạc trưởng người Mỹ Leonard Bernstein mô tả.

Dường như LSO có một sức hút đặc biệt với những nghệ sĩ biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Từ các nhạc trưởng tới những nghệ sĩ solo tài ba đều muốn ít nhất một lần được cùng trình diễn với các nhạc công của dàn nhạc này. Và tất nhiên, một sức hút khác của LSO chính là đối với công chúng. Nhắc tới LSO là nói tới một thương hiệu văn hóa đã được khẳng định suốt 100 năm.

Những buổi diễn để đời và dấu ấn với nhạc phim

Trung bình mỗi năm, LSO thực hiện 70 buổi diễn tại nhà hát Barbican Centre ở London, đại bản doanh của họ, và cùng từng đó buổi lưu diễn. Mật độ biểu diễn đó đã được giữ đều suốt nhiều thập niên qua mà không buổi diễn nào của họ không chật kín khán phòng.

Đó chính là một phần lý do LSO được xếp vào 5 dàn nhạc uy tín nhất thế giới. Và để làm được như vậy, LSO đã có rất nhiều những buổi diễn để đời cùng những nhạc trưởng và nghệ sĩ solo hàng đầu thế giới. “Thưởng thức một buổi diễn của dàn nhạc này là một cơ hội đáng giá mà bạn cần phải hiểu được thực sự giá trị của nó. Bởi khi một tác phẩm được giao vào tay LSO, nó sẽ được đẩy lên một tầm cao mới. Người nghe sẽ cảm nhận tác phẩm theo một cách riêng, độc đáo và đi sâu hơn vào cốt lõi của nghệ thuật,” nhà phê bình Allen Stenard nhận định.

alt text

Có thể kể tới những buổi diễn được ghi lại trong lịch sử âm nhạc cổ điển thế giới. Đó là 3 buổi diễn mà nhà soạn nhạc Sir Edward Edgar trực tiếp chỉ huy dàn nhạc London trình diễn các tác phẩm của ông trong tour diễn đầu tiên của dàn nhạc năm 1905. Hay năm 1966, Leonard Bernstein chỉ huy LSO trình diễn bản Giao hưởng ngàn người của nhà soạn nhạc Gustav Mahler. Đặc biệt, chuỗi buổi diễn của LSO tại Nhật Bản năm 1994 gây tiếng vang lớn.

Có một điểm khá đặc biệt của LSO là ngoài các tác phẩm cổ điển kinh điển, dàn nhạc này còn ghi dấu ấn đặc biệt với mảng âm nhạc cho phim và âm nhạc chuyển thể. Từ những năm 1920, dàn nhạc đã thu âm phần nhạc cho nhiều bộ phim như The Musketeers (1922), The life of Beethoven (1929)… Nhưng dấu ấn đặc biệt của LSO là phần nhạc của bộ phim nổi tiếng Star Wars (1977) do “bố già” nhạc phim John Williams soạn và chỉ huy trình diễn. Đây được coi là một trong những tác phẩm nhạc phim kinh điển cho tới tận thời điểm này. Năm 1978, nhạc phim Star Wars đã nhận 3 giải Grammy danh giá.

Cũng trong thập niên 1980, dàn nhạc này khiến giới chuyên môn và phê bình không khỏi bất ngờ nhưng cũng kèm theo sự tán thưởng với dự án trình diễn 30 bản nhạc rock nổi tiếng bằng hình thức giao hưởng. Dự án mang tên Classic rock không chỉ gợi hứng cho nhiều ban nhạc thực hiện mô hình biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng mà còn được tờ Guardians khi đó đánh giá là “một sự khám phá tuyệt vời chiều sâu của rock”.

alt text

105 phút với 8 tác phẩm kinh điển

Tối 5/10, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, công chúng thủ đô Hà Nội sẽ được thưởng thức màn trình diễn của hơn 90 nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng London. Buổi hòa nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018 sẽ là sự kiện văn hóa đáng chú ý nhất của Hà Nội trong tháng 10 này.

Trong 105 phút của chương trình, người yêu nhạc cổ điển trong nước sẽ được thưởng thức các tác phẩm kinh điển: mở đầu là tác phẩm Tiến quân ca, tiếp theo là Người thợ cắt tóc thành Seville. Các tiết mục tiếp theo là Bản concerto của Joseph Haydn, Vũ khúc Slovanic, Niềm kiêu hãnh Gypsy, Đoản khúc, Giấc mộng đêm hè và Vũ khúc Ba Lan với sự trình diễn của LSO và nhạc trưởng Elim Chan.

Vượt ra ngoài khuôn khổ một buổi hòa nhạc, sự kiện đặc biệt này giống như sự cộng hưởng độc đáo của những giá trị lâu bền. Đó là giá trị của một dàn nhạc với tuổi đời 100 năm tại một thủ đô ngàn năm văn hiến. Và những giá trị như vậy đã được chắp cánh bởi những thương hiệu vốn đã nhiều năm đồng hành với các hoạt động văn hóa, nhân văn như Vietnam Airlines.

alt text

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.