8h tối ngày 4/3/2017 một sân khấu lớn dựng lên tại phố đi bộ Hồ Gươm, trước tượng đài Lý Thái Tổ. Một thanh niên trẻ diện bộ áo đỏ nhẹ nhàng bước vào trung tâm, xung quanh là hơn 87 nhạc công trong những chiếc sơ mi đầy màu sắc. Chàng trai đó là Niklas Benjamin Hoffmann, nhạc trưởng 26 tuổi tài năng của dàn nhạc giao hưởng London, chỉ huy đêm diễn Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2017.
Khi MC kết thúc phần giới thiệu, giai điệu đầu tiên vang lên khiến hàng nghìn khán giả bất ngờ. Bản nhạc Tiến quân ca là lời chào trân trọng đầu tiên mà nhạc trưởng Niklas Benjamin Hoffmann cùng các nhạc công của London Symphony Orchestra gửi đến Việt Nam . Và để đáp lại, tất cả đứng lên làm lễ chào cờ.
Niklas Benjamin Hoffman cùng dàn nhạc đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc với những tác phẩm ghi đậm dấu ấn của London Symphony Orchestra gồm Bản Festive Overture nhà soạn nhạc người Nga Dmitri Shostakovic, tác phẩm Four Sea Interludes của Benjamin Britten (bản số 1,2,4), Bản giao hưởng số hai của nhạc sĩ Nga Sergei Rachmaninov.
Kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, buổi biểu diễn khép lại trong những tràng vỗ tay tưởng như không dứt. Anh Nguyễn Trung Hiếu (Lạc Long Quân, Q. Tây Hồ) cùng con trai nán lại thật lâu bên hàng rào bảo vệ với mong muốn được gặp và bắt tay Niklas Hoffmann.
“Cháu ấn tượng nhất với phần biểu diễn Quốc ca Việt Nam. Thứ Hai nào cũng chào cờ ở trường mà hôm đó, nghe quốc ca như có thêm lửa. Cháu từng xem nhiều buổi diễn trên phố của LuaLa, một số buổi diễn tại Nhà hát lớn và rất thích nhạc giao hưởng!”, Nguyễn Trung Nghĩa, 15 tuổi, con trai anh Hiếu kể lại.
Du nhập vào Việt Nam khá sớm, từ những năm 20, 30 của thế kỷ trước cùng với sự đổ bộ của văn hóa phương Tây, nhạc giao hưởng từng có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng yêu nhạc Việt.
Vào thời kỳ đỉnh cao những năm 1960, Việt Nam có dàn nhạc giao hưởng quốc gia với cả trăm nhạc công. Những tác phẩm kinh điển của thế giới như Vở nhạc kịch Epghenhi Onhegin, Giao hưởng số 6 của Beethoven hay các bản giao hưởng Việt Nam của các nhạc sĩ Hoàng Việt, Đỗ Nhuận đều đặn vang lên khắp các khán phòng, thu hút hàng trăm khán giả mỗi buổi biểu diễn.
Tuy vậy, loại hình âm nhạc đầy tính nghệ thuật này đi vào giai đoạn thoái trào từ những năm đất nước mở cửa, đón dồn dập nhiều loại hình giải trí, văn hóa khác từ nhạc Hàn Quốc, Rock, Pop…
Đến những năm gần đây, nhu cầu thưởng thức các loại hình âm nhạc mang tính nghệ thuật cao dần trỗi dậy. Giới chuyên môn nhận xét, khi nhu cầu ăn ở, giải trí dần được đủ đầy, công chúng sẽ dần chắt lọc và lựa chọn những giá trị cao để thưởng thức. Bên cạnh đó, nhạc giao hưởng được đón nhận trở lại nhờ nỗ lực của các cá nhân, tổ chức.
Năm 2011, các chương trình hòa nhạc cổ điển LUALA Concert tổ chức tại vỉa hè 61 Lý Thái Tổ mỗi chiều cuối tuần luôn thu hút đông khán giả đến thưởng thức với đầy đủ mọi lứa tuổi.
Nghệ sĩ violin Xuân Huy, chỉ huy dàn nhạc từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng: "Nếu cho rằng công chúng Việt Nam xa lạ với nhạc cổ điển, không thích nghe giao hưởng là không đúng. Thực ra không phải vì công chúng không thích nghe, mà vì chúng ta không có cho họ nghe". Ông cũng nhấn mạnh rằng, các buổi biểu diễn thường tổ chức tại những địa điểm sang trọng và người bình thường không dễ dàng có cơ hội thưởng thức. Vì vậy, những buổi biểu diễn ngoài trời là cầu nối phù hợp nhất giữa khán giả Việt và nhạc giao hưởng.
Sự ra đời của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời – Sun Symphony Orchestra (SSO) với giám đốc điều hành là MC Anh Tuấn vào năm 2017 cũng đánh dấu bước phát triển mới của giao hưởng Việt Nam. Cho thấy cơ hội phát triển mới của các nhạc công đồng thời mở ra triển vọng thu hút sự quan tâm của công chúng đối với nhạc giao hưởng tại Việt Nam. Ông Anh Tuấn cho biết “SSO sẽ là cơ hội để quy tụ các nghệ sĩ có niềm đam mê với âm nhạc cổ điển đưa những người con đất Việt đang làm ở những dàn nhạc nước ngoài quay về cống hiến cho âm nhạc nước nhà”.
Việc khán giả đứng chật kín quanh phố đi bộ hồ Gươm buổi tối ngày 4/3/2017 cũng là một minh chứng cho thấy tình yêu của người Việt với nhạc thính phòng chưa bao giờ cạn, thậm chí đang có xu hướng trẻ hóa.
Trong một buổi phỏng vấn, nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng chia sẻ: “Cách đây 10-15 năm, khán giả đi nghe nhạc cổ điển thường là tầng lớp trung niên và có tuổi. Nhưng nay, các chương trình giao hưởng bán vé rất nhiều cho những khán giả trẻ. Nhiều buổi biểu diễn chất lượng thậm chí cháy vé”.
London Symphony Orchestra là cái tên tương đối lạ với nhiều khán giả Việt, nhưng họ có thể không biết mình đã ít nhất một lần thưởng thức qua hàng loạt các tác phẩm điện ảnh như: Nottting Hill, bốn phần của bộ phim Harry Potter, The Danish Girl, và gần đây nhất là The Shape of Water.
Nhìn vào hành trình của London Symphony Orchestra, có thể dễ dàng nhận thấy tư tưởng tự do đề cao sáng tạo vẫn luôn được đề cao suốt hơn một thế kỷ. Vào năm 1904, những người đứng đầu dàn nhạc giao hưởng Queen's Hall Orchestra đưa ra điều luật yêu cầu tất cả mọi nhạc công của mình không được cộng tác với các dàn nhạc khác. Để phản đối luật định này, một nhóm nghệ sĩ trong số đó đã tách ra lập nên Dàn nhạc giao hưởng London (London Symphony Orchestra).
Ngay từ những ngày đầu tiên, London Symphony Orchestra đã sở hữu những đặc điểm riêng biệt. Đây là dàn nhạc đầu tiên của Anh thuộc quyền sở hữu bởi chính các nhạc công, và con đường này luôn được duy trì cho đến ngày hôm nay.
Dàn nhạc giao hưởng London bắt đầu lưu diễn vòng quanh nước Anh từ năm 1905 và chỉ một năm sau đó đã có thể biểu diễn trong một buổi hoà nhạc tổ chức tại thủ đô Paris, Pháp. Âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng London vẫn luôn cháy suốt hơn một thế kỷ, đi qua hai cuộc chiến tranh thế giới đầy khốc liệt.
London Symphony Orchestra luôn được biết đến là dàn nhạc có nhiều bản thu âm nhất thế giới, đồng thời cũng làm nên sự thay đổi mang tính bước ngoặt của âm nhạc trong lĩnh vực điện ảnh.
Vào tháng 3 năm 1935, các nhạc công của London Symphony Orchestra đã tập trung tại nhà hát Scala cũ tại London để thu âm nhạc nền của bộ phim Things to Come, mở ra một cuộc cách mạng của lịch sử sản xuất phim. Cho đến thời điểm đó, âm nhạc trong phim chủ yếu được thực hiện bởi các ban nhạc nhỏ, thể hiện bài hát chủ để và sản xuất các bản nhạc nền ngắn. Nhưng khi nhạc trưởng Arthur Bliss sản xuất bản nhạc giao hưởng dành riêng cho Things to Come, được thể hiện bởi London Symphony Orchestra, lĩnh vực sản xuất âm nhạc điện ảnh của thế giới đã thay đổi mãi mãi.
Lần đầu tiên, âm nhạc cho điện ảnh, trước đây vốn bị coi là một loại hình nghệ thuật cấp thấp đã thu hút sự chú ý của giới học giả đam mê nhạc cổ điển, các nhà phê bình âm nhạc, và công chúng yêu điện ảnh. Đồng thời với đó, London Symphony Orchestra cũng bắt đầu hành trình đầy tự hào với tư cách là dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới sản xuất nhạc cho ngành công nghiệp điện ảnh.
Một trong những dấu mốc chói lọi nhất của London Symphony Orchestra là bản giao hưởng huyền thoại sản xuất bởi John Williams dành cho phim Star Wars vào năm 1977. Sự thành công của Star Wars mang đến cho London Symphony Orchestra danh tiếng và lượng lớn người hâm mộ.
Mỗi năm London Symphony Orchestra chỉ biểu diễn khoảng 120 buổi và luôn nằm trong top 5 dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới.
Sau lần chạm đầu tiên đến trái tim những người yêu nhạc Việt năm 2017, London Symphony Orchestra sắp sửa một lần nữa ra mắt khán giả Việt Nam trong đêm nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert. Chương trình sẽ diễn ra từ 19h đến 21h ngày 6/10 tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng tài năng Elim Chan.
Toàn bộ buổi hoà nhạc sẽ được trình chiếu qua các màn hình đặt tại tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phía đường Đinh Tiên Hoàng và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục…
Từ sự chào đón nhiệt thành từ khán giả Việt Nam hơn một năm trước, trong chuyến lưu diễn lần này, dàn nhạc đã chọn những chương trình không có vướng mắc về bản quyền để buổi hoà nhạc có thể phát livestream trên các trang mạng. Điều này không những giúp mang âm nhạc của London Symphony Orchestra đến với đông đảo khán giả Việt Nam mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội ra thế giới.
Chương trình hoà nhạc năm nay sẽ kéo dài 105 phút, với sự tham gia của 95 nhạc công, nhiều hơn so với năm ngoái. Elim Chan là nữ nhạc trưởng đầu tiên chiến thắng trong cuộc thi Donatella Flick LSO Conducting Competition – cuộc thi thường niên dành cho các nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng London (LSO).
Lời chào Việt Nam thứ hai được London Symphony Orchestra chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhạc sĩ Quốc Trung, cho biết: “Họ mang sang Việt Nam 5 tấn nhạc cụ. Có những chiếc 300 – 400 tuổi, hoặc cây đàn hơn 500 tuổi. Tiền bảo hiểm lên tới 5 triệu bảng Anh”.
Như lần trước, buổi biểu diễn năm nay sẽ tiếp tục là một trải nghiệm đặc biệt với cả những nhạc công và cả khán giả vì diễn ra ở ngoài trời. Nhạc sĩ Quốc Trung giải thích, đây là cách dễ dàng nhất để thể loại này đến với công chúng.
“Không dễ gì đưa được dàn nhạc hàng đầu thế giới đến Việt Nam nên nếu biểu diễn trong thính phòng sẽ quá lãng phí. Thứ âm nhạc đẹp đẽ nên được trình diễn ngoài trời cho đông đảo người dân thưởng thức”, Quốc Trung nói.