Buồn, vui đón Tết cùng ‘con chim sắt’

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

————————————

Sân bay Nội Bài nhá nhem tối. Những cơn gió buốt lạnh, mưa không ngớt, tiếng động cơ máy bay cất, hạ cánh vang rền khiến không gian âm u trở nên xáo động. Dù nắng mưa hay bão bùng, những chú “ong thợ” bảo dưỡng, sửa chữa máy bay vẫn miệt mài, cần mẫn góp phần cho chuyến bay an toàn.

Không ai biết đến họ, ngoài những “con chim sắt’ và đường băng đầy gió bụi xen lẫn mùi xăng dầu…. Tết và Giao thừa vẫn là những chiếc đèn báo nháy hay tiếng ồn của động cơ máy bay.

alt text

6 giờ 40 phút sáng. Ở khu vực sân đỗ ngoài đường băng Nội Bài, một chiếc máy bay Airbus A350 từ từ lăn vào khu vực sân đỗ. Nhóm kỹ sư gồm 3 người do Khuất Quang Huy làm trưởng nhóm đã chờ sẵn. Máy bay vừa dừng, họ di chuyển lên phần đầu mũi của “con chim sắt” rồi đi một vòng quanh theo chiều từ trái qua phải kiểm tra toàn bộ phần mũi và thân phía trước, 2 cánh, động cơ, phanh, lốp, càng (phần ngoại trường)…

Chiếc máy bay Airbus A350 do đội của Huy bảo dưỡng sẽ cất cánh đi Nhật Bản lúc 8 giờ 35 phút và các anh chỉ có tối đa 90 phút để kiểm tra, sửa chữa lần cuối cùng.

“Sau mỗi một chuyến bay, nhà sản xuất cho phép quy trình kiểm tra chỉ trong 60-90 phút để bảo dưỡng, sửa chữa hỏng hóc, nếu có. Chỉ một vết móp bằng đầu ngón tay cũng phải phát hiện dù theo nguyên tắc, máy bay vẫn bay bình thường,” anh Huy nói.

alt text
Những kỹ sư bảo dưỡng, sửa chữa máy bay vẫn miệt mài, cần mẫn góp phần cho chuyến bay an toàn.

Thừa nhận về thời gian giữa hai chuyến bay để đưa máy bay vào khai thác đúng giờ chính là áp lực lớn nhất đối với kỹ sư bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, theo anh Huy, nhiều lúc các bộ phận khác chỉ chờ quyết định của bộ phận bảo dưỡng là máy bay an toàn mới tiếp tục đưa hàng, nạp dầu, đưa suất ăn lên… Mọi hỏng hóc phải được khắc phục để kịp giờ bay. Nhân viên ngoại trường phải xử lý tình huống nhanh nhưng phải chuẩn xác, tuyệt đối an toàn.

Sau chuyến bay này, kỹ sư Huy và các đồng nghiệp sẽ chuẩn bị cho một chuyên cơ cất cánh lúc 12 giờ từ Hà Nội vào Sài Gòn.

alt text

Nhớ về những lần đau đầu bắt bệnh cho… máy bay, đôi mắt đăm chiêu xen lẫn sự tự hào, Huy kể, nhiều lần máy bay đã lăn bánh, chuẩn bị cất cánh thì phát sinh hỏng hóc như đợt làm bảo dưỡng cho một chiếc Airbus A330 gần đây, máy bay đã đóng cửa nhưng khi khởi động động cơ thì gặp lỗi van dầu. Không còn cách nào khác, tổ bay bắt buộc phải mời hành khách xuống, đậu ngay ngoài sân đỗ để đội của Huy khắc phục hỏng hóc.

Hay như dòng máy bay đời mới, công nghệ hiện đại như Boeing 787 bị hỏng hệ thống điện tử. Máy bay phải ở lại sân đỗ, đổi máy bay khác để đảm bảo chuyến bay. Đó cũng là lần đầu tiên trên thế giới trong quá trình khai thác A350-900 gặp phải tình huống này.

“Nhóm kỹ sư gửi thư sang nhà máy bên Pháp xin phương pháp của họ rồi mình kết hợp với chuyên gia bên này làm. Nhưng chuyên gia nước ngoài chỉ đưa ra đề xuất, hướng làm, còn lại anh em người Việt trực tiếp tự làm hết. Anh em kỹ sư sửa 3 ngày, thay thế rất nhiều bộ phận. Và cuối cùng mình cũng làm được. Sửa xong, anh em thấy tự hào lắm,” kỹ sư Huy hào hứng chia sẻ.

alt text

Anh Trần Tuấn Quang, kỹ sư kiêm phụ trách đội bảo dưỡng nội thất ngoại trường Hà Nội có 11 năm gắn bó với công việc “soi” những hư hỏng như cabin, bếp, hệ thống ghế, tủ lạnh, máy nước nóng, hệ thống thiết bị trong toilet và hệ thống giải trí của máy bay…

Theo Quang, ngày thường, sân bay Nội Bài có khoảng 400 chuyến cất hạ cánh. Con số này trong những dịp Lễ, Tết lên đến hơn 600 chuyến. Bình thường, một ca của đội bảo dưỡng nội thất phục vụ khoảng 50 chuyến bay. Trong những ngày cao điểm, con số này là 70-80 chuyến.

“Thời gian nghỉ giữa hai chuyến khoảng 30-60 phút nhưng trong những ngày cao điểm, khoảng thời gian nghỉ giữa hai chuyến không có. Máy bay cất hạ cánh liên tục. Anh em hỗ trợ, làm giúp nhau. Ai xong việc của mình thì qua phụ máy bay bên cạnh ngay. Mỗi lần vượt qua thử thách, thấy mình trưởng thành hơn,” anh Quang cho biết.

 

alt text
Đội ngũ kỹ sư của Công ty Kỹ thuật máy bay đã làm chủ được công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay.

alt text

Ngoài áp lực thời gian, những kỹ sư bảo dưỡng còn phải căng mình làm việc trong môi trường tiềm ẩn chứa nhiều độc hại, bất lợi cho sức khỏe.

“Nhiều lần đang bảo dưỡng, đang nổ máy thì tự nhiên một cơn mưa rất to ào đến, anh em ướt sũng. Mà ngay sau đó trời lại nắng to. Cứ nắng mưa vậy nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Nhưng đôi lúc mình lại nghĩ vậy mà hay. Nhiều lúc nhìn máy bay cất cánh trong mưa rất lãng mạn. Mưa rơi trên cánh bay như phủ bụi xuống, nhìn rất đẹp. Hoặc như khi một máy bay bị hỏng, sửa xong, nhìn thấy thành quả của mình chạy trên đường băng, tự hào lắm,” anh Huy chậm rãi nói.

Mùa Hè, bề mặt đường băng sân đỗ như muốn bị nung chảy. Da mặt bỏng rát không chịu được, anh em kỹ sư phải đeo khẩu trang, bôi kem chống nắng, dùng mũ có quai. Mùa Đông, các kỹ sư ngoại trường phải chống chịu với cái lạnh cắt da, cắt thịt. Vất vả nhất là lúc 6 giờ sáng phải ra sân đỗ và 2-3 giờ sáng vẫn ở ngoài đó. Rét buốt ngấm vào tận xương tủy.

“Hàng ngày, có rất nhiều máy bay vào bảo dưỡng nên độ ồn rất lớn. Nhiều lần vừa từ máy bay đi vào, ngồi cạnh nhau ai nói nhỏ không nghe được. Một lúc sau thì lại đỡ. Giống như điếc tạm thời. Môi trường làm việc như thế nên anh em kỹ sư bị mắc những bệnh như tai kém đi, viêm họng, xoang,” anh Huy tâm sự.

alt text

Máy bay được đưa vào Hangar sửa chữa của Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO)- một thành viên của Vietnam Airlines.

Thừa nhận 7 năm từ khi vào đội làm việc đến giờ chưa đi chơi Tết, Lễ lần nào, anh Huy bảo, do đặc thù công việc nên lịch làm việc của vợ chồng bị lệch ca nhau. Nhiều đêm mùa Đông đứng một mình ngoài sân đỗ, trời lạnh 11-12 độ C, không có chỗ trú, thấy gia đình có con nhỏ đi chơi, cũng chạnh lòng lắm. Mọi người đi chơi đông, vui, mình phải trực. Có lúc trào nước mắt.

Đã có 3 năm liền, kỹ sư Khuất Quang Huy đón Giao thừa ở … sân đỗ máy bay. Huy vẫn không quên được cái Tết đầu tiên đó Giao thừa ở ngay sân đỗ máy bay.

Năm 2014 cưới vợ thì Tết 2015 cũng không thể về, anh chỉ biết gọi điện thoại an ủi vợ. Có lần đang phục vụ chuyến bay đi Nhật Bản lúc 0 giờ 40 phút, nhìn qua phía bên kia đường băng là trung tâm huyện Sóc Sơn thấy pháo hoa sáng cả một góc trời, mới biết là đã Giao thừa rồi.

“Mình bắt tay anh em xung quanh rồi chạy lên bắt tay mọi người trong tổ lái chúc mừng năm mới. Tết vẫn vậy, phải có người làm việc để nối những nhịp bờ vui,” anh Huy nói.

alt text

Cùng tâm trạng với anh Huy, anh Quang chia sẻ: “Lúc mới cưới vợ, mình rất áy náy khi đêm Giao thừa, ngày Lễ không thể ở nhà, cứ lủi thủi vì vắng chồng. Rất may là vợ mình thông cảm và chia sẻ nên mình quen dần. Giờ thì thấy… bình thường,” Quang cười.

Anh kể nếu phải trực chiều tối 30 Tết, đêm Giao thừa, anh lại tìm cho mình niềm vui nho nhỏ là ra sân nhìn cảnh hành khách náo nức, vội vàng lên máy bay.

Trong lòng cứ lâng lâng, vui vì đóng góp của mình nên khách có chuyến bay về đoàn tụ, sum họp với gia đình trước Giao thừa.

Những niềm vui nho nhỏ, bình dị ấy cứ đi theo những kỹ sư bảo dưỡng, sửa chữa máy bay trong suốt những ngày Lễ, Tết.

Không phải là tâm điểm của sự chú ý như phi công hay tiếp viên hàng không, họ, 800 kỹ sư hàng không có chứng chỉ, được phê chuẩn từ hơn 20 nhà chức trách và các hãng hàng không của Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO)- một thành viên của Vietnam Airlines đứng lùi phía sau, âm thầm làm công việc đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến bay cất hạ cánh.

alt text
 Ngoài áp lực thời gian, những kỹ sư bảo dưỡng còn phải căng mình làm việc trong môi trường tiềm ẩn chứa nhiều độc hại, bất lợi cho sức khỏe.

Theo Vietnamplus

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.