Năm 2020 – 2022, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên các chuyến bay thương mại thường lệ của các hãng hàng không bị cắt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo TCT, Ban TTHH và Ban Giám đốc Chi nhánh Việt Nam, đã nhanh chóng, quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp để Vietnam Airlines có thể đứng vững và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Một trong những giải pháp được đưa ra trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa là nhanh chóng triển khai các chuyến bay chuyên chở hàng hóa (charter hàng hóa), chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hóa trên cả khoang hàng lẫn khoang hành khách để đạt được hiệu quả tối đa, góp phần bù đắp một phần chi phí, tránh máy bay bị “nằm sân” quá lâu. Việc triển khai từ rất sớm các chuyến bay chở hàng thể hiện rõ sự chỉ đạo sáng suốt của Lãnh đạo TCT, BGĐ CNVN cùng với sự chủ động, sáng tạo của tập thể Vietnam Airlines Chi nhánh Việt Nam (CNVN) nói riêng.
Dựa trên bộ tiêu chí của Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines đã nghiên cứu, đánh giá trên mọi phương diện cả về mặt kỹ thuật, cấu hình máy bay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, cũng như các phương thức phục vụ để phát triển một phương án tháo ghế cụ thể riêng, đảm bảo an toàn, khả thi và đáp ứng các quy định tiêu chuẩn.
Đối diện với rất nhiều khó khăn, các đơn vị kỹ thuật, an toàn bay của Vietnam Airlines đã khẩn trương xây dựng phương án chất xếp, chằng giữ hàng hóa trên khoang hành khách và tính toán đảm bảo khai thác an toàn. Các phương án kỹ thuật, phương án chất xếp, chằng néo hàng hóa trên khoang khách của VNA đã được Cục HKVN đánh giá cao và làm cơ sở để đưa vào “Bộ hướng dẫn các yêu cầu về kỹ thuật và khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang khách tháo ghế” của Cục Hàng không Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines gặp rất nhiều khó khăn bất cập khi vận chuyển hàng trên khoang cabin không tháo ghế như hạn chế kích thước, kén chủng loại hàng, không tận dụng được nhiều không gian chất hàng nên sản lượng không cao, nguy cơ hỏng hóc thiết bị nội thất, ví dụ màn hình giải trí ở ghế khách do chất hàng ở chân ghế, gầm ghế và mặt ghế ngồi để tận dụng vị trí và chất nhiều tải hơn.
Đứng trước hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn”, lãnh đạo Vietnam Airlines đã mạnh dạn phê duyệt đề xuất tháo ghế, một phát kiến chưa có tiền lệ, đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đi đầu tại thị trường Việt Nam trong việc cải biến khoang hành khách để tăng cường vận tải hàng hóa từ giữa tháng 4/2020 sau nhiều lần kiểm tra, kiểm chứng, các chuyến bay chở hàng trên khoang khách đã tháo ghế với các loại máy bay A321, A350, B787.
Trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2022, CNVN đã thực hiện được hơn 5.400 chuyến bay charter chở hàng hóa, mang lại doanh thu hơn 338 triệu USD Các chuyến bay chở hàng được khai thác bằng các tàu bay thân rộng Boeing 787-9, Airbus A350, với sản lượng bình quân đạt 20-25 tấn/chuyến, các tàu bay thân hẹp Airbus A321 với sản lượng bình quân từ 7 đến 9 tấn/chuyến.
Đây là những chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của Vietnam Airlines. Tổ lái được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cần thiết. Toàn bộ hầm hàng và khoang hành khách được khử trùng ngay sau khi khai thác.
Thành công của các chuyến bay charter hàng hóa này là niềm tự hào của cả hệ thống bán hàng hóa, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong nỗ lực đóng góp doanh thu, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT trong giai đoạn Covid-19 đầy khó khăn.
Khẳng định vai trò Hãng hàng không Quốc gia chung tay cùng Chính phủ, ngành y tế trong đại dịch Covid-19, các chuyến bay chở hàng của Vietnam Airlines còn vận chuyển miễn cước hàng phục vụ chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 gồm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang thiết bị, vật tư y tế, …
Với mục tiêu duy trì vai trò mạch máu của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới, Vietnam Airlines đã tăng cường khai thác các chuyến bay chở hàng hóa trong nước và quốc tế. Việc đẩy mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng hóa của Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không nói chung góp phần đảm bảo thông thương, hạn chế tình trạng tàu bay “nằm sân”, tối ưu hóa nguồn lực và đóng góp một phần doanh thu cho hoạt động SXKD của TCT trong giai đoạn rất khó khăn này.