Hành trình Về nguồn của Chi bộ Trung tâm kiểm soát tải và ULD-SUCC (Ban TTHH)

Như thông lệ hàng năm, để bồi dưỡng công tác tư tưởng chính trị, đạo đức cho các đảng viên năm 2024, Chi bộ Trung tâm kiểm soát tải và ULD – SUCC (Ban Tiếp thị Hàng hóa) đã tổ chức chuyến “Hành trình về nguồn” đến vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc từ ngày 30/3/2024 đến ngày 01/4/2024 tại Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cách nay hơn một thế kỷ thực dân Pháp đã biến Côn Đảo thành một nhà tù lớn nhất xứ Đông Dương. Chính nơi đây đã ghi dấu tội ác dã man của thực dân đế quốc đối với dân tộc ta. Nói về Côn Đảo, người đời phải cảm thán rằng:

 “Nước Côn Lôn được pha bằng máu

 Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người

 Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời

 Mỗi tảng đá là một trời đau khổ!”

Đoàn tham quan tại Bảo tàng Côn Đảo. (Ảnh: Ban TTHH)

Hàng chục vạn lớp người yêu nước Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước đã bị lưu đày ở đây vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Côn Đảo là quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 74 km², địa hình chủ yếu là đồi núi. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862, kể từ đó, Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm. Côn Đảo dưới con mắt thực dân quả đúng là một nơi lý tưởng, đáp ứng tốt những yêu cầu đối với một nhà tù bởi Côn Đảo bốn bề là biển, cách xa đất liền, không có phương tiện người tù khó bề trốn thoát, người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người tù. Ở nơi hải đảo này, những người tù cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội và quần chúng nhân dân, với đoàn thể, với các phong trào yêu nước.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Bảo tàng Côn Đảo. Tại đây, cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo thuyết minh cho chúng tôi nghe tổng quan về giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Nhà tù Côn Đảo, Di tích Quốc gia Đặc biệt (được công nhận ngày 10/5/2012).

Những hình ảnh, tư liệu và hiện vật trưng bày tại đây khiến chúng tôi rùng mình trước chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, qua đó càng cảm phục khí phách, ý chí và niềm lạc quan của người tù yêu nước.

Tiếp đó, chúng tôi di chuyển đến di tích Nhà tù Côn Đảo, các đảng viên đều rất xúc động khi chứng kiến những di tích “ địa ngục trần gian” như Cầu tàu 914, trại tù Phú Hải, , Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ,Trại Phú Tường, Trại Phú Bình, khu chuồng cọp kiểu Mỹ, chuồng cọp kiểu Pháp, khu biệt lập chuồng bò…là minh chứng cho tội ác của thực dân – đế quốc. Hình ảnh những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim.., với những đòn tra tấn dã man từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ.. như rải vôi bột, dội nước, khi vôi gặp nước sẽ sôi lên làm bỏng, lở loét thân thể người tù, ngâm mình người tù dưới hầm phân bò…Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Hơn hai vạn người đã vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất thiêng liêng này.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Trại Phú Sơn thuộc khu di tích nhà tù Côn Đảo. (Ảnh: Ban TTHH)

Côn Đảo được đặt dưới sự cai trị của các “chúa đảo”, dù là thời Pháp hay thời ngụy quyền thì các “chúa đảo” và các quan chức dưới quyền đều dùng các chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ.

Càng rùng mình, phẫn nộ trước tội ác của đế quốc thực dân và ngụy quyền, chúng tôi càng khâm phục ý chí của các chiến sỹ yêu nước, xúc động trước sự chịu đựng, hy sinh của các thế hệ cha ông với những tên tuổi gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam như: cụ Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh và chị Võ Thị Sáu… và trên 20.000 người đã ngã xuống, nằm lại vùng đất thiêng Côn Đảo nhằm bảo vệ lý tưởng cách mạng. Mỗi người đều là những tấm gương hy sinh cao cả, ý chí bất khuất trước kẻ thù. Ngay cả trong cảnh đọa đày trong ngục tối, những người chiến sĩ ấy vẫn không chịu khuất phục, vẫn đấu tranh, chấp nhận gian khổ, hi sinh để bảo vệ đồng đội, đồng chí của mình.

Tinh thần sống vì Đảng, chết cũng không rời Đảng thể hiện qua hình ảnh tượng đài trao áo, còn gọi là tượng đài thủy chung:

“Chết còn trút áo trao nhau

Miếng cơm còn để người sau ấm lòng”

Tại tượng đài nghĩa trang Hàng Dương, Chi bộ SUCC đã dâng hương tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ, đồng bào yêu nước đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo trong những năm tháng kháng chiến; thắp hương tại mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu; thắp hương tại các mộ tập thể và các mộ của các liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Đoàn viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương. (Ảnh: Ban TTHH)

Ngày nay, Côn Đảo với những địa danh, tên người ghi dấu sự oanh liệt, hào hùng của đất nước đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước không chỉ cho thế hệ trẻ mà tất cả người dân Việt Nam.

Chúng ta càng thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước, những con người đã làm lên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến.

Khép lại Chuyến hành trình về nguồn, các thành viên trong Chi bộ SUCC đều bày tỏ những cảm xúc khó quên về một chuyến đi thật sự ý nghĩa, giúp cho các thành viên trong Đoàn hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, về ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ yêu nước và những bài học về niềm tin, sự cống hiến của các thế hệ cha ông đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để những thế hệ mai sau được sống trong bầu trời tự do hòa bình ngày nay. Chúng tôi càng vững vàng tinh thần đoàn kết, phấn đấu cố gắng hơn nữa hoàn thành các nhiệm vụ mà Chính quyền, Đảng bộ Ban Tiếp thị Hàng hóa đã giao phó, góp phần xây dựng sự phát triển vững bền của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Bình luận 1

  1. Nguyễn Hải Hà nói:

    Một bài viết rất hay và ý nghĩa về Côn Đảo, cảm ơn tác giả!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.