Chi bộ Tạp chí Heritage về nguồn ôn lại truyền thống cách mạng

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và ngày Quốc tế lao động 1/5, trong các ngày từ 04-06/4/2024, Chi bộ Tạp chí Heritage đã tổ chức chuyến đi về nguồn tại Đà Lạt – Thủ phủ của Lâm Đồng, tỉnh miền núi nằm ở cực nam của vùng Tây Nguyên – để thăm các di tích lịch sử và ôn lại truyền thống cách mạng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những địa danh mà đoàn đã đi qua không chỉ mang trong mình vẻ đẹp lãng mạn của “Thành phố ngàn hoa” mà còn lưu giữ những dấu tích lịch sử hào hùng. Quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt cũng là quá trình hình thành truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Lạt với những nét đặc trưng riêng. Kể từ khi thực dân Pháp tiến hành mở mang xây dựng Đà Lạt thành đô thị nghỉ mát cũng là lúc phong trào đấu tranh chống bất công, áp bức, bóc lột của giai cấp công nhân trong các các hầm mỏ, đồn điền, các công trình xây dựng nhà ga đường sắt, đường sá, nhà cửa tại Đà Lạt đã không ngừng vùng lên mạnh mẽ với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường.

Chi bộ Tạp chí Heritage tổ chức hoạt động về nguồn tại Đà Lạt năm 2024. (Ảnh: HRT)

Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng viết về đoàn người đi phu ở Đà Lạt: “Trên đường đi lên cao nguyên Lang Biang, đi lên rừng xanh, núi đỏ, nơi mà thần chết đang chờ, từng người dân đi tạp dịch hoặc đi phu trưng tập, lương thực thiếu thốn, có ngày không có một hột cơm vào bụng, họ đã bỏ trốn từng đoàn hoặc nổi đậy chống lại, và mỗi khi như thế là bị bọn lính áp giải, đàn áp ghê rợn, xác họ rải khắp dọc đường“.

Chi bộ Tạp chí Heritage thăm Bảo tàng Lâm Đồng. (Ảnh: HRT)

Với hoàn cảnh khốn khó và điều kiện sống khắc nghiệt, muốn tồn tại, những con người “tứ cố vô thân” từ bốn phương quy tụ về đây phải cùng nhau đùm bọc, gắn bó sống chết để tạo nên một sức mạnh đoàn kết đấu tranh quyết liệt chống lại sự áp bức bóc lột, giành quyền sống vốn có của con người. Đó chính là môi trường tốt để những hạt giống cách mạng nẩy mầm phát triển từ đây.

Không phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt là một trong những nơi sớm có tổ chức Đảng nhất trong cả nước. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đà Lạt được thành lập rất sớm, vào tháng 4/1930. Chi bộ đã tổ chức các Công hội Đỏ trong công nhân, thành lập các tổ chức quần chúng như Hội phụ nữ, Hội ái hữu, Hội tương tế… Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, chi bộ đã lãnh đạo các tổ chức quần chúng tham gia các hoạt động nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân. Tối 30/4/1930, cờ đỏ búa liềm được treo ở chợ Đà Lạt và Cầu Đất, truyền đơn xuất hiện trên các đường phố, dọc đường 11 và khu vực đồn điền chè Cầu Đất. Lần đầu tiên nhìn thấy cờ đỏ búa liềm và truyền đơn của Đảng Cộng sản, nhân dân Đà Lạt rất tin tưởng và có cảm tình vì biết rằng Đảng lãnh đạo toàn dân đánh đổ đế quốc phong kiến, xóa bỏ áp bức bóc lột. Phong trào cách mạng từ đó ngày càng lan rộng với khí thế sục sôi diễn ra ở nhiều nơi như tại công trường làm đường hầm xe lửa Cầu Đất, tại các đồn điền, hầm mỏ… với quy mô ngày càng lớn mạnh.

Đà Lạt là một trong những nơi sớm có tổ chức Đảng và khởi nghĩa giành chính quyền nhất trong cả nước. (Ảnh: HRT)

Đà Lạt cũng là một trong số các địa phương sớm thành lập Ủy ban khởi nghĩa, phát động toàn dân đấu tranh giành chính quyền vào ngày 23/8/1945, góp phần cùng cả nước tổng khởi nghĩa thắng lợi, đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Lạt với đa số là những người lao động đến từ những quê hương cách mạng, những người tù khổ sai, những người tham gia cách mạng bị địch khủng bố đã trở thành căn cứ vững chắc để ươm trồng hạt giống cách mạng và tạo nên sức mạnh tổng hợp cả thế và lực trong suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại này, nhiều cán bộ đảng viên và chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh. Đó là những tấm gương tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của nhân dân Đà Lạt.

Đảng viên Chi bộ Tạp chí Heritage tìm hiểu truyền thống cách mạng tại Bảo tàng Lâm Đồng. (Ảnh: HRT)

Tại những địa danh mà đoàn chi bộ Tạp chí Heritage ghé thăm trong chuyến đi về nguồn lần này, tất cả cán bộ, đảng viên của đoàn không khỏi xúc động, bồi hồi và cả sự cảm phục khi có dịp được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng của Đà Lạt. Đặc biệt, tại Bảo tàng Lâm Đồng ở ở số 4 đường Hùng Vương, thành phố Đà Lạt, đoàn đã được tận mắt thấy các hiện vật đầy ý nghĩa. Nơi đây hiện đang trưng bày, lưu giữ hơn 15.000 hiện vật có giá trị truyền thống và lịch sử của địa phương, đặc biệt là những sản phẩm lịch sử cách mạng của vùng đất này với các khu trưng bày chính như: Nhân dân Lâm Đồng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; Những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa (dân tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru); Những phát hiện về khảo cổ học ở Lâm Đồng; Thiên nhiên Lâm Đồng; Đà Lạt xưa và nay…

Bảo tàng Lâm Đồng không chỉ là “trường học về lịch sử truyền thống” sống động mà còn là một trong những điểm điểm đến ý nghĩa và đáng nhớ trong chuyến đi về nguồn của Chi bộ Tạp chí Heritage lần này.

Thai Quang Minh-Heritage
Share bài viết:

Bình luận 1

  1. Khách nói:

    Chúc chi bộ HRT ngày càng lớn mạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.