Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa thế giới, người làm rạng rỡ dân tộc, nhân dân và non sông đất nước ta, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Tuy đã đi xa, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước và nhân dân Việt Nam, hiển hiện trong những di sản vô giá Người để lại cho chúng ta Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và Những giá trị cao đẹp về đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Với ý nghĩa đó, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/20201), VIAGS Nội Bài đã lựa chọn đề tài “Học tập và làm theo Bác về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bác là một trong những nhà tư tưởng, những lãnh tụ cách mạng đã bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức. Người vừa là một nhà đạo đức học lớn, vừa là tấm gương đạo đức trong sáng nhất, tiêu biểu nhất đã được thế giới thừa nhận. Tư tưởng đạo đức của Người không phải chỉ thông qua những tác phẩm của Người về đạo đức, mà quan trọng hơn phải thông qua chính hành vi được thể hiện trong toàn bộ hoạt động thực tiễn của Người, thông qua mẫu mực đạo đức trong sáng mà Người đã để lại cho Đảng, cho dân tộc, cho nhân loại.
Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, động cơ và hiệu quả, giữa lý luận và thực tiễn đã trở thành một đặc trưng nổi bật của Hồ Chí Minh, đặc trưng này đã làm cho Hồ Chí Minh phân biệt với rất nhiều nhà tư tưởng, nhiều lãnh tụ cách mạng khác từ trước đến nay.
Bác coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Như Người vẫn thường nói, đối với con người, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa; người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Chăm lo cái gốc, cái nguồn, cái nền tảng ấy phải là công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi người trong xã hội ta.
Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo đức được nêu ra là phù hợp với từng đối tượng, hơn nữa Người nhấn mạnh phẩm chất này hay phẩm chất khác là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ nhất định. Từ đó, Người đã khái quát thành những phẩm chất chung, cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới. Nói cách khác, đó là những chuẩn mực chung nhất của nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng Việt Nam.
Về những phẩm chất đạo đức của người Việt Nam, quan điểm đạo đức của Hồ Chí Minh đã bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội gồm Một là, với đất nước, dân tộc phải: “Trung với nước, hiếu với dân”. Hai là, với mọi người phải: “Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình”. Ba là, với mình phải thực sự: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Bốn là, mở rộng quan hệ yêu thương con người đối với toàn nhân loại, người cách mạng phải có “Tinh thần quốc tế trong sáng”. Đó là bốn phẩm chất chung cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới.
Tuy nhiên, bài viết này muốn đi sâu phân tích đạo đức “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” – phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập phẩm chất này nhiều nhất, thường xuyên nhất, từ Đường Kách mệnh cho đến bản Di chúc cuối cùng.
Đối với mọi người, phẩm chất này có hay không, có nhiều hay ít đều được thể hiện qua hoạt động thực tiễn, trong đời công cũng như đời tư, trong sinh hoạt cũng như trong công việc người đó làm, những cương vị người đó đảm nhiệm. Trong cuộc sống, nếu sự dối trá vẫn còn tìm được nhiều chỗ ẩn náu, thì những thói lười biếng, xa phí, bất liêm, bất chính, hủ bại, sa đọa, thu vén lợi ích riêng tư, làm hại lợi ích chung… thì khó che giấu được con mắt của những người bình thường.
Đặc biệt, việc Hồ Chí Minh giải thích “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” bằng thực tiễn, bằng tấm gương rèn luyện đạo đức cần mẫn hằng ngày của Người, đã củng cố thêm giá trị những phẩm chất này, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.
Cần tức là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại. không dựa dẫm. Phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”.
Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to: “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” 6 , không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén lu bù.
Liêm tức là “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”; “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”. Phải “trong sạch, không tham lam”7. “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình.
Chính nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn.
Đối với mình – không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều này, sửa đổi điều dở của bản thân mình.
Đối với người dưới – không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà; không dối trá, lừa lọc.
Đối với việc – để công việc lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm: việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước, cho dân.
Chí công vô tư là mình vì mọi người; Chí công là rất mực công bằng, công tâm; Vô tư là không được có lòng riêng tư đối với người, với việc; luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu; khi khó khăn thì đi trước, hưởng thụ sau; không tham tiền tài, địa vị, danh vọng, chỉ có một mục đích cao nhất là làm sao để cuộc sống của nhân dân no đủ, hạnh phúc, đất nước phồn vinh.
Cần, kiệm, tiêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư; ngược lại đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng, thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính, và có được nhiều tính tốt khác. “Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm.
Những năm qua, Đảng ủy VIAGS đã thường xuyên tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, vai trò nêu gương của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, trình độ, ý thức tổ chức kỷ luật tốt.
Để nâng cao đạo đức, phẩm chất của người cán bộ nhân viên VIAGS, những tấm gương người tốt việc tốt luôn được được các cấp lãnh đạo quan tâm, biểu dương, khen thưởng kịp thời. Những việc làm tốt của nhân viên công ty sẽ là nguồn động viên to lớn để tập thể cán bộ, công nhân viên VIAGS nói riêng, ngành hàng không nói chung tiếp tục hăng say lao động, sản xuất và thực hiện thêm nhiều hành động đẹp, nhân văn. Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp sẽ làm xã hội thêm đẹp và ý nghĩa.
Nhặt được của rơi đem trả lại cho người đánh mất là một nét đẹp văn hóa, đạo đức trong cuộc sống. Trong những năm qua, VIAGS đã có nhiều tấm gương sáng trong việc nhặt được của rơi, trả người đánh mất, mà mới đây nhất là tấm gương của chị Phạm Thị Hà nhân viên Đội Cung ứng dịch vụ trên tàu – Trung tâm phục vụ sân đỗ VIAGS Nội Bài.
Những tấm gương “Người tốt việc tốt” luôn là niềm tự hào của VIAGS về sự chính trực, trung thực của tập thể cán bộ nhân viên. Có thể nói, dù cho trải qua giai đoạn khó khăn nào thì tinh thần trách nhiệm, chính trực của toàn thể nhân viên VIAGS vẫn không thay đổi mà ngày càng lan tỏa và tỏa sáng, ngày càng khẳng định hình ảnh và thương hiệu của Công ty, Chi nhánh trong mắt khách hàng và đối tác khi nhắc đến VIAGS.
TTNB VIAGS