Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do. Tuy nhiên, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, thành quả đó mới chỉ là những cơ sở nền móng đầu tiên; để độc lập, tự do thực sự vững bền, Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực vươn lên, xây dựng đất nước thành một quốc gia giàu mạnh, có nền kinh tế tri thức phát triển cao; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Với chuyên môn về Thương mại điện tử và chuyển đổi số, tiếp cận với những kiến thức rất mới, rất hiện đại, nhưng kim chỉ nam của chúng tôi lại chính từ những lời Bác dạy. Những lời dạy của Người không chỉ đúng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn đúng với cả sự nghiệp chuyển đổi số của doanh nghiệp. Và chúng tôi – Ban Tiếp thị chuyển đổi số vẫn tâm niệm hàng ngày.
Về cách làm: “Xác định khâu đột phá”
Điểm độc đáo trong sự lựa chọn cách tiến hành công nghiệp hoá của chủ tịch Hồ Chí Minh là xuất phát từ một nước nông nghiệp lạc hậu, với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt và tầm nhìn xa, trông rộng, Người đã đi đến một quyết định rất đúng đắn: cơ sở và tiền đề công nghiệp hoá là nông nghiệp, phải lấy nông nghiệp là khâu đột phá, công nghiệp hoá trên nền tảng nông nghiệp phát triển toàn diện, vững chắc.
Theo đó, lãnh đạo TCT đã có những quyết sách để có những bước chuyển đổi số của VNA theo những bước cụ thể. Nghị quyết Đảng bộ TCT đã sáng suốt lựa chọn “Ứng dụng mạnh mẽ, sáng tạo CMCN 4.0, thực hiện đồng bộ, toàn diện chuyển đổi số” là khâu đột phá -Điều này là vô cùng chính xác, vì chỉ khi có quyết tâm chính trị và thực hiện “đồng bộ, toàn diện” mới đem lại những đổi thay căn bản của TCT. Tập trung trước nguồn lực vào Thương mại điện tử một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi hội tụ các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Về con người: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể”
Việc thành lập Ban TTCĐS là thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo TCT về công tác chuyển đổi số. Với sự lựa chọn những nhân sự trẻ và những nhân sự có kinh nghiệm trên nhiều mảng công việc như Thương mại, Công nghệ thông tin, Dịch vụ… để tham mưu cho lãnh đạo TCT và trực tiếp thực hiện những bước đi trong chuyển đổi số và Thương mại điện tử của VNA.
Đúng như lời của Bác về vai trò của cán bộ với sự nghiệp cách mạng: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là “lỗ vốn”.
Với VNA thì vốn đầu tiên để chuyển đổi số chính là con người. Mỗi người lao động trong Ban luôn tập trung học hỏi những kiến thức mới, thường xuyên tổ chức tự học, tham dự các chương trình đào tạo, để cập nhật các kiến thức mới.
Nghĩ về Bác, chúng tôi thêm quyết tâm: “Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng”
Hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ với 2 bàn tay lao động ra đi tìm đường cứu nước với vô vàn gian khổ luôn là niềm cảm hứng với mọi người lao động trong Ban Tiếp thị Chuyển đổi số. Mỗi người lao động tại Ban luôn xác định chuyển đổi số là một quá trình dai dẳng và gian nan chứ không phải chỉ một hoặc hai năm. Nhưng càng khó thì càng cần quyết tâm. Quyết tâm này được người lao động tại Ban diễn tả bằng mấy vần thơ:
“Chuyển đổi số hóa nhiều gian lao
Tạo hệ sinh thái chất lượng cao
Môi trường năng động nhiều cơ hội
Cách mạng số hóa xứng năm sao”
Do Dong Hung – DMD