Tấm gương tự phê bình và phê bình của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
“Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng, Người nói:”Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Bác lại nói:”Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10-1947 cách đây đã hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã nói:”Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả, điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”. Cũng ở cuốn sách này, người chỉ rõ “thang thuốc tốt nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”.
Trong những cuộc nói chuyện và cán bộ lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, với đảng viên trong các lớp chỉnh huấn, với các anh hùng mới được tuyên dương, nói chuyện với công nhân trí thức, văn nghệ sĩ hoặc thăm các địa phương…ở đâu Bác cũng nhắc nhở đến việc trau dồi đạo đức cách mạng và vấn đề phê bình và tự phê bình. Bác nói:”Đảng víên và cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”. “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”.
Người chỉ rõ:”Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng.
Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới, có như thế có khác gì người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, lúc đó không cần ai khuyên bảo cũng tự vội vàng đi lưa mặt…”.
Bác Hồ coi những thứ bệnh quan liêu, tham nhũng, ích kỷ, hẹp hòi…là những kẻ địch bên trong và người nói:”Mỗi kẻ địch bên trong là người bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong ra. Vì vậy ta phải hết sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những thứ bệnh đó”.
Có lần Bác lại nói: “Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là phê bình và tự phê bình”. Phê bình và tự phê bình quan trọng như vậy, nhưng nhiều nơi nhiều lúc chúng ta chưa làm tốt, hoặc có đề ra nhưng lại làm một cách qua loa, chiếu lệ, nể nang, xuê xoa cho xong…
Trong phê bình còn thiếu dân chủ, cấp dưới không dám thẳng thắn phê bình cấp trên. Cấp trên có nơi không lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Thậm chí còn trù úm, trả thù, coi đó là luận điệu của kẻ xấu. Trong nhân dân và cán bộ có câu nói:”Đấu tranh rồi tránh đâu”. Những điều đó làm cho việc phê bình và tự phê bình không được đến nơi đến chốn, có khi biến thành một việc hình thức.
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, năm 1950, Bác Hồ đã nói:”Tự phê bình và phê bình phải thật thà vạch khuyết điểm, có lỗi mà không vạch ra, không khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc…Vạch khuyết điểm để sửa chữa, cũng phải nêu ưu điểm để phát huy. Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp nhất là cấp cao phải noi gương trước”.
Nhân ngày thành lập Đảng 3-2-1969, Bác viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”…Trong bài báo đầy tâm huyết và nỗi ưu tư ấy, Bác viết: “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng gái cũng như trai rất hăng hái dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế. Song bên cạnh những đồng chí ấy, còn có số ít cán bộ đảng viên mà đạo đức và phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo: “Mình vì mọi người” mà chỉ muốn” Mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem thường quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, họ không có tinh thần vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, thiếu tinh kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Cũng trong bài báo cuối cùng này Người chỉ rõ:”Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên, phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng, phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ đảng viên…”
Trong bản Di chúc của mình, Bác căn dặn:”Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Bác căn dặn chúng ta: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Những lời dạy của Bác rất thiết thực với chúng ta, nhất là trong cuộc vận động” Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng chỉnh đốn Đảng và trong công cuộc đưa đất nước ta trở thành một nước giầu đẹp như mong ước của Người. Ngày nay khi nhắc đến phê bình, chúng ta lại nhắc đến bài thơ của Bác:
” Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng thế
Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức và phong cách cho muôn đời sau. Trong suốt cuộc đời của mình, dù bất cứ hoàn cảng nào, Người luôn thể hiện bản lĩnh, nghị lực phi thường, ý chí kiên cường và quyết tâm đến cùng vượt mọi khó khăn thử thách. Từ hai bàn tay trắng ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để trở thành người chiến sỹ cách mạng tiên phong, vị lãnh tụ kiệt xuất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Tấm gương đạo đức cách mạng cùng tinh thần quyết tâm vượt khó khăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành bài học sâu sắc cho tất cả chúng ta và đã được Đảng bộ TCT HKVN noi theo học tập và vận dụng vào thực tiễn hoạt động.
Đảng ủy TCT HKVN thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Trong suốt chặng đường hơn 30 năm đổi mới xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn khẳng định Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Với nhận thức sâu sắc và nhất quán đó, trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được bổ sung, phát triển qua mỗi nhiệm kỳ. Trong đóng góp đó có một phần đáng được ghi nhận của cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ TCT HKVN.
Hơn 5 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng bộ TCT HKVN đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Theo đó, Đảng ủy TCT HKVN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện việc học tập và làm theo Bác.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy TCT HKVN, các Đảng ủy, Chi ủy trực thuộc đã quán triệt việc thực hiện các chỉ thị của Đảng, đến nay việc học tập và làm theo Bác đã triển khai sâu rộng, thường xuyên, đạt được những kết quả nhất định, có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ TCT. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, Đảng ủy TCT và các đảng ủy, chi ủy trực thuộc đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện. Trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị, nêu cao tính gương mẫu của người đứng đầu đơn vị. Đồng thời, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII được các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa trong các chương trình công tác toàn khóa, hằng năm và thông qua sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, các hội nghị của cấp ủy. Công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong Đảng bộ TCT đạt được những kết quả nhất định.
Việc làm theo Bác tại TCT và các cơ quan, đơn vị được cụ thể hóa bằng những phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của TCT, từng cơ quan/đơn vị, tiêu biểu như các phong trào thi đua được triển khai tại các Đảng bộ: Đoàn bay 919, ĐTV, Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay, Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Mặt đất sân bay Việt Nam…
Các bí thư chi bộ tiêu biểu là tấm gương trong thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đưa những nội dung, chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng đảng, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá, đồng thời lãnh đạo chi bộ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh liên tục nhiều năm liền. Đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực, giúp cán bộ, đảng viên, người lao động có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, tăng cường công tác quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp.
Việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, kiện toàn mô hình tổ chức đảng phù hợp với mô hình của TCT, cơ quan/đơn vị cũng được xác định là một trong những nội dung đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Lời dạy đó của Người chính là kim chỉ nam cho cơ quan/đơn vị trong TCT HKVN luôn đi đầu trong thực hiện Chương trình hỗ trợ người lao động gặp khó khăn;
Với tinh thần “Tương thân tương ái”, thời gian qua các doanh nghiệp, đơn vị trong TCT HKVN đã chủ động, nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19. Từ năm 2020 đến nay đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục, giảm bớt những khó khăn do đại dịch gây ra với tổng giá trị ước lên tới hàng tỷ đồng.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường trực của từng NLĐ và các cấp quản lý. Từ việc tiết kiệm điện, nước, giấy bút… đến việc thường trực trong tâm trí mỗi con người TCT HKVN đó là tăng doanh thu từng khách, từng kg hàng hoá, giảm chi phí từng đồng trong mọi hoạt động của mình. Những tấm gương người tốt – việc tốt trong mọi hoạt động của TCT HKVN như chủ động, sáng tạo trong công việc, nhặt được tài sản để quên của hành khách, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chăm lo cho khách hàng…đến tác phong, lề lối, phong cách làm việc… luôn được phát hiện, tôn vinh kịp thời như một cách làm tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong suốt thời gian qua. Những câu chuyện thực sự xúc động trong việc học tập và làm theo Bác trong TCT HKVN đã được lan toả rộng rãi, được ghi nhận và đánh giá rất cao.
Trong thời gian tới Đảng ủy TCT HKVN tiếp tục coi việc thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức cơ sở đảng, tạo sự lan tỏa thực chất, hiệu quả trong việc triển khai Chỉ thị, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác, gắn với tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TCT HKVN lần thứ V, để các cấp ủy, đoàn thể quan tâm triển khai, thực hiện.
Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc thực hiện học tập và làm theo Bác gắn với việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII và quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt với tinh thần chức vụ càng cao càng phải nêu gương.
Ba là, đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, trở thành sinh hoạt thường xuyên tại các chi bộ, tổ chức đảng, trở thành ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động; có cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các gương điển hình người tốt, việc tốt tiêu biểu. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng kiến tốt; đồng thời phê phán, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, nói không đi đôi với làm, tạo không khí phấn khởi, khích lệ cán bộ, đảng viên, người lao động thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong TCT, cơ quan, đơn vị.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng; nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong doanh nghiệp, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, như Bác Hồ từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.