Tuy đã đi xa, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước và nhân dân Việt Nam, hiển hiện trong những di sản vô giá Người để lại cho chúng ta như Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và Những giá trị cao đẹp về đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh.
Thương yêu con người là một trong những đức tính vô cùng cao quý của Bác Hồ. Tình yêu thương lớn lao ấy được thể hiện qua từng lời nói, việc làm trong cuộc đời của Người.
Tình yêu thương con người của Bác Hồ đồng nghĩa với tình thương dành cho các dân tộc bị xích xiềng của bọn thực dân đế quốc. Người không chỉ cảm thông mà còn chỉ dẫn cho họ biết tự mình vùng lên cởi ách nô lệ, giành độc lập, tự do.
Những việc làm thương người, thương dân của Bác không kể sao cho hết được.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta phải trải qua nạn đói khủng khiếp do thực dân, đế quốc gây ra. Trong tình hình khó khăn ấy, Hồ Chủ tịch phát động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Còn bản thân Bác, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa để góp gạo vào hũ gạo tiết kiệm cùng nhân dân cứu đói.
Đi Chiến dịch Biên giới năm 1950, Người không cưỡi ngựa mà cùng đi bộ với cán bộ, chiến sĩ, để ngựa thồ hành lý, đạn dược đỡ nặng vai cho bộ đội. Có lần khi đến thăm trại tù binh, do trời đang rét, Bác đã cho viên quan ba thầy thuốc của quân đội Pháp chiếc áo khoác của mình…
Giữa bề bộn công việc của đất nước, Bác không quên các em nhỏ, trong đó có những em bé bán báo, đánh giày, không quên các cụ già… Người còn gửi thiếp chúc Tết, thư mừng sinh nhật bè bạn gần xa; chia vui với niềm vui của đồng bào, đồng chí… Niềm vui của Người chỉ trọn vẹn khi đất nước được độc lập, tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Về tình yêu thương con người bao la ấy của Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như trong đời sống hằng ngày, Hồ Chủ tịch đối xử với mọi người luôn có lý, có tình. Bác Hồ muôn vàn yêu thương đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mỗi người vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt… Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả, Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy…”.
Trong bài thơ “Theo chân Bác” viết tháng 1-1970, một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác, cũng là một trong những bài thơ hay nhất của tác giả, nhà thơ Tố Hữu đã nói giúp chúng ta lời ca ngợi, biết ơn tình yêu thương của Bác:
“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa”…
Năm 1912, Bác Hồ tới thành phố New York, nước Mỹ, vừa kiếm sống vừa nghiên cứu lịch sử xã hội Mỹ. Thời gian này, Người tranh thủ đến tham quan tượng Nữ thần Tự do.
Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng, các chính khách đều ca ngợi ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do. Duy có Bác nhìn xuống chân tượng và ghi: “Ánh sáng trên đầu Nữ thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng Nữ thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ cũng vậy. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”
Đọc những dòng này, nhà sử học người Mỹ Josephine Stenson viết: “… Hồ Chí Minh là người bình thường; sống hòa đồng trong cuộc sống của xã hội. Người thương yêu tất cả, chỉ quên mình. Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng về nhân cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp sau”.
Câu chuyện Tết Giao thừa năm Nhâm Dần 1962, Bác lặng lẽ đến thăm một gia đình nghèo nhất Hà Nội. Gần đến giờ Giao thừa rồi mà chị Tín vẫn tần tảo gánh nước thuê. Trong nhà không có bất cứ một không khí Tết nào. Lúc bác đến chỉ gặp mấy đứa trẻ. Chị Tín đi làm về, òa khóc khi nhìn thấy Bác đang thăm hỏi gia đình mình: “Những người như cháu không ngờ được Bác đến thăm”
Sau buổi chúc Tết gia đình chị Tín, bác rất buồn và nói với các đồng chí lãnh đạo: “Gia đình chị Tín nghèo không còn chỗ để nghèo. Đây là lỗi của Bác, của Đảng và Nhà nước. Muốn cho mọi người vui Tết, trước hết phải lo cho ai cũng có việc làm. Phải chú ý những người đặc biệt khó khăn”.
Bác chăm lo cho từng người già, trẻ em cho đến việc lớn của đất nước. Bác để lại một tư tưởng và nhân cách lớn cho thế hệ mai sau. Vậy mà, đa số con người ngày nay không theo được con đường của Bác, trong đạo đức lối sống và phong cách làm việc.
Bác Hồ với ngành hàng không
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt tới Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Vào ngày 17 tháng 6 năm 1957, tại sân bay Vinh, khi chiếc Li-2 số hiệu VN203 đưa Người về thăm quê sau hơn 50 năm xa cách, Bác đã ân cần căn dặn các cán bộ, nhân viên Ngành hàng không:
“Bây giờ đất nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước ta còn nhiều việc phải lo. Sau này, đất nước ta chắc chắn sẽ có những sân bay, máy bay hiện đại. Các chú phải cố gắng học tập để nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật, phục vụ cho một Ngành hàng không tiên tiến”.
Các cán bộ, công nhân viên ngành hàng không, trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện tốt lời căn dặn của Người. Những sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của hành khách liên tiếp được triển khai. Công nghệ thông tin tiên tiến được áp dụng trong mọi lĩnh vực thương mại, kỹ thuật, dịch vụ, khai thác. Các cấp từ lãnh đạo cho đến nhân viên liên tục học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để tiếp cận công nghệ hàng không hiện đại của thế giới.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành hàng không trên thế giới nói chung và VNA nói riêng đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn thử thách. Nhưng chính trong giai đoạn khó khăn này, tinh thần đoàn kết, ý chí vững vàng của tất cả cán bộ, nhân viên đang góp phần tạo dựng nên các chuyến bay đều đặn hàng ngày. Sự đồng sức đồng lòng, chia sẻ khó khăn với TCT bằng rất nhiều cách khác nhau, mỗi hành động dù lớn hay nhỏ đều rất trân trọng.
Tinh thần đoàn kết này đã được ghi nhận rất rõ trong giai đoạn hiện nay. Phẩm chất, ý chí của con người VNA được tôi luyện, rèn giũa qua nhiều thế hệ đã được thể hiện một cách rõ ràng và sáng chói. Các tập thể và cá nhân đoàn kết, quyết tâm và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn với TCT để vượt qua một trong những giai đoạn thử thách khắc nghiệt nhất trong lịch sử ngành vận tải HK thế giới cũng như Việt Nam. CBNV sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, vững vàng tinh thần, quyết tâm và trách nhiệm cao hơn trong công việc, không ngại đối mặt với những nguy hiểm, rủi ro về dịch bệnh.
Tôi sẽ tiếp tục đọc những câu chuyện bình dị về Bác Hồ, gìn giữ những hình ảnh của Bác trong trái tim tôi. Tôi cũng sẽ kể những câu chuyện về Bác cho đồng nghiệp, bạn bè để lan tỏa những lời dạy, nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 – 19/5/2021), tôi tin tưởng rằng, mỗi người dân Việt Nam nói chung và mỗi cán bộ, nhân viên VNA nói riêng luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh để những cánh bay VNA tự hào và cất cánh đến khắp các miền của Tổ quốc và trên thế giới.