Đảng viên mới dâng hương nhớ Bác

Một ngày tháng 7/2020, chúng tôi – những đảng viên của Chi bộ 4,5,6 Đảng bộ ĐTV, men theo con đường nhỏ quanh co, rợp bóng cổ thụ vào căn nhà số 67, thắp nén hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Lẵng hoa huệ trắng tươi rói dâng lên báo cáo với Người, hôm nay chúng con sẽ kết nạp các đồng chí quần chúng ưu tú vào hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hương thơm của làn khói trắng phảng phất khiến chúng tôi bồi hồi xúc động. Chúng tôi ngắm căn phòng đơn sơ với chiếc giường đơn, chiếc chiếu cói, chiếc gối trắng đã sờn, nơi Bác nằm những ngày cuối đời. Chúng tôi lặng nhìn đôi dép cao su, chiếc đèn đầu giường, những tờ tạp chí đã ngả mầu theo thời gian, những chiếc bút mà Bác đã dùng để viết những tài liệu quan trọng cho cách mạng VN như: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Điều lệ tóm tắt của HTX SX nông nghiệp; Thư trả lời tổng thống Mỹ Richard Nixon…

Các đảng viên của chi bộ 4,5,6 Đảng bộ ĐTV đến thăm ngôi nhà 67 của Bác tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: ĐTV).

Thật may mắn, chúng tôi được đồng chí Đậu Văn Diễn, Đại tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuyết minh, giới thiệu: Sở dĩ có tên gọi là Nhà 67, bởi năm 1967, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, để đảm bảo an toàn cho Bác, Bộ Chính trị đã nhiều lần đề nghị xây dựng một căn nhà kiên cố để tránh bom bi, mảnh đạn, nhưng Người đều từ chối. Nhân một lần Bác đi công tác tại Trung Quốc, Bộ Chính trị quyết xây một căn nhà nhỏ, kiên cố nằm sau ngôi nhà sàn. Tuy vậy, Bác không nhận căn nhà cho riêng mình mà dùng làm nơi họp Bộ Chính trị, nơi làm việc với các đồng chí TW… bàn về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Do tuổi cao sức yếu, bệnh tình ngày càng trầm trọng, các bác sĩ chăm sóc cho Bác đã đề nghị Bác không lên nhà sàn mà ở hẳn nhà 67 để chữa bệnh. Người đã chấp nhận lời đề nghị này và ở hẳn căn nhà 67 từ ngày 18/8/1969.

Khi chiếc kim đồng hồ trong căn nhà 67 chỉ 9h47 phút sáng ngày 2/9/1969, trái tim vĩ đại ấy ngừng đập. Từ phút giây này, căn nhà 67 đã truyền đến cho nhân loại nỗi đau, nỗi mất mát khiến “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.

Rời căn nhà 67, chúng tôi đến phòng chiếu phim để xem những thước phim về những phút giây cuối đời của Bác.

Trong căn phòng tối, chúng tôi lặng lẽ dõi theo hình ảnh Bác bên giường bệnh. Chống chọi với bệnh tật, Bác yếu lắm nhưng Người đã quên nỗi mình đau để nhớ chung, hễ tỉnh lại là Người hỏi: Hôm nay miền Nam đánh thắng đâu? Ở Hà Nội, đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân đi không?… Rồi cảnh khi đài phát thanh vừa đưa tin dữ, trời đổ mưa tầm tã. Vòm trời Ba Đình như trĩu nặng một nỗi buồn. Những giọt nước mắt hòa lẫn nước mưa chảy mãi như không bao giờ hết trong niềm tiếc thương vô hạn. Vậy là mong ước cháy lòng của Người là được ra gặp đồng bào trong lễ quốc khánh không thực hiện được, bởi Người ra đi đúng vào ngày Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập!… Những hình ảnh cố gắng cứu chữa Bác của đội ngũ y bác sĩ, sự đau đớn tột cùng của đồng bào khi Bác ra đi, hình ảnh hàng ngàn các tổ chức quốc tế đến viếng Bác làm tất cả chúng tôi nghẹn ngào. Trong căn phòng chiếu phim tối đen ấy, tôi cảm nhận được rõ những dòng nước mắt, những tiếng nấc phải kìm nén, những tiếng xụt xịt hay tiếng lạo xạo khi các đồng chí của mình bóc túi giấy napkin để lau khô hàng nước mắt. Rời khỏi căn phòng chiếu phim, ai nấy đôi mắt vẫn đỏ hoe. 

Tiếp đến, chúng tôi thăm ao cá Bác Hồ. Từng đàn cá rô phi, mè, chép, trôi, trắm cỏ tung tăng bơi lội, ngoi lên khỏi mặt nước để đớp những hạt bỏng ngô mà chúng tôi thả xuống. Những cây dừa, dâm bụt, liễu… tỏa bóng mát xuống mặt hồ tạo nên một khung cảnh thanh bình và thư thái. Chính nơi này, hơn 50 năm trước, Bác của chúng ta dù bận thế nào, sau giờ làm việc vẫn ra cầu ao gọi cho cá ăn. Những con cá dần quen với tiếng vỗ tay của Người. Hòa cùng thiên nhiên là thế, nhưng trong lòng Bác vẫn luôn đau đáu về Miền Nam, về đồng bào, chiến sĩ.

Ngắm nhìn ao cá của Bác, tôi chợt nhớ đến những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu :

Con cá rô ơi chớ có buồn

Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn

Dừa ơi cứ nở hoa đơm trái

Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn.

Lời tuyên thệ của Đảng viên mới dưới lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung của Bác. (Ảnh: ĐTV).

Đã hơn 50 năm kể từ ngày vắng bóng Người, nhưng dường như Bác vẫn còn đây. Căn nhà in dấu, con đường, mặt nước in bóng Người. Đây là năm thứ 2 tôi vinh dự tham gia cuộc kết nạp Đảng của ĐTV được tổ chức trang trọng tại Trung đoàn 600. Mỗi lần thăm di tích nơi Bác ở, thắp hương kính Bác vào ngày trọng đại này, lòng tôi vẫn nguyên nỗi niềm xúc động. Mỗi lần tôi càng hiểu hơn về Bác. Tôi tin tưởng rằng đạo đức, nhân cách của Người luôn sống mãi trong trái tim của con người Việt Nam. 

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.