Đảng ủy TTHLB hành trình về với Tháng 9 lịch sử

6h30’ sáng ngày 14/9, chuyến bay VN1370 cất cánh tại sân bay TSN, để lại phía sau sự ồn ào, náo nhiệt của 1 thành phố đầy năng động. Chúng tôi, gồm 11 người thuộc Đảng ủy TTHLB bắt đầu thực hiện 1 hành trình 3 ngày để trở về với quá khứ khốc liệt trên mảnh đất miền Trung yêu thương.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau hơn 1 giờ bay, chúng tôi có mặt tại sân bay Phú bài. Xe đưa chúng tôi tiến dần về thành phố Huế. Khung cảnh hiền hòa của một thành phố cổ kính với những hàng cây xanh mát và dòng sông Hương chậm rãi làm cho ai cũng muốn ngân nga 1 giai điệu quen thuộc nào đó. Chẳng mấy chốc, di tích thành cổ đã ở phía trước. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những công trình, những hình ảnh và đồ vật có giá trị lịch sử. Mặc dù trải qua sự tàn phá sau chiến tranh và thời gian, nhưng những gì còn lại trong thành cổ Huế cũng cho chúng tôi cảm nhận được sự chặt chẽ về mặt kiến trúc, sự uy nghiêm của 1 thời đại đậm chất phong kiến Phương đông.

Chúng tôi được giới thiệu những tư liệu về 11 đời Vua nhà Nguyễn, những công trạng của những vị Vua yêu nước, thương dân như Vua Duy Tân và những công trình văn minh để lại cho đời sau của Vua Minh Mạng cũng như  công hàm thoái vị của Vua Bảo Đại vào ngày 30/8/1945, thời điểm kết thúc không chỉ 170 năm chiều đại nhà Nguyễn mà còn là dấu chấm hết cho 1 nên quân chủ phong kiến tại Việt Nam.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cổng thành cổ Huế.

Từ Huế, mất hơn 1 tiếng chạy xe, đoàn chúng tôi dừng chân ở thành cổ Quảng trị. Nơi mà cách đây 46 năm, đã diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu không cân sức giữa các chiến sĩ quân đội Việt Nam và quân đội Việt Nam Cộng hòa được sự hỗ trợ mạnh mẽ của đế quốc Mỹ. Qua giới thiệu bởi phim ảnh, tư liệu và lời dẫn của hướng dẫn viên, chúng tôi hình dung được sự tàn khốc của cuộc chiến này. 1 lượng bom đạn khổng lồ đã được trút xuống nơi đây. Riêng chỉ tính các loại bom được thả xuống mảnh đất nhỏ bé vài kilomet vuông này đã là 328.000 tấn. Sức công phá của bom đạn trong 81 ngày đêm đã biến thành cổ Quảng trị trở thành 1 đống đổ nát của gạch đá lẫn với xương máu của các chiến sĩ đã anh dũng kiên quyết bám trụ bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc. Các anh đa phần ở tuổi từ 18-25. Tuổi đời còn rất trẻ nhưng lý tưởng yêu nước và giải phóng dân tộc đã biến các anh thành những con người đi vào huyền thoại của lịch sử.

Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói về các anh:  “…sự kiên cường của các anh không thể so với sắt, đá. Bởi vì sắt, đá sẽ hoàn toàn bị tan chảy bởi sự công phá của ngần ấy bom đạn. Chỉ có ý chí cách mạng và lòng yêu nước của những người con ưu tú dân tộc Việt Nam mới làm nên được điều kỳ diệu đó…”

Ngày 16/9/1972 là ngày kết thúc 81 ngày đêm chống chọi quyết liệt cho mảnh đất này. Nhà nước quyết định gìn giữ nơi đây như 1 nghĩa trang tập thể của hơn 10.000 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này và coi ngày 16/9 hàng năm là ngày giỗ tập thể dành cho các anh. Sau sự kiện tại thành cổ Quảng trị năn1972, Hiệp định Paris đã bắt buộc quân đội Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Khi bước chân tham quan, ai ai trong đoàn cũng ý thức nhẹ chân vì biết rằng dưới lớp đất bụi kia là nơi các chiến sĩ đang yên nghỉ.

Đoàn dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sỹ thành cổ Quảng Trị.

Hành trình của đoàn là tiếp tục vượt biển bằng tàu thủy mất 1h40’ để đặt chân tới đảo Cồn Cỏ. Điểm cực Đông của lãnh thổ Việt Nam. Trên đảo các công trình vẫn được bảo tồn như những nhà lao từ thời phong kiến dành cho các phạm nhân bị đi đầy, các hào quân sự, các địa đạo của dân quân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chông Pháp, chống Mỹ sau năm 1954. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, hòn đảo nhỏ bé này thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với vị trí chiến lược của hòn đảo này, đế quốc Pháp, Mỹ quyết không từ bỏ ý định xâm chiếm. Khi gặp phải những chống trả quyết liệt từ phía quân và dân ta, đế quốc Mỹ đã dùng nơi đảo này làm nơi trút bỏ toàn bộ số bom còn lại sau khi đánh phá miền Bắc trước khi trở lại hạ cánh tại căn cứ phía Nam. Chính vì thế, nơi đây cũng được cho là kỷ lục của mảnh đất có tỷ lệ lượng bom đạn/ met vuông lớn nhât cả nước trong thời kỳ chiến tranh.

Đến nay, hòn đảo này đã không còn là hòn đảo quân sự mà đã có sự xuất hiện của 21 hộ dân sinh sống. Bộ máy quản lý Nhà nước cũng hiện diện nơi này mặc dù diện tích đảo chỉ vỏn vẹn vài kilomet vuông. Những mái nhà mới xây, những tiếng nói cười hồn nhiên của trẻ thơ như nói lên mầm sống mãnh liệt của 1 dân tộc anh dũng đã không chịu khuất phục dưới sức mạnh của một thời chiến tranh, bom đạn.

Đoàn đặt chân tới đảo Cồn Cỏ.

Đặt chân về đất liền, chúng tôi đến thăm di tích “Vĩ tuyến 17”, nơi cách đây đã chia cắt đất nước ta làm 2 sau thỏa thuận của Hiệp định Giơ-ne-vơ từ năm 1954 cho đến năm 1972. Trong thời gian này, giao thông đi lại giữa 2 miền Nam-Bắc chỉ thông qua cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải thơ mộng.

Chiều đã tà, mặt trời đã xế bóng. Dòng sông cứ yên ả phẳng lặng và cây cầu Hiền lương kiêu hãnh soi bóng. Chẳng ai có thể tin rằng, nơi này trong vòng hơn 20 năm đã từng chứng kiến bao cảnh chia ly đầy nước mắt của những gia đình người Nam, kẻ Bắc. Những cuộc chiến tranh tâm lý giữa 2 chính quyền bởi những chiến dịch nhằm công kích lẫn nhau, tạo ảnh hưởng tới lòng tin vào chính phủ của nhân dân 2 miền.

Đoàn đến thăm di tích “Vĩ tuyến 17”.

Trước khi quay trở về Huế để kết thúc hành trình đầy ý nghĩa này, chúng tôi được đưa tới Nghĩa trang Trường sơn. Nơi mà chỉ cần chứng kiến 1 phần của nghĩa trang đã làm chúng tôi thấy nghẹn ngào. Chỉ 1 phần thôi đã là hàng chục ngàn bia mộ. Trong đó còn rất nhiều những phần mộ chưa được xác định danh tính của liệt sỹ. Mỗi người trong đoàn chúng tôi lặng lẽ thả bộ, dừng chân bên mỗi bia mộ, gửi tới các anh nén hương thành kính, lòng thầm biết ơn sự hinh sinh cho nên hòa bình dân tộc và những điều kiện những người chúng tôi đang được thừa hưởng ngày nay. Các anh đã ngã xuống vì nó để cho hôm nay chúng tôi được có độc lập, tự do trên chính Tổ quốc Việt Nam yêu thương này.

Thiết nghĩ rằng, những thế hệ trẻ sau này phải luôn được giáo dục và truyền đạt lại công lao to lớn của các anh để họ luôn ý thức được rằng tự do và hòa bình đã được giành được bằng xương bằng máu của những chàng trai, cô gái ở tuổi đời còn trẻ, đầy sức sống và khát vọng.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.