[19/5] Chở Bác thăm Quế Lâm, Trung Quốc

Đại tá Nguyễn Khắc Nhâm, nguyên Cục trưởng Cục Kế hoạch Tổng cục HKDD chia sẻ câu chuyện về lần chở Bác thăm Quế Lâm, Trung Quốc, nơi Bác đã có thời gian dài hoạt động cách mạng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Toàn đội bay chúng tôi đứng xếp hàng dưới cánh máy bay đón Bác. Xe khí nén, xe khởi động đã lắp sẵn, xăng dầu nạp đủ. Chiếc xe Vonga đen bóng vượt qua sân đỗ tới cạnh cầu thang máy bay. Bác từ trong ô tô bước ra, hồng hào, mạnh khỏe. Người nhanh nhẹn trong bộ kaki Tôn Trung Sơn màu vàng, đội mũ cát két rộng vành, đi đôi dép cao su đen.

Đi theo Bác lần này có một đồng chí bảo vệ, một bác sĩ và đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác. Tiễn Bác hôm đó có đồng chí đại sứ Trung Quốc, mấy đồng chí trong cơ quan liên lạc đối ngoại của ta và bạn.

Bác dừng chân ở chân cầu thang, ngước mắt nhìn trời, nhìn tổ bay, tỏ vẻ hài lòng. Người nói: Hôm nay Bác đi với danh nghĩa cá nhân theo lời mời của Đảng, Chính phủ Trung Quốc nên không cần nghi lễ ngoại giao, cũng không cần nhiều người đi theo, tốn kém cho bạn…

Chúng tôi lắng nghe giọng nói của Bác, lặng ngắm Bác, ngắm chòm râu dài, trắng như cước lung linh trong gió.

Rất nhanh nhẹn, Bác leo lên thang máy bay. Tôi lệnh cho chiêu đãi viên Nguyễn Phi Phượng theo sát Bác. Khi Bác vào máy bay, các thành viên trong tổ bay mới vào vị trí.

Trời đẹp, tiếng máy nổ êm êm, những dòng sông, thôn xóm, núi đồi, rừng cây cuồn cuộn trôi dưới cánh máy bay.

Bác rất vui, Người im lặng ngắm đất trời. Bác ngả người trên chiếc giường trải thảm. Bác giở tờ báo Nhân dân bảo Phượng đọc. Phượng kéo ghế ngồi khe khẽ đọc. Mọi người chung quanh lặng nhìn khung cảnh đầm ấm như một gia đình.

Tổ bay chăm chú vào nhiệm vụ, không ai dám rời vị trí, nhưng thỉnh thoảng cũng ngoái lại, qua cửa ra vào nhìn ngắm Bác. Thợ máy Nguyễn Ngọc Tuấn làm nhiệm vụ đi lại kiểm tra máy móc, thiết bị… lân la xin phép Bác ngồi ngay dưới chân. Phút giây ngắn ngủi, may mắn, hiếm hoi, đã được thu vào máy ảnh. Hình ảnh Tuấn cùng Nguyễn Phi Phượng chụp chung với Bác sau này trở thành tấm ảnh truyền thống đắt giá của Bộ đội Không quân vận tải (nay là Đoàn Bay 919, Tổng công ty Hàng không Việt Nam) hiện vẫn được trưng bày trong nhà truyền thống của đơn vị. Máy bay dừng ở sân bay Quế Lâm, đồng chí Vi Quốc Thanh và các đồng chí Trung Quốc đã có mặt đón Bác. Hàng trăm em học sinh Trung Quốc áo trắng, quần xanh, khăn quàng đỏ, ào ra như đàn chim quây lấy Bác. Bác rất vui, Người ôm một cháu bé, cầm những bó hoa các cháu tặng, cảm ơn các đồng chí Trung Quốc và các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Xe chạy qua nhà ga sân bay, Người còn quay lại vẫy tay chào các cháu Trung Quốc.

Bác Hồ cùng với thiếu nhi ở Quế Lâm, Trung Quốc. (Ảnh: baolamdong).

Khu Giao tế Quế Lâm là một quần thể khá đẹp mang dấu ấn của những lâu đài cổ lẩn trong rừng tùng, bách xanh mượt mà. Bác ở một trong những lâu đài tận lưng đồi, khu vực thượng khách. Đội bay ở cách đó dăm chục mét, khu vực dành cho các nhân viên tháp tùng.

Theo chương trình, Bác đi thăm phong cảnh Quế Lâm. Tổ lái được Bác cho phép đi theo. Tôi, Phượng và một đồng chí trong đội bay được ngồi trên chiếc canô cùng Bác. Bác ngồi trên chiếc ghế mây đặt gần đầu mũi tàu.

Dòng sông nhỏ, nước trong vắt len lỏi qua những vách đá, núi đồi, làng xóm, đôi bờ liễu rủ tha thướt. Quế Lâm là nơi hợp lưu của ba dòng sông – Long Giang, Quế Giang và Tương Giang. Đoàn đi trên thượng nguồn sông Tương. Chiếc du thuyền chầm chậm trôi xuôi. Tiếng máy reo nhè nhẹ, gợn sóng lăn tăn, lan toả vào bờ. Từ đây, dòng sông Tương chảy qua Hồ Nam, đổ vào hồ Động Đình. Tôi bỗng nhớ tới câu thơ trong Truyện Kiều, chắc được gợi lên khi cụ Nguyễn Du đi sứ qua đây trên chặng đường tới Bắc Kinh: “Sông Tương một dải nông sờ”!. Gọi là nông, nhưng dòng sông trong vắt thấy rõ cả những hòn sỏi nhỏ dưới đáy, đủ mớm nước cho thuyền êm trôi như trong mơ.

Bác ngồi im lặng ngắm đôi bờ sông, khói thuốc lá như sợi tơ mảnh, tan trong không gian. Chúng tôi không dám kinh động tới những phút giây yên tĩnh của Người. Thuyền trôi một đoạn xa, Bác trỏ hai bên bờ sông nói:

– Khu vực này là nơi Bác hoạt động khá lâu, khi Bác là một thương gia, khi là một thầy lang, khi lại là một thầy giáo… Cũng ở đây, Bác đã tổ chức nhiều đoàn thể, nhiều hội Cứu quốc trong hàng ngũ thanh niên Việt Nam yêu nước, những Việt kiều mà sau này là nòng cốt của phong trào Cách mệnh của nước ta.

Bác nhắc lại nhiều kỷ niệm sâu lắng về những tháng năm vất vả mà Người đã trải qua. Không ngờ tới hôm nay, chúng tôi mới được biết. Cảnh đấy, người đây, tôi tưởng như thấy Bác đang rảo bước trên con đường thiên lý, xây dựng phong trào. Chúng tôi càng thấu hiểu những phút giây tĩnh lặng vừa qua của Bác.

Các đồng chí Trung Quốc mời Bác đi thăm quần thể di tích Thất Tinh.

Tới quần thể Thất Tinh, phải lội qua con suối sâu tới bắp chân. Một đồng chí định ghé lưng cõng Bác. Bác xua tay cảm ơn, trao đôi dép cho đồng chí bảo vệ, rồi thoăn thoắt lội qua. Chúng tôi, những thanh niên trên hai mươi tuổi không theo kịp. Bác tới bờ bên kia ung dung châm điếu thuốc, mà cả đoàn còn bì bõm dưới suối.

Đường tới hang Thất Tinh thật đẹp. Những bậc đá uốn quanh sườn núi. Dọc đường là bàn cờ tiên, đền miếu, những vườn trúc, vườn quế ngát hương, thanh khiết. Du khách có cảm giác như lạc bước vào cõi thiên thai, tiên cảnh.

Hang Thất Tinh, nơi trọng điểm của quần thể khá rộng. Những nhũ đá rủ xuống phản chiếu ánh mặt trời long lanh như gấm thêu, nơi loé sáng hình cầu vồng bảy sắc, nơi biếc xanh như ngọc, hồng tía như chu sa… Muôn hình vạn trạng, pha trộn đủ màu.

Cũng tại cửa hang này, Bác đã viết mấy câu thơ chữ Hán trên tờ giấy hoa tiên ca ngợi thành phố của những rừng quế, ca ngợi cảnh đẹp của sông Tương. Chữ Bác viết khá đẹp, nét sắc như dao. Rất tiếc, tôi không hiểu và cũng không nhớ bài thơ đó. Đứng ở phía sau, tôi được chiêm ngưỡng dòng chữ Bác viết.

Bác Hồ lưu bút ở Quế Lâm. (Ảnh: Tư liệu).

Mấy hôm sau, Bác tới thăm khu học xá học sinh Việt Nam hồi chống Pháp. Bạn vẫn còn lưu giữ khu học xá. Bác đi thăm nơi ăn chốn ở, giảng đường… của trường. Nghe nói Bác đã tới thăm một hai lần hồi đất nước còn kháng chiến chống Pháp. Người căn dặn các cháu học sinh học thật tốt để về kiến quốc khi kháng chiến thành công. Người động viên các thầy cô giáo, nhân viên phục vụ gắng hết sức mình làm tròn nhiệm vụ.

Hôm sau, Bác trở lại chốn xưa. Chính tại nơi đây – khu học xá này – nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được đào tạo và rèn luyện. Bác cảm ơn Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc, cảm ơn các giáo viên, nhân viên phục vụ, cán bộ quản lý đã giúp đỡ Việt Nam ương những năm kháng chiến gian khổ.

Hơn bốn mươi năm qua, các thành viên trong tổ bay ngày đó giờ đây người đã hy sinh vì nhiệm vụ, người mất vì căn bệnh hiểm nghèo, còn lại đã nghỉ hưu. Có dịp gặp lại nhau, chúng tôi vẫn nhắc lại những ngày hạnh phúc được phục vụ Bác năm xưa.

Theo Kỷ yếu Đoàn bay

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.