Chuyện lỡ hẹn với giao thừa
Hơn 19 năm gắn bó với nghề, gắn bó với công việc giám sát công tác phục vụ chuyến bay là ngần ấy năm chị làm việc ca kíp và những ngày nghỉ lễ. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, khi nhà nhà, người người sum vầy bên gia đình đón khoảnh khắc chuyển giao năm mới thì đó lại là những ngày mà chị Phạm Phú Linh Khương hay những anh chị em ngành hàng không vất vả nhất.
Mỗi mùa cao điểm Tết, với lượng hành khách đi lại rất lớn, các chuyến bay tăng cao đồng nghĩa với những vấn đề phát sinh sẽ nhiều hơn, lượng công việc và áp lực của chị Khương cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Trước áp lực đó, chị và đồng nghiệp luôn phải đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất đến khách hàng, giải quyết những thắc mắc của hành khách một cách thỏa đáng nhất, đặc biệt là tìm cách để những hành khách có nhu cầu về quê sát Tết có thể mua được vé trên những chuyến bay về nhà.
Khó khăn là thế, nhưng vẫn có những khoảnh khắc đặc biệt như tiếp thêm động lực, tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề cho chị và các đồng nghiệp. Chị Khương chia sẻ: “Tôi nhớ mãi một năm, một hành khách người Hàn quốc đã mang đến tặng ca trực chúng tôi bánh chưng, bánh tét. Đây là món quà mà khách khó khăn mới tìm mua được do các cửa hàng đều đóng cửa. Xúc động hơn, món quà đó dành tặng chúng tôi đúng đêm giao thừa. Một hành khách tuy lần đầu gặp mặt đã để lại chúng tôi bao cảm xúc. Thời gian trôi qua, nhưng những kỷ niệm cùng vui buồn bên đồng nghiệp và sự ấm áp từ khách hàng vào thời khắc giao thừa sẽ là hành trang mãi theo tôi trong cuộc đời”.
Hành trình dẫn lối cảm xúc
Hành trình không chỉ là việc đưa hành khách đến đích mà còn cần dẫn lối cho những cảm xúc, niềm vui và sự an nhiên của hàng trăm khách hàng, nơi niềm tin và an toàn là những điểm đến cuối cùng.
Dù trực tiếp hay gián tiếp làm việc với hành khách, chị Khương, dưới vai trò là đại diện của VNA tại sân bay vẫn luôn duy trì niềm tin của khách hàng bằng phong thái phục vụ chuyên nghiệp, luôn tận tụy, hết lòng. Chị chia sẻ triết lý “cho đi sẽ nhận lại,” đặt lòng tin và đam mê vào công việc sẽ tăng thêm giá trị và cam kết của hãng hàng không đối với khách hàng.
“Mỗi chuyến bay của VNA trong dịp Tết đến là mỗi chuyến bay hạnh phúc, đong đầy cảm xúc. Tôi và đồng nghiệp luôn nỗ lực hết mình để những hành khách trên những chuyến bay ấy đều cảm nhận được sự Chuyên nghiệp – Nhiệt huyết – Thân thiện, để mỗi hành khách đều thấy hạnh phúc, để khách hàng có thể trở về nhà trên những chuyến bay an toàn, đúng giờ, sum họp một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.”
Dịp Tết là dịp cao điểm nhất trong năm, không chỉ phải đối mặt với lịch bay dày đặc và áp lực công việc tăng cao mà còn không ngừng nỗ lực để đảm bảo khách hàng cảm thấy thoải mái, an tâm và được đối xử đặc biệt. Công việc khó khăn là thế, nhưng đối với chị, đây chính là hạnh phúc đích thực khi hành khách cảm thấy hài lòng, thoải mái, được chia sẻ niềm vui với hành khách trong ngày Tết.
“Thật sự phải có niềm đam mê với nghề, chúng tôi mới có thể vượt qua được thách thức ấy. Nhưng nghĩ đến những khoảnh khắc đoàn viên của bao gia đình, bao mái ấm, nghĩ đến cảm giác của bản thân khi xa nhà, tôi lại càng quyết tâm và nỗ lực hơn phục vụ các chuyến bay đi và đến an toàn vào các dịp cao điểm hè, lễ, tết với mong muốn tất cả mọi người có thể được về nhà và đoàn viên bên nhau. Nhìn những nụ cười, cảm nhận được cảm xúc nôn nao, hân hoan của hành khách, mọi mệt mỏi, áp lực như tan biến, chỉ còn niềm vui và hạnh phúc với công việc là đọng lại” chị Khương xúc động nói.
“Năm mới riêng thay bằng năm mới chung”
Cảm giác nhớ nhà là điều hiển nhiên trong những ngày Tết, đặc biệt đối với những người trực Tết. Dù cách xa gia đình, nhưng chị Khương và những đồng nghiệp tuyến đầu vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ. Công việc có thể vất vả hơn, nhưng họ vẫn tìm thấy niềm vui trong những khoảnh khắc nhỏ, như chia sẻ bánh, trà nóng giữa không khí tết tràn ngập sân bay.
“Nhân viên VNA và hành khách cùng chúc mừng lẫn nhau, cất cao tiếng hát Happy New Year, cùng chia sẻ niềm vui chào đón thời khắc năm mới. Cả sân bay cùng hòa làm một, không khí thật ấm áp, người có bánh chia bánh, người có trà chia trà. Có những năm chúng tôi cùng tham gia cúng giao thừa tại phòng, được lãnh đạo quan tâm lì xì chúc năm mới. Những kỷ niệm ấy sẽ là hành trang đáng nhớ trong cuộc đời làm việc của chúng tôi. Bên đồng nghiệp, hành khách, tôi cảm thấy thật ấm áp, phần nào vơi đi cảm giác nhớ nhà. Trực Tết cực thật, mệt thật nhưng thật sự rất vui”.
Chị Khương hay những người anh em hàng không đều đóng lại cái Tết riêng của mình để mở ra cái Tết của nhiều gia đình. Hạnh phúc của chị là khi ánh đèn mềm dịu báo hiệu chuyến bay an toàn hạ cánh, là niềm hạnh phúc của hành khách khắc khoải về nhà, và là sự tròn đủ của cái Tết sum vầy.