Ghép tạng “xuyên Việt” được đánh giá là kỳ tích y học của các thầy thuốc nước nhà. Gọi là kỳ tích bởi ngoài yếu tố kỹ thuật thì đây là thành công lớn về trình độ tổ chức, kỹ thuật lấy và ghép tạng, đặc biệt là sự tận tâm, nỗ lực hết mình để cứu sống bệnh nhân. Đằng sau những ca ghép tạng nghẹt thở ấy còn có sự chung tay của không ít những người tưởng chẳng liên quan như nhân viên hàng không, cảnh sát giao thông…
Sứ mệnh “níu giữ trái tim”
Khoảng 19h05’ ngày 14/8, nhóm chát viber “Sự sống hồi sinh” giữa các thành viên của VNA và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia hiện lên những dòng tin nhắn mới: “Ngày mai Trung tâm có một trái tim từ Hà Nội đi Huế, xin được hỗ trợ chuyến bay 14h40 từ Hà Nội đi Phú Bài. Ca ghép phức tạp nên khả năng là cần chỗ cho 8 người”. Ngay lập tức, 40 thành viên – 40 nickname của nhóm chát đồng loạt sáng và sắp xếp nhiệm vụ theo chuyên môn của từng người. Với họ, mỗi giây phút đều là một cơ hội sống, là sinh mạng của người bệnh đang chờ đợi, áp lực vì mong muốn làm sao đảm bảo được ý nguyện của người hiến tặng trái tim đến được với người nhận kịp thời.
CBNV VNA đồng hành cùng các bác sĩ Trung tâm ghép tạng trên hành trình mang lại sự sống (Ảnh: Trung tâm ghép tạng).
Theo một quy trình quen thuộc với mỗi người một nhiệm vụ cụ thể, Trung tâm OCC đảm bảo lịch bay và tàu bay như dự kiến; CNMB phối hợp với bộ phận trực PSC, SCC để đặt chỗ và xuất vé cho các bác sĩ. VAECO cung cấp thêm hai dây extension seat belt để chằng buộc thùng đựng tạng trên ghế hành khách. SCC phối hợp các đơn vị để giải tỏa khách, hỗ trợ đặt xác nhận chỗ cho đoàn bác sĩ và thùng đựng mô tạng. ĐB, ĐTV đều được triển khai về các hành khách đặc biệt để phục vụ đoàn bác sĩ chu đáo, kiểm tra đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, đảm bảo có sẵn trước chuyến bay và thông báo ngay trong trường hợp trên tàu bay thiếu cũng như hỗ trợ các bác sĩ chằng buộc thùng đựng mô tạng nhằm tuân thủ đầy đủ quy định an toàn.
Trong khi đó, các đơn vị khai thác khác là NOC, VIAGS, Chi nhánh Huế liên tục túc trực nhằm đảm bảo hỗ trợ đoàn bác sĩ của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia làm thủ tục chuyến bay, soi chiếu an ninh, lên máy bay nhanh chóng và thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nhanh chóng hỗ trợ đoàn tại sân đỗ để đảm bảo xe đưa đón đến bệnh viện tại Huế một cách nhanh nhất.
“Áp lực” trên chuyến bay đặc biệt
CBNV của hãng tại sân bay nhanh chóng hỗ trợ vận chuyển thùng tạng lên tàu bay (Ảnh: Trung tâm ghép tạng).
Thời gian bảo quản tối đa kể từ khi lấy tim ra khỏi bệnh nhân cho đến khi ghép vào cơ thể người nhận tối đa là 6 tiếng. Vì vậy, hành trình vận chuyển cần tuyệt đối an toàn, linh hoạt cùng tinh thần trách nhiệm cao nhất của tất cả thành viên VNA. Mỗi cá nhân tham gia vào quá trình phục vụ chuyến bay luôn ý thức rằng một tài sản vô giá đang được vận chuyển sẽ mang lại sự sống cho người bệnh đang chờ đợi được ghép tạng. Khi ấy, tất cả hệ thống phục vụ của VNA đều cùng chung niềm hy vọng mang sự sống hồi sinh. “Mỗi giây phút chậm trễ của mình sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh cũng như ước nguyện tốt đẹp của người hiến tặng tạng.”
13hh20 chiều, các bác sĩ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia rời khỏi bệnh viện Việt Đức mang trái tim đến với bệnh nhân tại Huế. Trước đó, các đơn vị tại sân bay Nội Bài đã sẵn sàng hỗ trợ về thủ tục, hành lý.
14h35, các bác sĩ đã có mặt tại sân bay Nội Bài, di chuyển lên máy bay cùng một trái tim khoẻ mạnh và niềm hy vọng về sự sống được hồi sinh trong một cơ thể mới.
Đến 15h44, chuyến bay VN1547 đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phú Bài – Huế. Ngay lập tức đoàn bác sĩ di chuyển lên xe cứu thương đợi sẵn ở sân đỗ để kịp thời mang trái tim đến bệnh viện Trung ương Huế, nơi ekip bác sĩ ghép tim đã sẵn sàng.
Chuyến bay VN1547 hạ cánh xuống sân bay Phú Bài (Ảnh: VNA).
Các bác sĩ xuống máy bay nhanh chóng di chuyển ra xe cứu thương (Ảnh: Trung tâm ghép tạng).
Xe cứu thương có mặt ở sân đỗ đưa các bác sĩ đến BV trung ương Huế kịp thời ghép tạng (Ảnh: Trung tâm ghép tạng).
Theo chia sẻ của một thành viên trong đoàn, mặc dù đã nhiều lần tham gia những chuyến điều phối ghép tạng xuyên quốc gia nhưng mỗi lần đều để lại những cảm xúc đặc biệt.
18h43, đại diện Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã thông báo: ca ghép tạng đã thành công, trái tim đã đập, sự sống lại hồi sinh.
Ca ghép tạng đã thành công. (Ảnh: Trung tâm ghép tạng).
Đầu Nội Bài luôn là sân bay đi và đến của các chuyến bay vận chuyển tạng. Kíp trực trên sân bay Nội Bài luôn đón, tiễn và hỗ trợ đoàn tối đa. Anh Doãn Khắc Tần – NOC, người có duyên với các chuyến bay vận chuyển tạng đầu tiên, xúc động chia sẻ: “Mình thấy đây thật sự là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Cảm giác hỗ trợ bê thùng tạng lên tàu, đặt vào ghế máy bay thật sự xúc động”. Còn đối với anh Lê Minh Quân – NOC, người cũng đã nhiều lần phối hợp vận chuyển tạng nói rằng: CBNV VNA nói chung và NOC nói riêng hết mình hỗ trợ thủ tục, các bác sĩ chỉ việc lên máy bay và chuẩn bị cho công việc chuyên môn thôi”. Được biết, để hỗ trợ các bác sĩ có sức khỏe làm công việc chuyên môn, anh Nguyễn Anh Tuấn – NOC còn chu đáo chuẩn bị những chiếc bánh mì để gửi các bác sỹ mang lên máy bay, kịp lót dạ sau hàng giờ làm việc trong phòng phẫu thuật không ngừng nghỉ… Tất cả chỉ chung một niềm hy vọng về sự sống được hồi sinh.
Ngay lúc này, các bác sĩ Trung tâm ghép tạng đang bay vào TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay cuối ngày của VNA để chuẩn bị cho một hành trình mới nối dài sự sống trên chuyến bay VN208, ngày 16/8 hành trình SGN-HAN mang theo một một trái tim và một lá gan từ bệnh viện Chợ Rẫy về Hà Nội.
Các bác sĩ Trung tâm ghép tạng đang bay vào TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay cuối ngày của VNA để chuẩn bị cho một hành trình mới. (Ảnh: Trung tâm ghép tạng).
Le Thi Hang-COMM