Chuyện kể của người lính về cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn tháng 4 năm 1975

Trong suốt cuộc đời, anh không thể nào quên được thời điểm tháng 4 năm 1975. Những người lính như anh luôn nhớ như in từng chi tiết diễn biến cuộc hành quân thần tốc tiến đánh vào Sài Gòn đi đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tại dấu mốc lịch sử ấy, thời điểm mà anh cùng đồng đội được tắm mình trong niềm vui sướng, hân hoan bất tận của cả dân tộc. Đó là những kỷ niệm sẽ mãi theo anh suốt cả cuộc đời.

Kỷ niệm về cuộc hành quân thần tốc

Trung tuần tháng 4 năm 1975, từ bãi biển Đà Nẵng, đơn vị của anh nhận lệnh lên đường với khẩu hiệu thần tốc. Khi xe chở bộ đội cùng xe kéo pháo ra tới quốc lộ 1 hòa vào đoàn quân của sư đoàn, quân đoàn mới thấy hết được sức mạnh to lớn, sức mạnh bách chiến bách thắng của quân giải phóng. Đoàn xe chở bộ đội các quân binh chủng trải dài vô tận.

Quân từ trên rừng xanh đổ xuống, quân từ Quảng Trị- Thừa Thiên tràn vào, bạt ngàn xe, bạt ngàn cờ giải phóng rùng rùng chuyển động, nhằm thẳng hướng Nam tiến, bỏ lại phía sau những phố xá, làng mạc, bốt đồn vừa giải phóng. Xe bon bon trên đường, nhìn từng đoàn lính ngụy lầm lũi cuốc bộ, thất trận mà lòng dạ anh sung sướng, cứ nghĩ như mơ.

Chặng đường từ Đà Nẵng vào Long Khánh khoảng nghìn cây số, anh đi không vướng một trở ngại nào. Đi đến đâu thì ở đó vừa giải phóng, mảnh đất còn nóng bỏng chiến sự. Tâm trí của anh lúc này là “Tiến về Sài Gòn, trận cuối là trận này”.

Kỷ niệm về trận đánh cuối cùng của đời lính

Đoàn quân tới Long Khánh (miền Đông Nam Bộ) thì di chuyển chậm và rẽ trái đi xuyên trong rừng cao su bạt ngàn. Anh nghe thấy những tiếng ình…ùng… ở phía trước. Linh tính mách bảo chiến sự đang nóng bỏng, rất gần. Đêm hôm ấy, các cánh quân đổ bộ xuống rừng cao su, lính tráng đông nghìn nghịt như chợ ngày Tết.

Sáng hôm sau, đơn vị anh triển khai trận địa ngay cạnh rừng cao su trên khu đất bằng phẳng có mấy bụi cây thấp lòa xòa. Anh nói với anh em: “Phen này chắc được vãi đạn sướng tay đây”. Nhìn bản đồ, anh biết được mục tiêu đánh là căn cứ Nước Trong- Long Thành, Trường Sĩ quan Thiết giáp của ngụy quyền.

alt text

Anh Đặng Văn Mong, người lính trực tiếp tham gia trận đánh ngày 30/4/1975 (Ảnh: NVCC).

Khoảng 8 giờ sáng ngày 28/4/1975, anh được lệnh khai hỏa. Sau cái ấn nút, những quả hỏa tiễn kêu ủ ủ ủ phóng đi. Được vài loạt thì lệnh dừng lại, rồi cả ngày cũng chỉ được vài loạt nữa. Anh sốt ruột: “Chẳng lẽ đánh vào Sài Gòn chỉ có vậy thôi sao?” Sau này mới biết, khi bộ đội ta tấn công thì quân ngụy rút ra rừng cao su, thực hành kiểu đánh du kích. Địch và ta ở thế cài răng lược, pháo không bắn được.

Sang ngày 29/4/1975, xe tăng của lữ đoàn 203 phối hợp cùng bộ binh đã san phẳng căn cứ Nước Trong.

Sáng 30/4/1975, anh nhận lệnh hành quân gấp trên quốc lộ 51 tiến về phía Biên Hòa, rồi Sài Gòn. Thắng lợi ở Nước Trong làm anh rất yên tâm, tinh thần phấn chấn. Giờ đây mọi suy tư của các anh đều hướng về Sài Gòn. Ngồi trên ô tô chạy như bay trên đường quốc lộ, anh thấy rải rác những đám cháy nham nhở, những phương tiện chiến tranh ngổn ngang, những ụ đất đắp ngang đường thành chiến lũy, cùng vô số những xác lính ngụy chết rải rác hai bên xa lộ vào Sài Gòn.

Trưa 30/4/1975, đoàn xe anh đến giữa cầu xa lộ. Ngồi trên xe anh đã bao quát được thành phố Sài Gòn. Đúng lúc này lệnh trên dừng lại. Dừng chân khoảng 1 giờ đồng hồ trên cầu, thì bỗng dưng thấy ầm ầm ở phía trước, không khí huyên náo, toàn đội hình hành quân. Trên các thùng xe, bộ đội ta hô to khản giọng, một số người nhảy cẫng lên la lớn:

“Dương Văn Minh đã đầu hàng rồi”

“Sài Gòn giải phóng rồi”

“Hòa bình rồi, hòa bình rồi, sống rồi”.

Nhìn Sài Gòn, nước mắt lại rưng rưng, cũng như vào Đà Nẵng tháng trước anh lại khóc. Bốn năm trời của đời bộ đội, tầm tã trên các chiến trường Quảng Trị, Quảng Nam, tranh giành với địch từng tấc đất, từng quả đồi. Bao nhiêu ngày rừng thiêng nước độc, khoét núi ngủ hầm, gối đất nằm sương. Sau 30 năm chiến đấu của cả dân tộc mới có ngày hôm nay. Ngày mà anh cùng đồng đội và người dân cả nước mãi không thể nào quên và không được phép lãng quên.

Câu chuyện anh kể về kỉ niệm những cuộc hành quân thần tốc, những trận đánh ác liệt trong thời chiến thật sự hồi hộp và cực kỳ gian nan, vất vả. Mạng sống của những người lính như anh có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Để có một chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, biết bao chiến sĩ đã hy sinh trong độ tuổi còn rất trẻ.

Tôi trân trọng cảm ơn anh và đồng đội đã anh dũng chiến đấu đi đến thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

(Câu chuyện được viết theo lời kể của người lính trực tiếp tham gia trận đánh ngày 30/4/1975.

Anh: Đặng Văn Mong

Sinh ngày: 26-1-1951

Quê quán: xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.)

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.