Cảm nhận từ ánh mắt mẹ Việt Nam anh hùng

Tôi về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Hòa tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào một ngày cuối năm Đinh Dậu, chiều đông, bầu trời như xuống thấp, mưa giăng như mắc cửi càng làm cho miền quê lúa thêm lạnh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tôi về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phạm Thị Hòa tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào một ngày cuối năm Đinh Dậu, chiều đông, bầu trời như xuống thấp, mưa giăng như mắc cửi càng làm cho miền quê lúa thêm lạnh.

Đây rồi, con đường thân quen dẫn tôi vào ngõ nhỏ thôn Ký Con của Mẹ Hòa – một trong bốn mẹ VNAH của huyện Đông Hưng hiện nay Công ty NASCO đang phụng dưỡng. 

alt text
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Hòa.

Bước chân vào khoảng sân trước ngôi nhà tình nghĩa mà Công ty NASCO xây dựng kính tặng Mẹ, thấy dáng người nhỏ thó của Mẹ đang ngồi tựa cửa, dõi mắt nhìn ra khoảng không xa xăm vô định, thẳm sâu trong ánh mắt ấy, tôi cảm thấy như Mẹ đang cố tìm kiếm một điều gì đó vô cùng quý giá đã vuột khỏi tay mình, tôi thấy tim mình nhói đau.

Chào Mẹ! nhưng sao thấy lòng mình nghẹn lại, cầm bàn tay khô ráp, hao gầy mà bao cực nhọc cuộc đời của Mẹ đã hằn chai lên đó, tôi muốn dành cho Mẹ tình cảm thật nhiều, Mẹ bảo cứ mỗi chiều Mẹ lại ngồi như vậy để ngóng đợi một một phép màu nào đó sẽ mang hình ảnh thân thương về với Mẹ, để cho vơi bớt đi nỗi khắc khoải trong lòng mà bao ngày tháng qua Mẹ thương nhớ khôn nguôi, mặc dù biết điều đó là vô vọng, là không thể nhưng Mẹ vẫn luôn hy vọng, chờ trông.

Mười chín tuổi, theo chồng về làm dâu nhà họ Vũ, Mẹ bảo rằng cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cực nhọc nhưng bao nhiêu tình cảm thương yêu, ông đều dành hết cho Mẹ, hai người con của Mẹ được đơm hoa, kết trái lần lượt ra đời trong tình yêu và sự vui mừng của Cha Mẹ và hai bên gia đình. Những ngày tháng ấy ông tham gia hoạt động cách mạng chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, nay đơn vị này, mai địa phương khác, do vậy Ông không được chứng kiến sự ra đời của những đứa con thân yêu của mình. Một mình Mẹ tần tảo, chèo chống nuôi con để ông yên tâm công tác, thế rồi vào chiều hè năm 1953, Mẹ không thể tin nổi khi nhận được tin chồng mình – ông Vũ Văn Trấn đã hy sinh, trời đất như sụp xuống chân Mẹ. Mẹ bảo rằng từ đó Mẹ vĩnh viễn mất ông, hình ảnh người chồng mà Mẹ hết mực yêu thương sẽ mãi mãi sẽ không bao giờ trở về trong vòng tay yêu thương của Mẹ nữa rồi. 

Trong suốt những năm tháng của một thời tuổi trẻ, bao khó khăn chồng chất, Mẹ chỉ biết làm lụng và dành trọn tình yêu thương cho hai người con của mình để các con không cảm thấy thiệt thòi khi thiếu đi sự quan tâm, dậy dỗ của người Bố kính yêu. Mẹ nói, các con luôn biết nghe lời chăm ngoan, cứ mỗi chiều đi làm về nhìn các con khôn lớn vui chơi, học hành chăm chỉ là bao khó khăn, mệt nhọc trong người của Mẹ đều tan biến. 

Thời gian dần trôi, người con gái của Mẹ lớn lên đi xây dựng gia đình riêng, nhưng phận mỏng chị đã mất do bị trọng bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ. Còn lại người con trai, anh Vũ Văn Vấn lớn lên đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, phận làm trai khi đất nước có chiến tranh anh xin phép Mẹ được noi theo tấm gương hy sinh anh dũng của người Cha và tiếp bước lên đường tòng quân giết giặc. 

Những ngày trở thành chiến sỹ sống trong đời quân ngũ, từ các chiến trường xa xôi, tranh thủ những khoảng lặng hiếm hoi giữa hai trận đánh, hay những lúc dừng chân trên đường hành quân, anh thường xuyên viết thư về động viên để Mẹ yên tâm và vơi bớt đi những âu lo khi xa đứa con yêu. Thế rồi những cánh thư về cũng thưa dần, Mẹ hiểu được sự cam go, ác liệt của cuộc chiến, ở nơi quê nhà Mẹ luôn cầu mong cho con trai và đồng đội của con chân cứng, đá mềm, tránh được hòn tên, mũi đạn của kẻ thù nơi trận mạc, nhưng điều đau xót lại đến với Mẹ. Trong những tháng ngày ác liệt của cuộc chiến giữa mùa hè năm 1972 đỏ lửa, trận đánh quyết định trong 72 ngày đêm giành giật giữa ta và địch tại Thành cổ Quảng Trị, người con trai của Mẹ – Liệt sỹ Vũ Văn Vấn đã anh dũng hy sinh, hài cốt của anh hiện vẫn chưa tìm thấy. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, những ngày tháng đau buồn ấy tưởng chừng Mẹ không thể gượng dậy nổi, nghe Mẹ kể về những mất mát đau thương, tôi hiểu những giọt nước mắt đặc quánh, chát mặn đã lặn sâu vào cuộc đời của Mẹ…

Lãnh đạo Công đoàn TCT và Công ty NASCO chụp ảnh cùng Mẹ Phạm Thị Hòa tại buổi lễ tặng nhà tình nghĩa cho Mẹ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Hòa đã đóng góp những người thân yêu nhất của mình cho ngày toàn thắng của đất nước, sự hy sinh của Mẹ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Dù Mẹ không còn những người thân yêu nhất, nhưng Mẹ vẫn có những người con hiện đang công tác và giữ các vị trí trọng trách quan trọng của xã Đông Xuân như anh Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã hàng ngày vẫn thường dành thời gian lui tới thăm hỏi, là bà con nối xóm tối lửa tắt đèn có nhau vẫn thường ngày sang chia sẻ, động viên Mẹ nhất là khi Mẹ đau yếu và những lúc trái gió trở trời, hay như Anh Tám – nguyên Trưởng công an, anh Thịnh- Trưởng Công an huyện Đông Hưng và những cán bộ, chiến sỹ của Công an huyện Đông Hưng; Anh Trần Xuân Cương- Chủ tịch Công đoàn Công ty, chị Nguyễn Thị Suy, Chị Phạm Bích Hà cùng những cán bộ công nhân viên Công ty NASCO những người con thuộc hai đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ. 

Những năm tháng qua cứ mỗi dịp tri ân ngày Thương binh- Liệt sỹ 27/7 hay Tết cổ truyền của dân tộc, các con lại về ngôi nhà thân thương của mẹ với tấm lòng thành kính thắp nén tâm nhang dâng lên vong linh các anh hùng Liệt sỹ và động viên, chăm sóc để Mẹ thêm ấm lòng.

Mải mê chuyện trò cùng Mẹ, bất chợt tôi nghe giọng hát trên sóng truyền hình nhà bên vang lên da diết “Nước mắt Mẹ không còn, để khóc những đứa con…” tôi nhận thấy cuộc đời Mẹ VNAH Phạm Thị Hòa thật đúng như dáng hình người Mẹ mà nhạc sỹ Xuân Hồng đã từng viết trong nhạc phẩm “Người Mẹ của tôi”, một niềm thương kính và nỗi buồn day dứt trào dâng, tôi thấy lòng mình se lại.

Mẹ Hòa ơi, con biết Mẹ còn bao điều trăn trở, chừng nào chưa đón được người con trai thân yêu nhất của mình trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ nơi quê nhà yêu dấu, chừng đó Mẹ còn trăn trở khôn nguôi. Nhưng Mẹ ơi, dù đang yên nghỉ nơi nào thì con trai của Mẹ vẫn được yên ấm trong tình thân yêu đồng đội và của người dân đất Việt quê mình, hãy vui lên Mẹ nhé, chúng con mãi biết ơn Mẹ, mong Mẹ hãy yên lòng. 

                                                                              Mạnh Hiền – NASCO

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.