Vietnam Airlines được biết đến là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam với văn hóa doanh nghiệp sâu sắc và độc đáo. Hãng xác định trong chiến lược cạnh tranh hiện đại, chất lượng sản phẩm mới chỉ là sự khởi đầu và sự khác biệt trong định vị thương hiệu không còn là yếu tố quyết định, bản sắc văn hoá mới là nền tảng cốt lõi để hãng vượt trội trước đối thủ cạnh tranh và chinh phục khách hàng. Văn hoá doanh nghiệp là đòn bẩy giúp hãng kiến tạo một chiến lược cạnh tranh mới trong bối cảnh chuyển dịch rất nhanh trong thời đại số.
Thực tế trong quá trình phát triển, nhờ chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang đậm bản sắc Việt Nam, kết hợp những giá trị truyền thống và hiện đại đã góp phần khẳng định vị thế Vietnam Airlines trong ngành hàng không khu vực và quốc tế.
Theo đó, Vietnam Airlines xác định năm trụ cột quan trọng của văn hóa doanh nghiệp bao gồm: Văn hóa an toàn, Văn hóa chính trực, Văn hóa nâng tầm dịch vụ, Văn hóa học tập và Văn hóa số.
Riêng về văn hóa học tập, trụ cột này được thể hiện thông qua 5 khía cạnh, được nêu rõ trong cuốn “Sổ tay Văn hóa Vietnam Airlines”.
Đầu tiên là tổ chức học tập, Vietnam Airlines xác định muốn phát triển và đứng vững trong môi trường cạnh tranh đầy biến động thì Vietnam Airlines cần phải xây dựng trở thành tổ chức học tập.
Thứ hai là học tập suốt đời, Văn hóa học tập đòi hỏi mọi người lao động biết học tập suốt đời. Học tập suốt đời bao gồm tất cả các hoạt động học tập được diễn ra một cách liên tục và kế thừa với mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực.
Thứ ba là khuyến khích học tập, Vietnam Airlines khuyến khích mọi thành viên học tập, truyền đạt đến nhân viên thông điệp, ý nghĩa tầm quan trọng của việc học tập. Yêu cầu giải quyết công việc một cách khoa học, sáng tạo; việc này đòi hỏi nhân viên luôn trau dồi kiến thức và học tập không ngừng.
Thứ tư là học tập lẫn nhau, Vietnam Airlines xây dựng cơ chế để các thành viên trong tổ chức học tập lẫn nhau, học tập rút kinh nghiệm từ những thành công và thất bại thực tế của tổ chức. Sự truyền đạt giữa các thành viên và học tập từ thực tế thu được hiệu quả cao. Khuyến khích tinh thần làm việc nhóm, lan truyền xuyên suốt trong tổ chức.
Thứ năm là tài sản tri thức, kiến thức, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu được xem như là tài sản của Vietnam Airlines. Mỗi thành viên có thể sử dụng tài sản này phát triển bản thân và xây dựng Vietnam Airlines.
Tại Vietnam Airlines, văn hóa học tập tạo ra môi trường làm việc khuyến khích, hỗ trợ nhân viên học tập liên tục, phát triển bản thân và nâng cao năng lực chuyên môn. Văn hóa được thể hiện cụ thể bằng các hoạt động triển khai thực hiện học tập và xây dựng văn hóa học tập. Có thể thấy như, Vietnam Airlines cung cấp đa dạng các chương trình đào tạo nội bộ, đào tạo bên ngoài, các khóa học trực tuyến,..Trong đó, đặc biệt chú trọng ứng dụng các công nghệ đào tạo tiên tiến như lớp học trực tuyến e-learning, quản lý và lưu trữ kết quả học tập trên nền tảng số…
Tổng công ty cũng luôn luôn khuyến khích khả năng tự học của nhân viên đồng thời hỗ trợ nhân viên tự học bằng cách cung cấp tài liệu học tập, tạo điều kiện tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên ngành. Nhân viên tích cực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau thông qua các buổi trao đổi, hội thảo, bình giảng…
Định hướng xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Vietnam Airlines tập trung vào yếu tố con người và mong muốn phát triển bản thân của nhân viên. Những cán bộ nhân viên nỗ lực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết và sáng kiến hữu ích, giàu tính ứng dụng được Tổng công ty khen thưởng và khuyến khích bằng những chương trình cụ thể, thiết thực.