Văn bản liên quan đến Hàng không
Quyết định 3161/QĐ-CHK của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành ngày 19/12/2024 về việc áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường dịp Lễ kỷ niệm 22/12/2024, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán năm 2025 (Quyết định).
Thời gian áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 từ ngày 26/01 – 02/02/2025 (tức ngày 25 tháng chạp đến hết ngày mồng 5 Tết âm lịch 2025).
Từ ngày 28/01- 29/01/2025 (tức từ ngày 29 tháng chạp đến hết ngày Mồng 1 Tết âm lịch), áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh hàng không như cấp độ 1, nhưng các đơn vị có lực lượng kiểm soát an ninh hàng không cần tăng cường 20% quân số trực.
Các đơn vị được yêu cầu áp dụng cụ thể một số biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh hàng không từ ngày 19/12/2024 đến hết ngày 02/01/2025.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay (VAECO) chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với công an địa phương để kịp thời nắm tình hình, sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh, đảm bảo liên lạc thông suốt với các cơ quan, đơn vị theo quy định.
Các cảng hàng không chủ động bố trí bổ sung nhân sự, trang thiết bị cần thiết khi lưu lượng hành khách thông qua cảng hàng không, sân bay gia tăng. Các cảng hàng không cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, quản lý, nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định trong thực hiện nhiệm vụ.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung một số biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường như: tăng tần suất tuần tra khu vực công cộng, kiểm soát đồ vật hành lý không xác nhận được chủ; thường xuyên kiểm tra các thùng rác, khu vực vệ sinh và các nơi khuất; kiểm soát ra/vào khu vực hạn chế; khu vực soi chiếu đối với hành khách, hành lý xách tay, người không phải hành khách và đồ vật mang theo ra/vào hoạt động tại khu vực hạn chế.
Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu rà soát, duy trì tốt các quy trình, thủ tục bảo đảm an ninh hàng không thuộc trách nhiệm của hãng. Phối hợp chặt chẽ với cảng vụ hàng không và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không trong việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an ninh, an toàn tại khu vực làm thủ tục hàng không, khu vực hạn chế và trên tàu bay theo quy trình xử lý đối với vụ việc vi phạm.
Triển khai nghiêm quy trình, thủ tục kiểm tra an ninh tàu bay trước khi tiếp nhận hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu gửi lên tàu bay và sau khi hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu gửi xuống hết khỏi tàu bay theo quy định.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không khác, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu duy trì nghiêm các quy định về công tác kiểm soát an ninh nội bộ và an ninh thông tin.
Tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục kiểm soát an ninh hàng không với khu vực hạn chế của đơn vị, cũng như phối hợp chặt chẽ với cảng hàng không, đại diện hãng hàng không, cảng vụ hàng không, lực lượng kiểm soát anninh hàng không, công an và chính quyền địa phương xử lý các vụ việc vi phạm tại địa bàn hoạt động.
Chi tiết tại : https://caa.gov.vn/van-ban/3161-qd-chk-30377.htm
Văn bản Quy phạm pháp luật
- Quản lý, cung cấp và sử dụng internet, thông tin trên mạng
Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định), có hiệu lực từ 25 tháng 12 năm 2024.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định (Điều 1):
“Nghị định này quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; Thông tin trên mạng; Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng”.
Nghị định quy định một số nội dung liên quan đến người cung cấp dịch vụ và người dùng dịch vụ internet như sau:
Quy định về xác thực tài khoản mạng xã hội K 11 Điều 82 Nghị định này quy định bắt buộc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động hoặc số định danh cá nhân. Nội dung quy định này nhằm nâng cao tính minh bạch của thông tin và hạn chế tình trạng tài khoản ảo lan truyền thông tin sai lệch. Như vậy, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được phép đăng tải thông tin, livestream, bình luận hay chia sẻ nội dung trên mạng xã hội;
Điều 26 Nghị định quy định chặt chẽ hơn hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, các trang thông tin điện tử tổng hợp không được phép sử dụng tên miền hoặc tên gọi gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, cũng như không được sử dụng từ ngữ như “báo”, “tạp chí”, “tin tức”. Nội dung dẫn lại chỉ được phát hành theo đúng thời gian trong thỏa thuận (bằng văn bản) giữa cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng không sớm hơn 01 giờ tính từ thời điểm phát hành nội dung nguồn; nội dung dẫn lại phải gỡ ngay sau khi nội dung nguồn bị gỡ (không chậm hơn 03 giờ sau khi nội dung nguồn bị gỡ). Các trang thông tin điện tử muốn sản xuất nội dung liên kết phải có văn bản thỏa thuận với cơ quan báo chí.
Điều 28 Nghị định quy định về Điều kiện quản lý nội dung thông tin đối với Trang thông tin tổng hợp, trong đó có cơ chế kiểm soát nguồn thông tin… Nội dung đăng lại phải chậm hơn ít nhất một giờ so với nguồn gốc và chỉ được phép sử dụng thông tin từ ít nhất ba cơ quan báo chí khác nhau;
Điều 22 Nghị định quy định Bộ TT&TT, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ quản lý và xử lý các vi phạm, đặc biệt là những thông tin có dấu hiệu xâm phạm an ninh quốc gia hoặc gây nguy hại đến xã hội, an ninh quốc gia, bí mật quân sự…
Mục 3 Chương 3, Khoản 3, Nghị định quy định về trò chơi điện tử trên mạng. Cụ thể, các trò chơi có nội dung mô phỏng casino hoặc sử dụng hình ảnh lá bài sẽ không được cấp phép hoạt động. Đây là biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng biến tướng, trá hình của các trò chơi điện tử thành cờ bạc, đổi thưởng bất hợp pháp, gây nguy hại cho xã hội;
Điểm mới về sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi được quy định tại Điểm a, K 3 Điều 27 Nghị định: Trẻ em chỉ được phép sử dụng tài khoản mạng xã hội khi có sự đăng ký và giám sát của cha mẹ hoặc người giám hộ. Nội dung này bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại và xây dựng môi trường mạng an toàn hơn cho đối tượng dễ tổn thương này.
- Sửa đổi một số Điều Nghị định 91/2015/NĐ-CP
Nghị định số 167/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/12/2024 Sửa đổi, một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ và đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ. Nghị định có hiệu lực từ 26/12/2024.
Nghị định quy định quyền, trách nhiệm, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 48, Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các nội dung sau:
Điểm a, Khoản 3, Điều 1: Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp mà mình làm đại diện vốn để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên theo quy định. Trước khi chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có văn bản xin ý kiến gửi đến cơ quan tài chính cùng cấp (đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên). Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu (gửi kèm theo: Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp hiện hành, báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và phương án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp), cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến để cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên. Phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm tại doanh nghiệp có cố phần, vốn góp của Nhà nước (trừ tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước) phải đảm bảo thực hiện theo các nguyên tắc:
Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định.
Trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp (nếu Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp có quy định việc trích lập Quỹ này).
Trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Lợi nhuận còn lại thực hiện chia hết bằng tiền, bằng cổ phiếu cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hiệu quả.
Ngoài ra còn có các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở lên căn cứ các quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Nghị định này để có ý kiến sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước và các quy chế quản trị nội bộ khác cho phù hợp khi quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và tổ chức thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp khác.
Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ đạo người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ từ 50% vốn điều lệ trở lên căn cứ các quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Nghị định này để có ý kiến sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các quy chế quản trị nội bộ khác cho phù hợp khi quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và tổ chức thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp khác.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-167-2024-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-91-2015-ND-CP-dau-tu-von-nha-nuoc-vao-doanh-nghiep-592009.aspx
Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 1/11/2024 của Chính phủ quy định về Bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Nghị định quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Trợ cấp tai nạn lao động.
Có 02 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện (Điều 4), gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tai nạn lao động.
Về giám định mức suy giảm khả năng lao động. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có thể tự giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi: đã điều trị ổn định sau chấn thương lần đầu hoặc tái phát, hoặc không thể điều trị ổn định.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả phí giám định đối với người lao động chủ động đi giám định nếu kết quả đủ điều kiện hưởng hoặc tăng mức trợ cấp. Việc chi trả chi phí giám định thực hiện đồng thời với thời điểm trả trợ cấp tai nạn lao động theo Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP.
Việc trợ cấp lao động tự nguyện thực hiện theo Điều 7.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bao-hiem/Nghi-dinh-143-2024-ND-CP-bao-hiem-tai-nan-lao-dong-hinh-thuc-tu-nguyen-khong-theo-hop-dong-lao-dong-357349.aspx
- Chính sách cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng
Nghị định 177/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng, có hiệu lực 01/01/2025.
Đối tượng áp dụng trong Nghị định 177/2024/NĐ-CP gồm:
Cán bộ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) giữ chức vụ, chức danh chuyên trách do bầu cử theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã nhưng không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy cùng cấp.
Cán bộ quy định tại khoản này áp dụng đối với cả trường hợp cán bộ đủ điều kiện về tuổi tái cử cấp ủy nhưng không đủ tuổi tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội tại thời điểm bầu cử, đại hội cùng cấp để bầu các chức danh đó.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân giữ chức vụ, chức danh thuộc cơ cấu tham gia cấp ủy, ủy viên chuyên trách Ủy ban kiểm tra cùng cấp nhưng không đủ điều kiện về tuổi để tái cử cấp ủy cùng cấp.
Đối với trường hợp này, độ tuổi nghỉ hưu được tính theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công chức giữ chức vụ bổ nhiệm có thời hạn mà chức vụ đang giữ thuộc cơ cấu tham gia cấp ủy cùng cấp nhưng không đủ điều kiện về tuổi để tái cử cấp ủy (bao gồm cả các chức vụ, chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, phường nơi thực hiện chính quyền đô thị; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã).
Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy cùng cấp, có thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu tổ chức đại hội còn từ 30 tháng đến 60 tháng thì đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vì sắp xếp nhân sự cấp ủy, bản thân có nguyện vọng nghỉ hưu và được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được cấp có thẩm quyền cho nghỉ công tác, nghỉ hưu theo Thông báo Kết luận số 20-TB/KL ngày 08 tháng 9 năm 2022 của Bộ Chính trị.
Không áp dụng chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này đối với các trường hợp sau đây:
+ Thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật về tinh giản biên chế;
+ Đã có thông báo nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu của cấp có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo, quyết định nghỉ hưu nhưng thời gian công tác còn từ đủ 06 tháng trở xuống, tính từ ngày tổ chức đại hội các cấp đến ngày nghỉ hưu theo quy định;
+ Người không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm cấp ủy các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) nhưng vẫn tiếp tục công tác ở các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-177-2024-ND-CP-che-do-chinh-sach-khong-tai-cu-tai-bo-nhiem-nghi-huu-theo-nguyen-vong-633116.aspx
- Chính sách Chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức khi sắp xếp bộ máy tại Nghị định 178/2024
Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày quy định về chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức
Điều 9 Nghị định quy định chính sách nghỉ thôi việc do sắp xếp bộ máy:
Công chức lãnh đạo, quản lý và công chức; Cán bộ, công chức cấp xã có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu, không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:
Được hưởng trợ cấp thôi việc:
Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.
Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.
Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
- Chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng
Nghị định 179/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2024 quy định về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cơ sở, có hiệu lực 01/01/2025, có điểm cần chú ý sau:
Đối tượng áp dụng gồm:
Cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã), viên chức;
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng;
Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài.
Các nguyên tắc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng quy định tại Nghị định:
Việc thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng phải tuân thủ, chấp hành đầy đủ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bảo đảm thống nhất, đồng bộ và khả thi từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh.
Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đúng đối tượng, thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài năng. Việc thực hiện chính sách trọng dụng phải tương xứng với đóng góp của người có tài năng, gắn với đánh giá hàng năm thông qua sản phẩm, chất lượng công việc cụ thể.
Kinh phí thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/12/2025 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 01/01/2025.
Theo Nghị định này, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng cao so với các quy định trước đó, như:
Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông phạt từ 20 – 22 triệu đồng (trước đó chỉ 400 – 600 nghìn đồng)
Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông đối với ô tô: 18-20 triệu đồng (trước đó 04 – 06 triệu đồng); đối với xe máy 04 – 06 triệu đồng (trước đó là 800.000 đồng – 01 triệu đồng)
Người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông phạt 18 – 20 triệu đồng (trước đó chỉ 04 – 06 triệu đồng)…
10 Luật có hiệu lực từ 01/01/2025
- Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới như: thay đổi phân hạng của GPLX, tăng độ tuổi tối đa của người lái xe, quy định về kiểm định khí thải xe máy… Trong đó, có một số điểm mới:
Điều 58 Quy định về điểm của GPLX: Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe được phân chia thành 15 hạng, tăng 2 hạng so với quy định hiện nay, gồm các hạng GPLX: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E.
Chi tiết xem tại: https://luatvietnam.vn/giao-thong/luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-cua-quoc-hoi-so-36-2024-qh15-360844-d1.html
- Luật Đường bộ 2024
Luật Đường bộ 2024 gồm 6 Chương, 86 Điều, quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Một số nội dung quy định mới của Luật Đường bộ 2024 như: Bổ sung mới loại “đường thôn” thuộc đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ, do địa phương quản lý; Quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho các loại xe điện; Thanh toán điện tử giao thông đường bộ… Bổ sung quy định về hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô, quy định trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô; trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Điều 70).
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Luat-Duong-bo-2024-588811.aspx
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản 2024
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024, có điểm chú ý là bổ sung quy định về đấu giá trực tuyến, cụ thể:
Việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến (Điều 43a).
Việc xây dựng, quản lý và vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến được thực hiện theo quy định của pháp luật về thông tin và truyền thông, pháp luật về thương mại điện tử và pháp luật về đấu giá tài sản.
Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác (Điều 43b).
Chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí thuê trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024.
Chi tiết xem tại: https://luatvietnam.vn/tai-chinh/luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-dau-gia-tai-san-cua-quoc-hoi-so-37-2024-qh15-360814-d1.html
- Luật Thủ đô 2024
Điều 2 Luật Thủ đô 2024 ghi rõ: Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
Trụ sở cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Điều 8 Luật Thủ đô 2024 quy định chính quyền địa phương ở TP. Hà Nội, cấp huyện (huyện, quận, thị xã), thành phố thuôc Thành phố, cấp xã (xã, thị trấn) gồm: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (UBND), không có Hội đồng nhân dân cấp phường.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Thu-do-2024-575158.aspx
- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có điểm mới quy định về thẩm phán như sau:
Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác Điều 100.
Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Thẩm phán Tòa án nhân dân được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án, khi được phân công lại làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Thẩm phán không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại được bố trí công tác khác phù hợp; khi đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân và có nguyện vọng thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân được tính là nhiệm kỳ đầu.
Quy định về Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, cụ thể:
Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt) tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-To-chuc-Toa-an-nhan-dan-2024-580434.aspx
- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, có những điểm mới chú ý sau:
Khoản 4 Điều 2 bổ sung dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ trừ trường hợp được coi là vũ khí quân dụng…
Khoản 2 Điều 2 bổ sung các loại vũ khí là vũ khí quân dụng bao gồm cả súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi…
Điểm g, khoản 2 Điều 23 quy định về các trường hợp được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo. Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.
Chi tiết xem tại: https://luatvietnam.vn/an-ninh-quoc-gia/luat-quan-ly-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-va-cong-cu-ho-tro-cua-quoc-hoi-so-42-2024-qh15-360811-d1.html
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024 sửa đổi, bổ sung một số quy định mới, như:
Bổ sung đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế theo đề nghị của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ Điều 12.
Quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng: Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c hoặc d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều 12”.
Chi tiết xem tại: https://luatvietnam.vn/an-ninh-trat-tu/luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-canh-ve-so-40-2024-qh15-360810-d1.html
- Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023, có điểm cần chú ý:
Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thường trú trong phạm vi bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Điều 26 Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 gồm về giáo dục, y tế, lao động, việc làm, sản xuất, kinh doanh và chính sách an sinh xã hội.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-quan-ly-bao-ve-cong-trinh-quoc-phong-va-khu-quan-su-25-2023-QH15-548477.aspx
- Luật sửa đổi, bổ sung 09 Luật 2024
Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 10.
Trong đó có quy định về thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện một trong các hành vi sau đây:
Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán;
Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat-doanh-nghiep/bai-viet/luat-so-56-2024-qh15-luat-sua-9-luat-ke-toan-chung-khoan-co-hieu-tu-dau-nam-2025-10025.html
- Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024
Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024, có điểm chú ý: Điều 177 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số chương, điều của Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14, có điểm chú ý sau:
Bãi bỏ chương XII;
Bỏ từ “tư pháp” tại điểm g khoản 1 Điều 134.
Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số chương, điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 02/2021/QH15 và Luật số 34/2024/QH15.
Luật quy định trong vụ án hình sự có bị can là người chưa thành niên và người thành niên thì Cơ quan điều tra tách vụ án hình sự để giải quyết vụ án độc lập đối với bị can là người chưa thành niên (Điều 143).
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-2024-so-59-2024-QH15-606865.aspx