Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA) thành lập năm 1945 tại Havana, Cuba. Thời kỳ đầu, IATA có 57 thành viên là các hãng hàng không đến từ 31 quốc gia, chủ yếu là Châu Âu và Bắc Mỹ. Ngày nay, IATA có 305 thành viên đến từ 120 quốc gia trên toàn cầu, có trụ sở tại Montreal, Canada với hơn 60 văn phòng trên toàn thế giới.
Với việc gia nhập IATA năm 2006 và là hãng hàng không đầu tiên của Đông Nam Á được kết nạp thành viên của Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam năm 2010, Vietnam Airlines đã đánh dấu quá trình hội nhập quốc tế thành công, xây dựng nên một thương hiệu lớn, giàu sức cạnh tranh của đất nước, là cầu nối đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới.
Hãy cùng VNA Spirit tìm hiểu kỹ hơn về cơ quan thương mại quốc tế, được thành lập cách đây gần 80 năm.
Tầm nhìn và sứ mệnh của IATA:
“Hợp tác cùng nhau để định hình sự phát triển trong tương lai của ngành vận tải hàng không đảm bảo an toàn bền vững, kết nối và làm phong phú thêm thế giới của chúng ta”.
IATA là đại diện dẫn đầu và phục vụ cho ngành hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không đơn giản hóa các quy trình khai thác an toàn – hiệu quả, bảo mật, tăng sự thuận tiện cho hành khách đồng thời giảm chi phí.
Tổ chức của IATA
1. Board of Governors: gồm Tổng Giám đốc IATA và CEOs của 30 hãng hàng không thành viên.
2. 09 Hội đồng cố vấn:
- Cargo Advisory Council
- Digital Transformation Advisory Council
- Distribution Advisory Council
- Industry Affairs Advisory Council
- Industry Financial Advisory Council
- Legal Advisory Council
- Operations Advisory Council
- Security Advisory Council
- Sustainability and Environment Advisory Council
Mỗi hội đồng cố vấn gồm tối đa 20 chuyên gia từ các hãng hàng không thành viên đóng vai trò đại diện cho các hãng hàng không thành viên.
3. Thành viên IATA: 305 hãng hàng không.
Lợi ích khi trở thành thành viên của IATA
1. An toàn là số một, IATA thiết lập và liên tục phát triển bộ tiêu chuẩn an toàn khai thác IOSA dựa trên các Phụ ước của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO annexes), bên cạnh đó đáp ứng các quy định của Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu (EASA -EC), quy định của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA FAR 129).
IOSA là bộ tiêu chuẩn bắt buộc đối với tư cách thành viên IATA, được thực hiện đánh giá gia hạn 2 năm/lần hoặc đánh giá kiểm chứng và là một phần quan trọng trong chương trình an toàn của IATA.
2. Xây dựng môi trường và phát triển bền vững: IATA đi đầu trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường của ngành hàng không và giúp thúc đẩy ngành hướng tới tăng trưởng trung tính với carbon và hướng đến một tương lai không carbon.
3. Tăng cường trao đổi thông tin: chỉ các thành viên IATA mới có thể là thành viên của các Hội đồng, Ủy ban và Nhóm làm việc của IATA, là cầu nối giúp hãng hàng không tăng cường trao đổi và đối thoại với nhiều hãng hàng không và đối tác trong ngành.
Trong đó không thể không nhắc đến hai sự kiện lớn, đó là Đại hội thường niên IATA và Hội nghị thượng đỉnh vận tải hàng không thế giới quy tụ đại diện của các hãng hàng không quốc tế hàng đầu như Delta Air Lines, Aeroflot, United Airlines, American Airlines Air France, Air Canada, Air Europa, Cathay Pacific, China Airlines, China Eastern, Japan Airlines, Vietnam Airlines… và các nhà sản xuất máy bay Airbus, Boieng…
4. Tham gia huấn luyện, đào tạo hành khách, hàng hóa và an toàn.
Hành trình VNA gia nhập IATA
Năm 2005, Vietnam Airlines bắt đầu chương trình đánh giá IOSA. Năm 2006, sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá về quá trình phát triển, khả năng thực tế cũng như uy tín và chất lượng của Vietnam Airlines, IATA đã chính thức đưa Vietnam Airlines vào danh sách thành viên của tổ chức.
Để trở thành thành viên chính thức của IATA, cùng với đơn xin gia nhập Hiệp hội và bản báo cáo tài chính được kiểm toán trong 2 năm, VNA đã phải vượt qua cuộc đánh giá hết sức khắt khe về an toàn khai thác của IATA do công ty Aviation Quality Services (AQS) thực hiện. Để đạt được chứng chỉ an toàn khai thác này của IATA (Chứng chỉ IOSA-IATA Operational Safety Audit) Vietnam Airlines đã đáp ứng đầy đủ hàng trăm yêu cầu thuộc 8 lĩnh vực hoạt động của một Hãng hàng không bao gồm: Tổ chức và hệ thống quản lý; Khai thác; Kiểm soát khai thác và điều phối bay; Kỹ thuật máy bay và công tác bảo dưỡng; Khai thác trên không; Khai thác mặt đất; Khai thác vận tải hàng hoá; An toàn an ninh trong khai thác…
TGĐ Lê Hồng Hà – Chủ tịch UBAT VNA Group làm việc cùng đoàn đánh giá IOSA trong lần đánh giá chứng chỉ an toàn khai thác IOSA năm 2022.
Vietnam Airlines trở thành thành viên của IATA không những đem lại lợi ích về thương mại mà còn có ý nghĩa rất lớn về xây dựng, quảng bá tên tuổi của Hãng, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định đẳng cấp quốc tế của thương hiệu cũng như chất lượng toàn cầu của các loại hình dịch vụ mà Vietnam Airlines đang cung cấp cho khách hàng.
Năm 2023 Vietnam Airlines được chọn là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn và Khai thác thế giới của IATA (IATA Global Safety & Operation Conference) đã chứng tỏ vị thế, uy tín của mình trên trường quốc tế. Sự kiện diễn ra vào tháng 9 tới đây và dự kiến có sự tham gia của hơn 800 nhà lãnh đạo hàng không hàng đầu thế giới.
———————-
Năm 2005, Vietnam Airlines bắt đầu chương trình đánh giá An toàn khai thác IOSA
Năm 2006: Vietnam Airlines chính thức trở thành thành viên của IATA
Năm 2007: Gia hạn IOSA lần 1
Năm 2009: Gia hạn IOSA lần 2
Năm 2011: Gia hạn IOSA lần 3
Năm 2013: Gia hạn IOSA lần 4
Năm 2015: Gia hạn IOSA lần 5 (VNA tiên phong tự nguyện volunteer E-IOSA trước thời hạn 2 năm)
Năm 2017: Gia hạn IOSA lần 6
Năm 2018: Đánh giá kiểm chứng (lần thứ 7)
Năm 2019: Gia hạn IOSA lần 8
Năm 2021: Gia hạn IOSA lần 9 (đánh giá remote audit)
Năm 2022: Gia hạn IOSA lần 10
Năm 2024: Chuẩn bị phương thức đánh giá Risk based IOSA
Lê Hằng-COMM, Thu Trang-SQD