Thời gian qua, bằng thuyết âm mưu, các thế lực thù địch triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, internet và mạng xã hội để liên lạc, chỉ đạo trực tiếp, tuyên truyền, lôi kéo, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, bóp méo tình hình dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở nước ta, phủ nhận đường lối và chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ nỗ lực và kết quả phòng chống dịch bệnh Covid-19 của chính phủ, xúi giục đòi thành lập mô hình nhà nước “tam quyền phân lập”… kích động đồng bào xuống đường biểu tình chống đối chính quyền.
Có thể nhận định rằng, các thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động đang ngày càng tinh vi, hoạt động chống phá có sự liên kết, phù trợ, tương tác lẫn nhau giữa các hội nhóm một cách có tổ chức, có hệ thống, bài bản hơn. Không chỉ dừng lại ở việc thụ động nhận các nguồn tài trợ từ các tổ chức phản động ngoài nước, hoạt động của các thế lực cực đoan đã được phát triển thành hệ thống bao gồm một chuỗi các hoạt động: từ tạo nguồn tài chính để nuôi sống bộ máy đến thúc đẩy “dân chủ hóa” truyền thông xã hội, tiến tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” toàn xã hội. Giai đoạn gần đây, các thủ đoạn sử dụng thuyết âm mưu để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc khá phổ biến trên mạng xã hội, bao gồm:
Những thủ đoạn lợi dụng Thuyết âm mưu để trục lợi, tạo nguồn cho các hoạt động bất chính
Việc tạo dựng các Clip không có thật nhằm định hướng cộng đồng mạng tin và đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo (Bitcoin..), thị trường ngoại hối Forex và thị trường giao dịch nhị phân giả là một trong những thuyết âm mưu mang lại nguồn thu nhập bất chính lớn cho các đối tượng tội phạm trong và ngoài nước trong thời gian vừa qua.
Các đội nhóm lừa đảo đã tạo dựng lên hình ảnh giàu có, phất lên nhanh chóng của một số nhân vật, tung các Clip “khoe mẽ” của những người tự xưng là Kols (người dẫn dắt các hội nhóm trên mạng xã hội), các nhà đầu tư vào các thị trường tiền ảo, tiền kỹ thuật số… để làm cho một bộ phận cộng đồng mạng tin rằng tiền ảo và các sàn giao dịch ngoại hối là công cụ làm giàu nhanh chóng, hiệu quả và đỡ tốn công sức.
Không chỉ có vậy, thuyết âm mưu của các thế lực tội phạm còn được khuếch trương gấp bội khi chúng tìm cách quảng cáo và truyền thông tiền ảo trên trang cá nhân của một số nhân vật nổi tiếng. Từ đó chúng chiêu dụ được ngày càng nhiều người chơi và biến họ trở thành nguồn “cống nạp” thu nhập cho chúng. Tiền lừa đảo được từ “các nhà đầu tư cả tin” sau đó sẽ chảy máu ra nước ngoài qua các giao dịch tiền kỹ thuật số trên sàn quốc tế.
Cũng bằng thủ đoạn đạo diễn hàng ngàn Video Clip vẽ nên “giai thoại thần thánh” tạo nên tiếng tăm về khả năng chữa bệnh của một số vị được cho là “Thần y”, thậm chí có những bức ảnh, Clip có sự xuất hiện của những nhân vật nổi tiếng được nhiều người biết đến.
Thuyết âm mưu đã dẫn dắt các trang mạng xã hội tương tác và lan truyền các Clip ngụy tạo đó nhằm đánh bóng tên tuổi, tạo nên “hành trang” để lừa đảo công khai thông qua việc khám chữa bệnh bằng những phương pháp phản y học, dựa trên nguyên lý mang nặng màu sắc mê tín dị đoan. Chúng thổi phồng “danh tiếng” của những “Lương y” này qua mạng xã hội. Cộng đồng mạng từ đó tự đi đến chỗ tin vào điều không có thật mà các Clip muốn định hướng người xem tin và trở thành nguồn cung cấp tài chính cho các đối tượng lừa đảo, thậm chí là các phần tử phản động.
Thủ đoạn lợi dụng Thuyết âm mưu nhằm làm suy giảm lòng tin đối với Đảng và Nhà nước
Ở Việt Nam, những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc được cho là gắn với những âm mưu đen tối. Trong đó, tung thông tin sai sự thật về sức khỏe, đời tư, xuyên tạc danh dự, nhân phẩm một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thủ đoạn thường được kẻ xấu sử dụng.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang triển khai mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng; chính phủ đang tập trung chỉ đạo nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Đây chính là cơ hội để thuyết âm mưu có “đất diễn”. Tranh thủ những sự kiện, sự việc có tính nhạy cảm, các thế lực ngầm, các đối tượng giấu mặt sẽ đưa ra các giả thuyết hướng người nghe, người xem đến trách nhiệm, công tác quản lý, công tác cán bộ rồi từ đó quy chụp cho toàn thể đội ngũ lãnh đạo giống như một vài trường hợp cá biệt. Hoặc trước công tác chuẩn bị đại hội các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, các thế lực ngầm, các đối tượng giấu mặt sẽ đưa ra các giả thuyết nhân sự.
Song song với những giả thuyết “như đúng rồi” về nhân sự là những đánh giá nhận xét về năng lực, trình độ của từng người. Bên cạnh đó, chúng còn đơm đặt các cuộc đấu đá, thanh trừng phe nhóm khi Đảng ta đẩy mạnh đấu tranh với nạn tham nhũng. Những thông tin như vậy không đơn thuần kích động sự hiếu kỳ mà gắn với việc đơm đặt về mâu thuẫn, đấu đá nội bộ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo…Người đọc không tỉnh táo sẽ dễ sa vào ma trận giả thuyết mà chúng vẽ ra, dần dần “tự đánh mất” bản thân.
Một thuyết âm mưu khác được tung lên mạng xã hội khá phổ biến trong thời gian gần đây. Các thế lực thù địch cho đăng bài trên các trang cá nhân mô tả không đúng sự thật một số thông tin về dịch bệnh Covid-19 như: tốc độ lây lan, số lượng người dương tính, người chết, bài thuốc chữa Covid, trào lưu chống tiêm Vaccine, một số clip mang tính chất kích động… Từ những câu chuyện không có thật, chúng lan truyền tâm lý hoang mang, lo sợ, mất phương hướng. Từ đó , chúng bẻ lái dư luận tin rằng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 của chính phủ và chính quyền các địa phương đã tỏ ra bất lực trước tốc độ lây lan và biến thể của dịch Covid-19… Điển hình là bài viết trên Fanpage của Việt Tân với tiêu đề “Vĩnh Phúc sẽ là Vũ Hán?” hồi tháng 02/2020 với hàng loạt luận điệu sặc mùi “Thuyết âm mưu” và chúng kết luận bài viết bằng những lời lẽ cay nghiệt, ác ý và đầy sự kích động.
Thủ đoạn lợi dụng Thuyết âm mưu gây mất ổn định trật tự xã hội
Trong những năm gần đây, tranh thủ một số hoạt động chưa được kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền các địa phương như: hoạt động thiện nguyện, từ thiện, nhân đạo, tôn giáo… các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng vỏ bọc của những hoạt động này để âm thầm tiến hành các thủ đoạn phá hoại sự ổn định xã hội.
Ẩn mình trong một số hoạt động từ thiện, một số đối tượng tổ chức những nhóm tự phát, kêu gọi quyên góp tiền bạc, vật chất qua mạng xã hội, thực hiện một số hoạt động thiện nguyện đồng thời đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội để mở rộng ảnh hưởng và tranh thủ phương tiện truyền thông xã hội để lan truyền những thông điệp “đầy ẩn ý”, gieo vào lòng cộng đồng mạng những suy nghĩ, hoài nghi theo hướng mà thuyết âm mưu của các thế lực thù địch đã vạch ra, gây ra tâm lý hoang mang, mất lòng tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng và các biện pháp của chính phủ và hoạt động của các tổ chức từ thiện của nhà nước.
Ngoài cái mác từ thiện, một số phần tử phản động còn núp bóng tôn giáo, dùng đức tin để “tẩy não” và mê hoặc những người có lập trường tư tưởng không vững vàng, cuồng tín; tranh thủ lôi kéo thêm nhiều phần tử ủng hộ để mở rộng phạm vi hoạt động.
Chúng dùng thuyết âm mưu thông qua tôn giáo để bóp méo những vấn đề về nhân quyền, dùng tà đạo để dẫn dắt, xúi giục một bộ phận người theo tôn giáo trở thành những tín đồ cực đoan, sẵn sàng thực hiện lời hiệu triệu của những kẻ cầm đầu. Núp bóng dưới các hoạt động tôn giáo, khám chữa bệnh miễn phí và xây dựng các công trình tôn giáo, các cơ sở sản xuất dược liệu… chúng âm mưu mở rộng phạm vi và địa bàn hoạt động ra nhiều tỉnh thành phố để gây dựng cơ sở hoạt động.
Với thuyết âm mưu hết sức thâm hiểm, những kẻ phản động đã biến một bộ phận cư dân mạng thành các tín đồ sẵn sàng “tử vì đạo”, thành mắt xích trong mạng lưới truyền thông phản động và thành những “chiến binh đường phố” trong kế hoạch bạo động của chúng khi thời cơ chín muồi.
Mạng xã hội trở thành miền đất phì nhiêu cho các thuyết âm mưu của các kênh truyền thông phản động. Chúng tìm mọi cách len lỏi vào trong các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục, cơ sở tôn giáo, hội nhóm thiện nguyện… để tranh thủ thời cơ khi đất nước gặp khó khăn vì dịch bệnh, khi công cuộc đấu tranh với tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực đang ở giai đoạn cao trào để thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, phá loại lật đổ.
Lợi dụng một số vấn đề “nóng”, “nhạy cảm”, thu hút sự chú ý của xã hội như: những cuộc chiến công kích cá nhân trên mạng xã hội, những sự kiện có tính thời sự nóng hổi, các thế lực thù địch triệt để tấn công bằng thuyết âm mưu, tranh thủ những xung đột có thể phát sinh trong cộng đồng mạng để tạo ra mâu thuẫn, kích động thù hằn, thậm chí còn lợi dụng tâm lý “hùa theo đám đông” của lực lượng “Fan” và “Anti-Fan” để tạo ra những cuộc xung đột có quy mô trên mạng xã hội với số lượng hàng trăm nghìn người tham gia.
Nhân lúc các sự việc còn chưa rõ ràng, chúng dùng “truyền thông bẩn” để tấn công vào các Website, Fanpage của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gây thiệt hại về uy tín và thiệt hại kinh tế cho nhiều tổ chức, cá nhân. Thông qua những sự kiện này, một phần chúng tiến hành phá hoại sự ổn định xã hội, quy chụp các vụ tấn công mạng do “phe đối lập” thực hiện, mặt khác chúng định hướng dư luận tin vào những luận điểm sai lệch, cổ súy cho thuyết âm mưu của chúng. Ví dụ điển hình là vụ tấn công vào Website chính thức của VOV hồi tháng 6/2021 và vụ tấn công bằng những bình luận phản cảm và số lượng bình luận ồ ạt vào Fanpage của Vietcombank vào tháng 9/2021 đều tiềm ẩn dấu hiệu có bàn tay của các thế lực phản động phía sau.
Thuyết âm mưu là có thật và thực sự đang làm cho người xem, người nghe, người đọc rơi vào “mớ bòng bong” của những giả thuyết từ óc suy diễn của những đối tượng giấu mặt theo hướng có lợi cho chúng. Nhận diện và hiểu được bản chất cốt lõi của thuyết âm mưu cũng là cách “tự vệ” tốt nhất hiện nay. Đó cũng là cách tự trang bị cho mình là “người đọc thông thái” trong cả một “rừng” thông tin trên cộng đồng mạng và đời sống xã hội hiện đại.
Việc đấu tranh với các thế lực phản động trên mạng xã hội là cuộc chiến cam go, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh vững vàng, sự tỉnh táo và khôn khéo để vạch trần các thuyết âm mưu. Đây không chỉ là cuộc chiến của an ninh, quân đội, không chỉ là cuộc chiến của các cơ quan truyền thông công luận, mà còn là cuộc chiến của cộng đồng mạng để bảo vệ sự bình yên cho không gian mạng, cuộc chiến của toàn dân để bảo vệ sự ổn định chính trị của quốc gia, bảo vệ trật tự và bình yên xã hội.
Chi bộ CN Vinh