Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của mỗi quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.
Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN; bảo đảm quyền nghiên cứu KH&CN; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động KH&CN.
Là người có tầm nhìn chiến lược, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng phát triển KH&CN, đồng thời Người cũng chính là một nhà khoa học, một nhà sáng tạo kiệt xuất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định KH&CN là nhân tố trọng yếu, đóng vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế
Người cho rằng, KH&CN là nền tảng tạo nên những kì diệu trong phát triển kinh tế với sự xuất hiện của các sản phẩm mới, những ngành nghề mới và cả nền kinh tế mới; KH&CN là một yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất và hướng vào giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Người, KH&CN phải từ sản xuất mà ra và trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Phát biểu tại Hội nghị cán bộ phát động cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” (ngày 07/3/1963), Người nói: “Chúng ta cần phải tập trung lực lượng làm cho nước ta sản xuất ngày càng nhiều lương thực; trồng càng nhiều cây công nghiệp; chăn nuôi càng nhiều trâu, bò, lợn, gà,… Muốn có kết quả đó thì nhất định phải cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật”.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó”.
KH&CN phải góp phần thực hiện khẩu hiệu “Sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Trong bài viết “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” (Báo Nhân Dân, đăng ngày 14/3/1960), Người chỉ rõ: “Có cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động, mới có thể sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nếu chỉ dựa vào sự quen tay hoặc nếu chỉ dồn thêm sức ra, kết quả thường là được mặt này mất mặt khác, được nhanh lại không tốt, được tốt lại không nhanh, không rẻ… mà mặt nào cũng bị hạn chế”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia công tác KH&CN không phải là việc của riêng ai mà của tất cả mọi người, mọi ngành nhằm nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của KH&CN đối với phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tích cực tiếp thu các thành tựu mới nhất về KH&CN của thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Người cho rằng, việc tiếp thu các thành tựu mới nhất về KH&CN (rộng hơn là hợp tác quốc tế về KH&CN) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ giới hạn trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa mà còn ở tất cả các nước dân chủ khác trên thế giới, điều này đã từng được Người khẳng định trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” vào tháng 12/1946.
Công nghệ thông tin là là một ngành khoa học, phát triển muộn hơn so với sinh thời Bác Hồ, nhưng nó đã nhanh chóng đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế, TTBSV đã tiếp thu lời dạy của người về áp dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế để từng bước áp dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh. Xin điểm qua quá trình phát triển của chương trình Bông Sen Vàng trong thời gian qua.
Chương trình Bông Sen Vàng đã đi qua chặng đường hơn 20 năm hình thành và phát triển. Hành trình hơn 20 năm qua có không ít gian truân, thử thách nhưng bên cạnh đó là những niềm vui, sự đam mê và thành công. Sau những giai đoạn đầu mới thành lập với quy mô khiêm tốn cùng muôn vàn khó khăn, cho đến ngày hôm nay, Chương trình Bông Sen Vàng đã phát triển lớn mạnh, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình bay và cuộc sống của Hội viên, đồng thời giữ một vai trò quan trọng làm cầu nối gắn kết Vietnam Airlines với khách hàng.
Đến nay, Chương trình Bông Sen Vàng đã có gần 3,7 triệu hội viên, chặng đường hơn 20 năm cũng ghi nhận sự hợp tác với mạng lưới sâu rộng gồm 21 hãng hàng không, hơn 60 đối tác trong các lĩnh vực dịch vụ phi hàng không tại Việt Nam và một số thị trường trọng điểm khác trên thế giới. Chương trình Bông Sen Vàng luôn nỗ lực không ngừng để mang đến cho các Hội viên những ưu đãi tối đa, làm thỏa mãn nhu cầu và trải nghiệm thú vị của từng khách hàng.
Để có được thành quả của ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công tác chuyển đổi số của TTBSV. Công tác chuyển đổi số đã được đẩy mạnh thực hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây với mục tiêu là nâng tầm trải ngiệm cho hội viên chương trình Bông Sen Vàng cũng như nâng cao năng suất lao động.
Quá trình chuyển đổi số do Trung tâm Khách hàng thường xuyên thực hiện (Trực thuộc Ban KHTT, KHPT và Ban TTBSP)
Chương trình Bông Sen Vàng khai trương năm 1999 với hệ thống lõi quản lý chương trình KHTX có tên là CLS phiên bản 2.1 (Customer Loyalty System), đây là phần mềm tin học lõi với các chức năng cơ bản là Quản lý hồ sơ khách hàng thường xuyên, cộng dặm và trả thưởng, hệ thống hoạt động hoàn toàn độc lập, không kết nối với bất kỳ hệ thống nào của TCT, cơ chế bảo mật thô sơ, mật khẩu không được mã hóa và bất kỳ nhân viên nào cũng có thể nhìn thấy mật khẩu của hội viên.
Phiên bản CLS 2.1 được TCT sử dụng đến năm 2011. Mặc dù sử dụng hệ thống lõi vô cùng hạn chế về khả năng kết nối, năm 2009 Chương trình Bông Sen Vàng đã ra mắt nền tảng quản lý tài khoản hội viên, đăng ký hội viên trên Website, đáp ứng xu hướng công nghệ và trải nghiệm thuận tiện cho hội viên.
Năm 2012 hệ thống CLS được nâng cấp lên phiên bản 4.3, Chương trình Bông Sen Vàng đã có bước đột phá như nâng cấp website riêng của chương trình để phục vụ cho việc hội viên tự đăng qua kênh web, là tiền đề để Chương trình Bông Sen Vàng xây dựng Mobile App năm 2013 và triển khai chức năng trả thưởng trên Mobile App năm 2014 – đánh dấu sự đột phá trong việc bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ thế giới, được hội viên hồ hỡi đón nhận và đánh giá cao.
Ngày 12/12/2013, Vietnam Airlines tổ chức sự kiện “Triệu dặm tri ân – Vững tin sải cánh” tại TP HCM nhằm tri ân những hội viên đã đồng hành và có đóng góp tích cực cho sự phát triển của hãng. Cũng tại sự kiện này Vietnam Airlines chính thức ra mắt ứng dụng di động (Mobile App) cho hội viên chương trình Bông Sen Vàng. Sự kiện được tổ chức vào đúng dịp chương trình Bông Sen Vàng tròn 14 năm ra đời và thu hút sự tham gia của hơn 400 hội viên triệu dặm. Chương trình Bông Sen Vàng hiện đã thu hút hơn 600.000 hội viên.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thời điểm đó cho biết: “Chương trình Bông Sen Vàng từ lâu đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với những chính khách, doanh nhân có lịch trình bận rộn. Những chuyến bay miễn phí cùng các ưu đãi về dịch vụ làm thủ tục, dịch vụ phòng chờ, hành lý ưu tiên và muôn vàn tiện ích khác mà chương trình Bông Sen Vàng mang lại đã phần nào chia sẻ và góp phần cho thành công của những chuyến công tác của khách hàng. Đó là lý do các doanh nhân trong đó đặc biệt là các chính khách, doanh nhân Việt Nam đã ngày một tin tưởng, lựa chọn Vietnam Airlines cho những chuyến bay của mình. Chính vì thế, sinh nhật thứ 14 lần này, chương trình Bông Sen Vàng đã rất vui mừng ghi nhận con số 600 nghìn hội viên, trong đó 7500/8000 hội viên hạng Bạch Kim (Platinum) là người Việt Nam. Thay mặt Ban Lãnh đạo TCT, tôi xin được bày tỏ sự tri ân sâu sắc nhất tới các quý vị hội viên, những đại diện tiêu biểu cho sự gắn bó và sát cánh cùng Vietnam Airlines trong suốt thời gian qua.”
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp hệ thống CNTT toàn diện làm nền tảng cho sự phát triển theo định hướng của Vietnam Airlines trong thời gian tới, sự kiện còn giới thiệu tới các hội viên chương trình Bông Sen Vàng ứng dụng di động mới với những tiện ích, chức năng hiện đại. Sản phẩm ra đời không chỉ mang tính hội nhập, bắt kịp xu thế phát triển chung của ngành hàng không trên thế giới mà còn là món quà tri ân khách hàng của VNA.
Ứng dụng được thiết kế chạy trên 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là iOS và Android với các chức năng nổi bật và ổn định giúp khách hàng có thể dễ dàng cập nhật các thông tin cá nhân, hình ảnh thẻ nhận diện trong toàn mạng bay do VNA khai thác, tra cứu điểm tích lũy dặm bay, đồng thời có thể gửi mọi yêu cầu cho chương trình Bông Sen Vàng…
Tiếp nối thành công của việc ra mắt ứng dụng di động năm 2013, Chương trình Bông Sen Vàng đã triển khai chức năng trả thưởng trực tuyến trên nền tảng di động năm 2014, chức năng này đã mang lại trải nghiệm vô cùng thuận tiện cho hội viên, đánh dấu sự phát triển đột phá, hội viên Bông Sen Vàng thay cho việc phải đến các phòng vé để lấy thưởng thì nay đã tự thực hiện lấy thưởng trên ứng dụng di động bao gồm các công đoạn như đặt chỗ vé thưởng, thanh toán thuế phí và xuất vé thưởng. Đây là minh chứng khẳng định TTBSV luôn nổ lực để thực hiện các cam kết của mình trong việc nâng tầm trãi nghiệm hội viên.
Song song với việc phát triển công nghệ để nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng và hội viên, việc chuyển đổi số tại Trung tâm Bông Sen Vàng cũng đã hướng tới việc bảo vệ tài khoản của hội viên, việc sử dụng dặm để đổi lấy các phần thưởng cần được xác thực thông qua mật khẩu dùng một lần (OTP- one time password), chỉ những hội viên chính chủ mới có thể đổi dặm để lấy các phần thưởng nhằm mục đích bảo vệ tài khoản của hội viên. Do vậy, năm 2015 TTBSV đã triển khai chức năng sử dụng mật khẩu 1 lần trong quá trình lấy thưởng, thay đổi thông tin cá nhân hội viên. OTP sẽ được gửi qua SMS hoặc email để xác thực chính chủ tài khoản.
Cũng trong năm 2015, TTBSV đã triển khai dự án Retro online (Cộng dặm bổ sung online), cũng giống như trả thưởng online, chức năng này mang lại cho hội viên trải nghiệm vô cũng thuận tiện trong việc yêu cầu cộng dặm bổ sung (khiếu nại cộng dặm thiếu). Nếu như trước đây, để được cộng dặm bổ sung, hội viên phải thu thập đầy đủ các loại chứng từ như thẻ lên máy bay, vé máy bay và trực tiếp hoặc chuyển phát tới các Phòng vé của VNA, nhân viên Phòng vé sẽ đối chiếu các thông tin của hội viên trong tài khoản và thông tin hội viên trên vé máy bay, thẻ lên tàu bay để xác định là hội viên có được cộng dặm còn thiếu hay không.
Chương trình Retro online cho phép hội viên điền các thông tin cơ bản của chuyến bay còn thiếu chưa được cộng dặm, chương trình sẽ tự động đối chiếu với dữ liệu bay để xác thực cộng dặm cho hội viên, Chương trình này là một cuộc cách mạng trong việc giải phóng thời gian cho nhân viên các phòng vé, giúp các phòng vé tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ khác của TCTHK.
Để hoàn thiện chuỗi cung ứng phục vụ Hội viên Bông Sen Vàng trong việc cấp thưởng, ngoài kênh cấp thưởng trực tuyến đã được chuyển đổi số, TTBSV đã triển khai xây dựng ứng dụng Lotus Award năm 2016, phục vụ cho các nhân viên tại Phòng vé sử dụng để cấp thưởng cho hội viên, Ứng dụng này xử lý tự động được 90% khối lượng công việc, giúp nhân viên Phòng vé rút ngắt được thời gian xử lý cấp thưởng cho hội viên, đảm bảo tính chính xác, hạn chế được các lỗi thao tác thủ công của con người và đặc biệt là nâng cao được năng suất lao động và tiết kiệm được nguồn lực xử lý cấp thưởng cho hội viên.
(Còn tiếp)
Chi bộ TTBSV