Trong phạm vi của bài viết này, tôi không phân tích tất cả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà chỉ đề cập đến một số khía cạnh gần gũi với cuộc sống liên quan đến tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh để bất cứ đảng viên hay quần chúng nào cũng có thể học tập và làm theo.
Khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ thì bất cứ người dân Việt Nam nào cũng đều có một lòng kính yêu vô bờ với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương của một vĩ nhân, mà đồng thời còn là tấm gương đạo đức của một con người bình thường mà ai trong chúng ta cũng có thể học tập và noi theo.
Đối với những người đảng viên như bản thân tôi thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nguyên giá trị mà Bác đã để lại cho các thế hệ hôm nay một di sản tinh thần vô cùng quý giá, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Khi còn là một học sinh phổ thông, tôi đã may mắn tiếp cận và đọc được tác phẩm tiểu thuyết lịch sử “Búp sen xanh” của nhà Văn Sơn Tùng kể về cuộc đời thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những tác phẩm giàu xúc cảm, lay động nhất về Bác Hồ, với những câu chuyện bình dị kể về gia đình Bác tại làng Sen cũng như thời cuộc lúc bấy giờ và những yếu tố đã tạo nên cốt cách, tâm hồn, tư tưởng và chí hướng tìm đường giải phóng dân tộc của chàng trai Nguyễn Tất Thành.
Sau khi đọc tác phẩm, tôi rất ấn tượng những điều bình dị gần gũi cuộc sống thời thơ ấu của Bác và những tư tưởng của Người sau này, tôi quyết tâm học tập, áp dụng vào cuộc sống và công việc của mình.
Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã triển khai nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị,.. của Đảng ủy cấp trên trong đó có Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đối với mỗi cán bộ đảng viên nhất là người giữ vai trò quản lý cơ quan đơn vị thì càng nêu cao tinh thần làm gương, tự soi, tự sửa thể hiện qua việc làm hàng ngày, trong từng cử chỉ, hành động, lời nói của mình. Nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong Chi bộ, Đảng bộ vì lợi ích chung của tập thể và tinh thần tương thân, tương ái trong công việc cụ thể, khi liên hệ thực tế với nhiệm vụ được giao của từng đảng viên.
Đối với tôi thì việc học tập và làm theo Bác phải đi liền với nêu gương của cán bộ Đảng viên và gắn với các quy trình quy định liên quan của Đảng về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, về chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của cán bộ đảng viên.
Mỗi đảng viên phải coi việc học tập và làm theo Bác trở thành niềm vinh dự, tự hào luôn nỗ lực, phấn đấu để noi theo. Học tập Bác không phải những điều cao siêu trừu tượng mà học từ những điều bình dị nhất thông qua các hành động hàng ngày như nói đi đôi với làm; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lạ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không đùn đẩy trách nhiệm; tương thân tương ái bạn bè đồng nghiệp; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tác phong bình dị, phong cách làm việc biết kính trên, nhường dưới, vì mọi người; học ở ngay những người xung quanh mình, từ những việc làm nhỏ,…Và lan tỏa tới quần chúng xung quanh để quần chúng hiểu hơn về ý nghĩa của việc học tập và làm theo tấm gương Bác cho đến khi quần chúng tự nguyện thực hiện học tập và noi theo.
Là một người đảng viên, làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại 03 sân bay căn cứ là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, tôi có cơ hội đi công tác trải nghiệm nhiều nơi trên thế giới và phục vụ tiếp xúc hành khách đến từ nhiều quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau đã giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, khi mà tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số cán bộ đảng viên hiện nay ngày càng đáng báo động thì đối với người đảng viên luôn tự nhắc nhở mình phải tránh xa những cám dỗ vật chất, đấu tranh với những luận điểm sai trái, xuyên tạc quan điểm chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước bởi các thế lực thù địch, đấu tranh với căn bệnh thành tích như nói thì hay làm thì dở, công việc bê trễ, trốn tránh trách nhiệm, thành tích thì nhận trong khi trách nhiệm thì đổ lỗi cho cấp dưới, phát huy tinh thần phê và tự phê nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thông qua giáo dục đạo đức, rèn luyện tác phong, ý thức chấp hành pháp luật, quy trình quy định, đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ,..của Trung tâm Dịch vụ và Khai thac sân bay nói riêng và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nói chung.
Người đảng viên phải rèn luyện đạo đức của mình như thế nào?
Trong tư tưởng về đạo đức của Người có nêu rõ người cách mạng là người phải thực sự “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Vậy áp dụng điều này vào cuộc sống như thế nào? Và tại sao người cách mạng lại cần thực hành những điều này? Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh là mối quan hệ “với tự mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Cụ thể nội dung từng khái niệm và áp dụng:
- Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế thị trường phát triển đến một trình độ cao thì đòi hỏi mỗi người, mỗi công dân phải tự học hỏi, tự nâng cao trình độ cho bản thân, hành động thiết thực mạnh mẽ hơn là lời nói suông để có thể đạt năng suất lao động cao theo kịp sự phát triển của xã hội, không bị hụt hậu lại phía sau cũng như hoàn thiện bản thân mình hơn.
- Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức…”. Trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong quản lý vận hành doanh nghiệp thì quản lý và kiểm soát được chi phí là yếu tố quan trọng và sống còn của một doanh nghiệp vì nếu không quản lý tốt các yếu tố này thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại trong điều kiện canh tranh ngày càng khốc liệt như nền kinh tế thị trường phát triển ngày nay.
- Liêm là “luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”; “không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham tâng bốc mình…”. Đối với người đảng viên nói chung đặc biệt đảng viên giữ vai trò lãnh đạo quản lý thì việc thực hành chữ liêm cần được chú trọng, đòi hỏi người đảng viên phải có bản lĩnh vững vàng, giữ mình liêm khiết, trong sạch và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện như tham ô, lãng phí, lợi ích nhóm,… ảnh hưởng đến lợi ích chung của tập thể, của công và của dân.
- Chính là không tà, là thẳng thắn, đúng đắn. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với công việc thì đặt việc công lên trên và lên trước việc tư, việc nhà. Khi được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho bằng được, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. Trong xã hội, mỗi cá nhân đều có các mối quan hệ đa dạng thì việc ứng xử hàng ngày với những người xung quanh, đồng nghiệp, đối tác, lãnh đạo cấp trên cần thực hành nghiêm túc chữ chính vì chính là đấu tranh với chính mình, tự rèn luyện bản thân cả trong lời nói lẫn hành động cụ thể, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không xâm phạm lợi ích quốc gia, luôn bảo vệ lợi ích của nước, của nhân dân và của cơ quan đơn vị. Hoàn thành mọi chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Chí công vô tư là “khi làm bất cứ việc gì cũng không nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Để thực hành chí công vô tư thì mỗi đảng viên luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trước tập thể, trước Đảng và trước nhân dân để không thiên vị hay che giấu những hành vi sai trái, chưa đúng; ủng hộ quan điểm ý kiến đúng đắn góp phần xây dựng kỷ luật tại cơ quan đơn vị; gương mẫu, công tâm không vụ lợi, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, độc đoán và các hành vi vi phạm pháp luật khác,..với mục tiêu cao nhất là đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc và nhân dân ấm no.
Tại sao phải thực hiện và áp dụng cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư vào cuộc sống? Bởi vì cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư có quan hệ chặt chẽ với nhau khi thực hành được cần, kiệm, liêm, chính thì sẽ dẫn tới chí công vô tư và ngược lại khi đã chí công vô tư vì dân, vì nước, vì Đảng thì sẽ sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Vì vậy, để thực hành được những nội dung đề cập ở trên đòi hỏi mỗi người Đảng viên cần phải nói đi đôi với làm; phải nêu gương về đạo đức của người cách mạng; xây đi đôi với chống, nghĩa là việc xây dựng đạo đức mới, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, thì nhất định phải chống những biểu hiện đạo đức sai trái, xấu xa, không phù hợp với những chuẩn mực của đạo đức và thuần phong mỹ tục; phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Đối với việc rèn luyện đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng. Người khẳng định, đã là con người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc, thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ của mình, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng. Bác Hồ là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày như ăn, mặc, ở, đi lại…mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng.
Trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi người đảng viên phải chiến đấu với chính mình và xác định rõ đây là cuộc chiến đấu khó khăn, cần thực hiện suốt đời để luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, mỗi cá nhân đặc biệt là cán bộ đảng viên bằng lời nói, hành động thiết thực, nêu gương của mình hãy lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới quần chúng nhân dân để ngày càng có nhiều điển hình tiên tiến trong lao động, tấm gương tiêu biểu tích cực đóng góp vào sự phát triển không ngừng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhằm xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết của Trung ương Đảng đã nêu.