Bảo đảm an ninh hàng không là yêu cầu tối quan trọng đối với mỗi một quốc gia và đối với riêng bản thân ngành hàng không.
Điều này được thể hiện trong luật pháp quốc tế như: Công ước Chicago năm 1944 (Phụ lục 17 – An ninh – Bảo vệ hoạt động HKDD chống lại những hành vi can thiệp bất hợp pháp); Công ước Montreal năm 1971 về Ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hoạt động hàng không dân dụng và luật pháp Việt Nam như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014.
Trong những năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, kiện toàn các văn bản luật liên quan đến an ninh hàng không cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao công tác kiểm soát an ninh để đảm bảo cho hoạt động hàng không được thông suốt, song thời gian gần đây vẫn xảy ra một số hoạt động trái quy định tại khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay của một số nguyên là nhân viên hàng không, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm giảm sút hình ảnh của cán bộ nhân viên trong ngành hàng không và gây tác động không nhỏ đến dư luận xã hội.
Công văn số 1160/CHK-ANHK của Cục hàng không Việt Nam, ngày 11 tháng 3 năm 2024 đã nêu 4 vụ việc điển hình trong thời gian từ tháng 6 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024, liên quan đến việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của một số nguyên là nhân viên hàng không.
Vụ việc thứ nhất, xảy ra tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Hồi 22h25′ ngày 27/6/2023, tại khu vực đảo hành lý số 1, Nhà ga hành khách T2, Cảng HKQT Nội Bài, Công an cửa khẩu Cảng HKQT Nội Bài phát hiện ông Nguyễn Đoàn Giáp – Ca trưởng đội phục vụ hành lý Công ty TNHH MTV dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam – Chi nhánh Nội Bài có hành vi lấy 02 kiện hành lý ký gửi ra khỏi vị trí băng chuyền số 1. Trên thẻ hành lý mang tên LE THI HANG NGA, chuyến bay EK0794, chặng bay LAD-ICN quá cảnh tại Dubai đến Hàn Quốc trên chuyến bay EK0322, sau đó đến Cảng HKQT Nội Bài trên chuyến bay OZ733, chặng bay ICN-HAN .
Ngoài ra ông Giáp còn lấy 02 kiện hành lý khác mang tên NGUYEN DINH TU (cùng hành trình, chặng bay tương tự) để đưa cho một người tên Hùng – là nhân viên đầu kéo đội Dịch vụ sân đỗ – Công ty VIAGS Nội Bài để mang đi nơi khác mà không trả vào băng chuyền qua kiểm tra hải quan theo quy định.
Vụ việc thứ hai, cũng xảy ra tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Vào khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 20/02/2024, nhân viên Nguyễn Hồng Tuân thuộc Phân xưởng Cơ khí và Thiết bị mặt đất Hà Nội -Trung tâm Phục vụ Bảo dưỡng Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), trong thời gian làm nhiệm vụ đã dùng xe thiết bị nâng chở nhân viên Lê Huy Tuần thuộc Đội 2 – Trung tâm Bảo dưỡng Ngoại trường Hà Nội -VAECO từ vị trí sân đỗ tàu bay số 43 ra vị trí số 21 để nhân viên này nhận 01 túi xách tay màu đen (bên trong chứa 60 cây thuốc lá điện tử hiệu IQOS chưa qua sử dụng) từ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Thu Hương, là tiếp viên chuyến bay VN385, chặng bay Haneda – Nhật Bản về Cảng HKQT Nội Bài.
Sau khi nhận túi xách tay màu đen, nhân viên Lê Huy Tuấn đã đưa cho nhân viên Nguyễn Hồng Tuân với mục đích mang ra ngoài không qua kiểm tra Hải quan để nhận số tiền là 3.000.000 VNĐ (ba triệu Việt Nam đồng).
Vụ việc thứ ba, liên quan đến buôn lậu vàng với số lượng lớn và vụ việc thứ tư, liên quan đến buôn lậu hơn 600 điện thoại Iphone.
Thông qua các vụ việc nói trên, Cục hàng không Việt Nam kết luận, đã hình thành “Lỗ hổng an ninh” do:
Công tác kiểm soát an ninh nội bộ của một số doanh nghiệp liên quan còn thiếu sót, chưa phát hiện hành vi bất thường của nhân viên;
Ý thức cảnh giác, phòng ngừa của nhân viên hãng hàng không có lúc, có nơi chưa tốt, chưa phát hiện hành vi bất thường, chưa ngăn chặn kịp thời việc tiếp xúc, trao đổi đồ vật giữa hành khách và nhân viên hàng không;
Công tác kiểm soát quy trình, thủ tục phục vụ hành khách, hành lý, hàng hoá và hoạt động của nhân viên nội bộ trong sân bay có nơi chưa tốt, để xảy ra việc tiếp xúc, trao đổi đồ vật giữa hành khách và nhân viên hàng không, giữa nhân viên hàng không với nhân viên hàng không; mang đồ vật vi phạm lên tàu bay hoặc ra khỏi khu vực hạn chế mà chưa bị phát hiện.
Những lỗ hổng an ninh nêu trên, ngoài hậu quả liên quan đến hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, ma tuý; còn có thể tạo ra nguy cơ, rủi ro ANHK.
Trước thực trạng nói trên, vấn đề đặt ra là phải áp dụng ngay những biện pháp quyết liệt để “bịt’’ lỗ hổng an ninh đã được phát hiện.
Các đơn vị phải phổ biến, quán triệt cho toàn thể người lao động, đặc biệt bộ phận tuyến đầu
trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ chuyến bay về phương thức, thủ đoạn vận chuyển
ma túy, buôn lậu qua đường hàng không để mọi người nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ
mình và có trách nhiệm phối hợp phát hiện, báo cáo ngay các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó các đơn vị cần nghiên cứu phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy, buôn lậu qua đường hàng không; đánh giá các lỗ hổng an ninh và các hạn chế của công tác phòng ngừa, kiểm soát khác (nếu có) tại khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay để có các biện pháp đào tạo, quản lý nhân viên; phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát phù hợp và có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy qua đường hàng không, góp phần giảm thiểu nguy cơ, rủi ro an ninh hàng không trong hoạt động khai thác hàng không.
Ngoài ra phải tăng cường công tác kiểm soát an ninh nội bộ, kịp thời nhận diện và phát hiện, ngăn chặn các hành vi bất thường của cán bộ, nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; thực hiện luân chuyển vị trí làm việc và có biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với cán bộ, nhân viên có dấu hiệu vi phạm.
Tôi chỉ mong đến một ngày, trong tương lai gần, tại các sân bay Việt Nam sẽ trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt tại những khu vực cửa ra ga đến hành khách, để trên cơ sở dữ liệu có sẵn, sẽ kiểm soát, đối chiếu và phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm an ninh hàng không của nhân viên hàng không lợi dụng vị trí công việc, trà trộn vào dòng khách ra và mang theo vật cấm.
Nhưng cho đến lúc đó thì các giải pháp trước mắt đã đề ra nhằm hạn chế, giảm thiểu rủi ro an ninh hàng không cần được thực thi ngay, một cách đồng bộ, quyết liệt và có sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và các đơn vị.