Theo Bộ Công Thương, nếu không có biến động lớn về dịch bệnh, 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng. Cán cân thương mại sẽ đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu. Dự kiến năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 600 tỷ USD. Hồi đầu năm, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4 – 5% nhưng Bộ Công Thương dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trên 10%.
Phí logistics đang “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp
Đơn hàng không thiếu nhưng với doanh nghiệp vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chi phí logistics quá cao, kẹt cảng tại các thị trường lớn nên rủi ro rất cao.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cho biết cước vận tải tăng “chóng mặt”, khiến doanh nghiệp này không dám nhận thêm nhiều đơn hàng mà phải chọn lọc, xem xét cảng đến không bị kẹt thì mới dám nhận.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Tùng cho biết nếu vận chuyển bằng máy bay thì một kg trái cây mất khoảng 200.000 đồng. Còn vận chuyển bằng đường biển, trước đây chỉ hơn 2.000 đồng tiền vận chuyển/kg, nay tăng lên 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Hiện nay, trái cây của Việt Nam qua Mỹ mất hơn một tháng, điều này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng lô hàng cũng như độ rủi ro cao do thời gian bảo quản của mặt hàng có thời hạn nhất định.
“Giá logistics đang “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp, kéo giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Trước đây, biên lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 10%, giờ chỉ còn 5%”, ông Tùng cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, cho hay việc book tàu vận chuyển rất khó khăn, doanh nghiệp phải chấp nhận trả thêm tiền lưu tàu trước mấy ngày. Trước đây, một container đi Mỹ mất 2.800 USD nay tăng lên 15.700 USD. Với thị trường EU, cước cũng tăng lên khoảng 8 lần.
“Vào cao điểm cuối năm, tình trạng khan hiếm container, phí vận chuyển càng tăng mạnh. Trước đây một tuần có 2-3 chuyến, giờ chỉ có 1 container xuất đi”, ông Việt cho hay.
Trong bối cảnh cước vận chuyển logistics tăng mạnh thì một thông tin tích cực xuất hiện, đó là mới đây Vietnam Airlines đã chính thức nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng thương mại không điểm dừng giữa Việt Nam và Mỹ.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết từ cuối tháng 11 này, hãng sẽ chính thức khai thác thường lệ đường bay giữa TP.HCM và San Francisco. Chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào ngày 28/11.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho hay thị trường hàng không đến Mỹ là rất tiềm năng, nhưng có sự cạnh tranh khắt khe bậc nhất thế giới. Để khai thác đường bay đến Mỹ, doanh nghiệp phải vượt qua rào cản khắt khe, chuẩn bị tâm thế rõ ràng để cạnh tranh.
Cần giải pháp khả thi
Nhìn nhận thông tin trên, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group – ông Nguyễn Đình Tùng bày tỏ về kỳ vọng trong tương lai, bởi thực tế vẫn chưa thể giải quyết được vướng mắc của doanh nghiệp về câu chuyện logistics.
Theo ông Tùng, đường bay của Vietnam Airlines tới San Francisco nằm ở phía Bắc California, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu xuất hàng tới phía Nam California và các khu vực khác trên nước Mỹ. Do vậy, hiện nay doanh nghiệp vẫn đang phụ thuộc vào các hãng hàng không nước ngoài của Hàn Quốc, Đài Loan… Mỗi chuyến bay nếu muốn book hàng thì ngoài chịu giá cao còn phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước để giành chỗ trống.
Ông Tùng chia sẻ: Thời điểm cuối năm, hàng trái cây phải cạnh tranh với hàng điện tử như điện thoại, linh kiện… thì mới giành được chỗ. Đồng thời, có thời điểm không thu xếp được chỗ do Trung Quốc đã book trọn chuyến bay.
Để chủ động hơn trong quá trình vận chuyển, cũng như trước thực tế cước vận chuyển bằng đường hàng không tăng rất cao, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam(VLA), Tổng giám đốc T&M Forwarding, đề nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa như Châu Mỹ, Châu Âu, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.
Đồng thời, ông Khoa đề nghị Bộ TT&TT, các bộ ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong việc chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nhất là phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước.
Trong khi đó, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng tăng giá bất hợp lý của các hãng tàu, Cục đã ra văn bản yêu cầu các hãng tàu thực hiện nghiêm túc niêm yết giá.
Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đại diện Cục Hàng hải cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về giá cước vận tải biển. Trước thực trạng giá cước vận tải biển gia tăng phi mã, các doanh nghiệp đang trông chờ vào các giải pháp mà các cơ quan chức năng giúp họ có thể duy trì hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo báo vnbusiness.vn