Ăn sáng ở Hà Nội, tối check-in TP HCM, và hôm sau đón bình minh nơi tuyết trắng châu Âu… là ngày bình thường của một tiếp viên. Tuy nhiên, cuộc sống của hàng loạt tiếp viên đã thay đổi 180 độ từ khi Covid-19 bùng phát, lệnh cách ly xã hội buộc họ “chôn chân” ở nhà 24/7.
Hà Diệp, hiện sống tại TP HCM, trung bình bay 80 giờ một tháng với những chặng châu Âu, Nhật và quốc nội. Dịch bệnh ập đến và diễn biến quá nhanh, đột ngột xáo trộn mọi thứ trong cuộc sống của chị.
Là tiếp viên chủ yếu đảm nhận các chặng quốc tế nên chị Diệp gần như không còn lịch bay từ sau 10/3. Lác đác vài lịch được xếp là những chuyến “giải cứu Việt kiều” trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. “Vui vì được gọi đi làm, buồn vì vài người thân chê trách không sợ nguy hiểm, rủi ro nếu mang bệnh về cho con mình”, chị tâm sự.
Chị Diệp trong một chuyến bay gần đây (Ảnh: ĐTV).
Đến cuối tháng 3, hãng bắt đầu thực hiện chính sách cắt giảm đến 90% nhân sự của bộ phận tiếp viên. “Rất nhiều lần chúng tôi nhận thư của lãnh đạo chia sẻ, đây là thời kỳ khó khăn nhất trong 25 năm qua kể từ 1995, kêu gọi sự đồng lòng và cố gắng cùng công ty vượt qua khủng hoảng. Hiện chỉ 200 tiếp viên có việc làm trong tổng số 3.200 tiếp viên của hãng. Chúng tôi đồng lòng chia sẻ khó khăn với công ty bằng cách chỉ nhận 50% lương cố định, lương giờ bay”, chị Diệp cho hay.
Như nhiều đồng nghiệp xin nghỉ không lương nhưng luôn sẵn sàng bay nếu được điều động, chị Diệp cũng viết đơn xin nghỉ không lương hai tháng. Vốn là người có 17 năm kinh nghiệm, lần đầu tiên trong đời từ khi theo nghiệp tiếp viên, chị Diệp được ăn ngủ đúng giờ “như một công chức”. Bởi ngày đi làm, những chuyến bay bất kể giờ giấc buộc chị phải dậy từ 3h sáng, hoặc thức xuyên đêm đến 3h chiều hôm sau.
“Lần đầu tiên tôi được sống chậm mà không lo sợ mình tụt hậu so với cộng đồng, vì ai cũng sống chậm như mình. Tôi đã dành thời gian làm tất cả những việc mà xưa kia tôi mơ ước có khi rảnh rang để làm. Tự trang trí lại nhà cửa, chơi trò may vá với con gái, xem phim cùng con trai, và đọc lại những quyển sách đã phủ bụi”, chị tâm sự.
Tiếp viên Vietnam Airlines này cho rằng bản thân may mắn khi không bay đúng chuyến nào yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc: “Nhưng bạn bè tôi, hàng trăm người đã vui vẻ khăn gói vào khu cách ly 14 ngày, sau những chuyến bay có F0. Họ vẫn luôn lạc quan và cập nhật tình hình với đồng nghiệp, gia đình”.
Chị tin bất cứ tiếp viên nào cũng đang nhớ nghề như mình. “Chúng tôi nhớ máy bay, với chúng tôi, máy bay như ngôi nhà chính của mình, và hành khách như khách quý tới nhà chơi. Nhớ lắm, mùi máy bay, cảm giác rộn ràng gặp nhau ở cơ quan, tổ mới về chào hỏi tổ sắp bay”, chị thổ lộ.
Chị Diệp thực hiện video hài hước về bệnh nghề nghiệp của tiếp viên hàng không ở nhà quá lâu vì Covid-19 (Video: Hà Diệp).
Cũng như chị Diệp, Chu Hòa, tiếp viên của hãng bay Hàn Quốc T’way Air, đang đếm từng ngày để được trở lại “văn phòng” ở độ cao trên 9.100 m. Hầu hết những chặng bay trong lịch của Hòa đều là chuyến dài giữa Việt Nam – Hàn Quốc, hoặc Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… với khoảng 60 – 80 giờ bay một tháng. Cô đều về Việt Nam một lần mỗi tuần.
“Hồi mới nghỉ chưa quen lắm, mình cũng thấy trống vắng và hơi cuồng chân vì trước giờ đi nhiều, ít khi ở nhà lâu như vậy”, Hòa nói. Cô còn đùa rằng “thà cứ đi bay, còn hơn ở nhà dài ngày lại bị giục lấy chồng”.
Nhưng Hòa luôn nhìn vào mặt tích cực trong thời gian nghỉ bay vì đại dịch. “Làm việc vất vả cả năm rồi đến lúc dành thời gian cho bản thân, để được nghỉ ngơi và chăm sóc cho mình nhiều hơn. Mình bắt đầu đọc sách ôn lại kiến thức an toàn bay, học nấu nướng những món mình thích, có chế độ ăn uống sinh hoạt ngủ nghỉ tốt hơn. Vì lịch bay thường là các chuyến đêm nên giờ ăn uống, ngủ nghỉ thất thường làm thay đổi chế độ sinh hoạt”, cô bày tỏ.
Chu Hòa (trái) làm tiếp viên cho hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc được hai năm. Hơn hai tháng nay Hòa chưa gặp các đồng nghiệp thân thiết, do mọi người đều nghỉ về quê tránh dịch (Ảnh: NVCC).
Thực tế, dịp này Hòa không hề nghỉ xả hơi hoàn toàn, mà vẫn theo dõi email, cập nhật thông tin mới, làm bài kiểm tra về kiến thức an ninh, an toàn hàng không định kỳ, hoàn thành khóa tiếng Hàn trực tuyến miễn phí do công ty cung cấp… Bên cạnh đó, cô cố gắng duy trì công việc kinh doanh riêng và dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự nghề với những bạn trẻ đam mê trở thành tiếp viên hàng không.
“Giờ nghỉ dịch không biết chừng nào mới được bay lại. Hết dịch mình bay hai, ba tour một tháng cũng không phàn nàn; chấp nhận lịch bay xấu. Miễn là được bay”, Hòa nói.
Bên cạnh mong muốn đại dịch sớm được kiểm soát để trở lại với bầu trời, Hòa hy vọng người dân không còn kỳ thị tiếp viên – những người mạo hiểm bay đến tâm dịch để đón khách về nước.
Trước đó, chuyến bay cuối cùng đưa khách về Hàn Quốc của cô trước khi tạm nghỉ vì Covid-19 là vào 20h ngày 26/2, thì lệnh cách ly toàn bộ hành khách từ Hàn Quốc về Việt Nam có hiệu lực lúc 21h cùng ngày. Cô lên đường mà lòng đầy hoang mang vì chuyến quay về vào 28/2.
Một đồng nghiệp gợi ý báo ốm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Hòa không đành lòng để hãng thiếu nhân sự mà dẫn đến hoãn, hủy chuyến bay, hay phải điều tiếp viên khác. Cô rất lo lắng cho mình và gia đình khi phải bay vào tâm dịch tại Hàn Quốc, rửa tay nhiều đến mức tay lột bong da vì dung dịch cồn.
“Trước khi lên máy bay, phi hành đoàn phải đợi y tế hàng không xịt khử trùng. Một anh đồng nghiệp của bộ phận mặt đất còn nói: ‘Các em đi bay này không khác gì ra trận đánh giặc nhỉ? Nguy hiểm quá!’. Mình chỉ biết đáp rằng, đó là nhiệm vụ”, Hòa nhớ lại.
Cô tin chỉ cần thực hiện những quy định của công ty, nhà nước đề ra để phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, găng tay khi phục vụ, rửa tay với nước diệt khuẩn thường xuyên… là có thể bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Theo: VNExpress
Nguyen Mai Huong-COMM