Không chỉ mang lại thành công về mặt thương mại, đường bay thẳng tới Pháp do Vietnam Airlines khai mở cách đây 20 năm đang là cầu nối đường không, quan trọng và thuận tiện giữa Việt Nam với Pháp và Châu Âu.
Kết nối cửa ngõ Châu Âu
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) bắt đầu khai thác đường bay Hà Nội/TP.HCM – Paris với một điểm dừng tại Dubai từ năm 1994 bằng máy bay Boeing 767.
Đây không chỉ là một dấu mốc rất quan trọng đối với Vietnam Airlines và ngành hàng không mà còn ghi nhận một chặng đường phát triển cùng những thành tựu nổi bật gắn liền với sự mở cửa và đổi mới của đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, đường bay dài đầu tiên của Vietnam Airlines đến châu Âu này khi đó vẫn mất tới gần 24 giờ – không đem lại nhiều thuận lợi về thời gian cho các hành khách mà trong số đó có rất nhiều doanh nhân Châu Âu đang hối hả đến Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư và làm ăn.
Bước ngoặt đối với đường bay này chỉ thực sự đến vào ngày 24/6/2003 khi Vietnam Airlines chính thức mở đường bay thẳng trực tiếp không điểm dừng từ Hà Nội và TP. HCM đến Paris bằng máy bay thân rộng Boeing 777-200ER, rút ngắn thời gian bay chỉ còn 12 giờ.
Tại thời điểm vào năm 2003, đây thực sự là một quyết định mang tính chất chiến lược. Tính đúng đắn của quyết định này đã được minh chứng qua những “trái ngọt” mà hãng hàng không quốc gia thu nhận được từ đường bay thẳng Việt Nam – Pháp.
Theo đại diện Vietnam Airlines, trong 20 năm qua, đường bay thẳng Việt – Pháp đã mang lại cho hãng sản lượng hành khách kỷ lục với gần 3,8 triệu lượt. Tổng dung lượng thị trường Việt Nam – Pháp năm 2019 đạt hơn 570.000 khách, tăng trưởng ổn định trung bình khoảng 3%/năm trong giai đoạn 2012-2019, trong đó lượng khách hàng năm trên Vietnam Airlines đã tăng gần 4 lần, từ 71.000 lượt khách vào năm 2003 lên đến gần 277.000 lượt khách vào năm 2019.
Đến năm 2015, đường bay Việt Nam – Pháp tiếp tục nhận được cú hích quan trọng khi Vietnam Airlines chính thức khai thác máy bay thế hệ mới Airbus A350-900 trên đường bay quốc tế, với Paris (Pháp) là điểm đến đầu tiên.
Tiếp đó, đến tháng 10/2017, Vietnam Airlines và đối tác truyền thống là Air France ký kết Hợp đồng Liên doanh (Joint Venture) trên đường bay giữa Việt Nam và Pháp, qua đó giúp hành khách có thêm nhiều lựa chọn thông qua kết hợp mạng bay của hai hãng, cũng như thông qua các trung tâm trung chuyển của khu vực và thế giới là sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Paris-Charles De Gaulle.
“Hiệu suất sử dụng ghế các chuyến bay của cả hai hãng Vietnam Airlines và Air France trên các đường bay Việt Nam – Pháp luôn đạt mức cao từ 80% đến 90% trong nhiều năm, cho thấy nhu cầu đi lại giữa hai quốc gia rất lớn”, lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin.
Trong năm 2019 – thời điểm trước khi dịch Covid – 19 bùng phát, đường bay Pháp đóng góp 3% tải và 8,1% doanh thu vận tải hành khách trong tổng mạng đường bay quốc tế thường lệ của Vietnam Airlines; góp phần không nhỏ trong thành công chung về mặt kinh doanh của Vietnam Airlines.
Sau gần 2 năm tạm gián đoạn do dịch Covid-19, ngày 26/1/2022, Vietnam Airlines nối lại đường bay thẳng thương mại tới Pháp. Đây chính là một trong những đường bay quốc tế đầu tiên được hãng nối lại sau dịch Covid-19 tạm lắng đã phần nào cho thấy tính chất quan trọng của thị trường này trong tổng thể mạng lưới đường bay mà Vietnam Airlines khai thác.
Một tín hiệu rất tích cực là trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách của Vietnam Airlines trên đường bay Pháp đã đạt xấp xỉ 109.000 khách, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2019.
Cầu nối hữu nghị
Tính đến giữa tháng 6/2023, Vietnam Airlines đang khai thác 10 đến 11 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và Pháp. Trong đó, đường bay Hà Nội – Paris khai thác 7 chuyến bay mỗi tuần, đường bay TP.HCM – Paris khai thác 3 đến 4 chuyến bay mỗi tuần. Các chuyến bay đều khai thác bằng tàu bay thân rộng Airbus A350.
Cho đến nay, với tần suất bay nhiều nhất, cùng việc đưa vào khai thác tàu bay hiện đại Airbus A350-900, chất lượng dịch vụ quốc tế 4 sao, hướng đến 5 sao và mức phí hợp lý, Vietnam Airlines hiện giữ vị trí số 1 về thị phần vận chuyển hành khách giữa Việt Nam – Pháp và duy trì lượng khách vận chuyển cao.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, hãng đang nghiên cứu, hoàn thiện tần suất các đường bay đến Pháp, nâng dần tần suất khai thác giữa Việt Nam – Pháp lên tối đa 14 chuyến/tuần theo kế hoạch phát triển dài hạn, trên cơ sở nhu cầu thị trường và khả năng cấp phép bay của nhà chức trách Pháp.
Bên cạnh đó, hãng sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác, bạn hàng tại Pháp và quốc tế để phát triển sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, qua đó không ngừng mang đến những lợi ích vượt trội cho hành khách. Đặc biệt, Vietnam Airlines tiếp tục chú trọng phối hợp với các cơ quan ban ngành, công ty du lịch và các đối tác Pháp để đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá điểm đến tại Việt Nam và Pháp.
Với định hướng trở thành hãng hàng không 5 sao, hãng hàng không công nghệ số, Vietnam Airlines chắc chắn sẽ mang đến những trải nghiệm bay tuyệt vời cho hành khách, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội giữa Pháp và Việt Nam.
“Vietnam Airlines xác định đường bay thẳng Việt Nam – CH Pháp luôn là một trong những đường bay có ý nghĩa chiến lược, không chỉ giúp mở rộng mạng đường bay, nâng tầm vị thế của Vietnam Không chỉ mang lại những lợi ích thương mại cho đơn vị khai thác, đường bay thẳng Việt – Pháp của Vietnam Airlines còn là cầu nối hàng không đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam, Pháp và châu Âu”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.
Trên thực tế, trong suốt 20 năm qua, đường bay thẳng Việt-Pháp của Vietnam Airlines đã góp phần đắc lực vào trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư, thương mại giữa hai nước. Cần phải nói thêm rằng, Paris là cửa ngõ của châu Âu vì vậy đây là đường bay trọng điểm từ Việt Nam đến Pháp và châu Âu, ngày càng tạo nên sự gắn kết chặt chẽ, hợp tác bang giao. Văn hóa đặc trưng Việt Nam cũng được hãng giới thiệu trên những chuyến bay trực tiếp của hãng như là một điểm chạm văn hóa đầu tiên cho bạn bè quốc tế.
Chính vì vậy, việc phát triển và tăng cường mở rộng đường bay giữa Việt Nam – Pháp không chỉ tạo ra cầu nối giao thông đường không thuận tiện giữa hai nước nói riêng và Việt Nam – châu Âu nói chung, mà còn hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Pháp và EU, mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước.
Theo Báo Đầu tư