Cuối tháng 4/2020, phóng viên Ban Thời sự, Văn phòng Thường trú VTV tại California và Ban Truyền hình đối ngoại hình thành nhóm sản xuất nhận nhiệm vụ thực hiện bộ phim tài liệu VTV Đặc biệt để ghi lại toàn bộ hành trình chuyến bay VN1 đầu tiên của Hãng hàng không VNA chở hơn 300 công dân Việt Nam từ Hoa Kỳ trở về nước.
Bộ phim khắc hoạ tâm lý và những khó khăn mà người Việt ở vùng dịch lớn nhất Thế giới đang phải đối mặt cũng như sự mong mỏi, chờ đợi từng ngày để được trở về Tổ quốc. Thông qua “Trở về từ vùng dịch”, khán giả lần đầu tiên được thấy những hình ảnh chân thực nhất trong hành trình giải cứu công dân Việt Nam qua chính góc nhìn, trải nghiệm của người trong cuộc. Những hành khách có mặt trên chuyến bay đã phải trải qua nhiều vất vả, vì những lí do khách quan và chủ quan buộc phải về nước. Đó là bức tranh cảm xúc thực tế của họ trong suốt thời gian mắc kẹt tại Hoa Kỳ cho tới khi đặt chân về quê hương.
Ngoài những hình ảnh từ trước khi chuyến bay cất cánh, trong cả hành trình dài 15 tiếng, khi xuống sân bay Vân Đồn, bộ phim còn theo bước các hành khác khi đã về khu cách li và trở lại cuộc sống bình thường. Trong chuyến bay, họ đã suy nghĩ tâm tư gì, phi hành đoàn của chuyến bay VN1 có cảm xúc ra sao, những gì đã xảy ra trong suốt hành trình đặc biệt đó – tất cả đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu này.
Qua đó, bộ phim cũng thể hiện những nỗ lực từ Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, các cơ quan liên quan trong nước và các cơ quan chức năng Hoa Kỳ để đưa các công dân Việt Nam về nước. Chính phủ Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn dịch bệnh, tìm mọi phương thức an toàn để có thể đón công dân từ các nước trở về quê hương. Chúng ta cũng đã kiểm soát tốt dịch bệnh, được Thế giới đánh giá cao và thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, không để công dân nào bị bỏ lại phía sau.
——————–
HOA KỲ NHỮNG NGÀY ĐẠI DỊCH
Tháng 1/2020 – Tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ
VTV Đặc biệt – Trở về từ vùng dịch mở đầu với bối cảnh tại thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ. Ở thời điểm đó, chính xác là vào tháng 1/2020, những ca nhiễm virus Corona đầu tiên tại đây đã được phát hiện. Nhà báo Trần Thu Hà, Ban Truyền hình đối ngoại, Đài THVN cũng có mặt tại đây khi chị là một trong những sinh viên quốc tế theo học chương trình học bổng Fulbright Hubert Humphrey Fellowship của Chính phủ Hoa Kỳ tại Đại học tiểu bang Arizona. Trong 5 ca đầu tiên được khẳng định nhiễm virus này, Đại học tiểu bang Arizona có một ca dương tính.
Thời điểm bắt đầu xuất hiện virus, người dân Hoa Kỳ vẫn rất chủ quan, cho rằng virus này giống như cúm mùa và sẽ nhanh chóng kết thúc, những biện pháp phòng chống dịch cũng không có. Và hậu quả mà họ phải gánh chịu cho sự thờ ơ này chính việc chỉ một tháng sau, Hoa Kỳ trở thành tâm dịch của Thế giới.
Lúc này, Hoa Kỳ mới chính thức nhận ra sự nguy hiểm của dịch bệnh. Họ bắt đầu vào cuộc nhưng dường như đã quá muộn khi virus lây lan không thể kiểm soát. Số ca xét nghiệm dương tính và người chết ngày một gia tăng. Tiếng cứu hoả, tin tức thời sự và tin nhắn bạn bè cập nhật số liệu dịch bệnh là những âm thanh ám ảnh suốt thời gian dài.
Khi dịch bệnh đã không thể kiểm soát tại Hoa Kỳ, các sinh viên quốc tế như nhà báo Thu Hà có thể về nước trước thời hạn. Biết được thông tin Chính phủ Việt Nam tổ chức các chuyến bay đưa công dân vì những lí do khẩn cấp phải trở về nước, nhà báo Thu Hà đã đăng ký và may mắn được lựa chọn. Đây cũng là lí do chị có mặt trên chuyến bay đặc biệt này.
Tháng 4/2020 – San Francisco, Tiểu bang Califonia, Hoa Kỳ
Sau 3 tháng, Hoa Kỳ chìm trong bệnh dịch. San Francisco vốn là nơi nhộn nhịp, là một trong những thành phố thu hút nhiều du khách nhất Hoa Kỳ, giờ đây hoang vắng lạ thường và bị bao trùm bởi một không khí vô cùng nặng nề, u ám. Trong hành trình di chuyển đến đây để lên chuyến bay đưa hơn 300 công dân Việt Nam về nước, nhà báo Thu Hà cảm nhận được ngay sự thay đổi này. Người dân Hoa Kỳ cũng không còn cởi mở, thân thiện, thay vào đó là sự cẩn trọng, dò xét. Đó là một Hoa Kỳ vô cùng xa lạ mà chị đã từng biết đến trong thời gian trước kia.
Cận kề ngày bay, theo thông báo mới nhất từ Hãng hàng không quốc gia VNA, chuyến bay dự kiến đưa công dân Việt Nam về nước chưa thể thực hiện được vào ngày 2/5. Đó là thông tin vô cùng sốc đối với những hành khách đang rất mong chờ chuyến bay này. Họ là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa. Chính vì vậy, việc chuyến bay bị hoãn đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống và tâm lý của mọi người.
“Trong quá trình triển khai tổ chức chuyến bay, khó khăn đầu tiên có thể kể đến đây là chuyến bay đầu tiên được tổ chức tại San Francisco. Trước đó chúng ta chưa có đường bay thẳng, vì vậy các thủ tục liên quan đến việc tổ chức chuyến bay này phức tạp hơn và cần nhiều thời gian hơn dẫn đến việc chúng ta không thể tổ chức được chuyến bay theo đúng kế hoạch lúc đầu là vào ngày 2/5.
Chúng tôi biết rằng đã có nhiều bà con đang trên đường di chuyển đến San Francisco. Chúng tôi xác định phải thông báo nhanh nhất có thể đến những công dân đang trên đường để họ có thể quay trở về. Đối với bà con đã đến San Francisco, chúng tôi cử nhiều nhóm cán bộ ra sân bay để hỗ trợ” – Tổng lãnh sự Nguyễn Trác Toàn, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại TP San Francisco nói về lý do chuyến bay bị hoãn.
Ngoài nhà báo Thu Hà, còn rất nhiều công dân Việt Nam khác đã bị mắc kẹt tại San Francisco, thậm chí là từ 1,2 tháng trước.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại TP San Francisco cũng đã cử nhiều nhóm cán bộ để hỗ trợ chỗ ở, ăn uống sinh hoạt cho các hành khách bị kẹt. Phần lớn là trong hơn 300 hành khách có cơ hội trở về Việt Nam, có rất nhiều em du học sinh nhỏ tuổi bơ vơ không có chỗ ở, không có người thân quen bên cạnh và phải đối mặt với nỗi lo sợ nhiễm bệnh, áp lực bị người dân Hoa Kỳ kỳ thị cực đoan cùng với chi phí sinh hoạt vô cùng đắt đỏ.
Phạm Ngọc Trâm Anh, du học sinh Hoa Kỳ.
Đó là một nữ thực tập sinh ở Cororado bị buộc phải trở về nước trong 30 ngày nhưng không thể về khi liên tiếp các chuyến bay bị hủy và những nước quá cảnh cấm các chuyến bay quốc tế; là nam du học sinh đã đến San Francisco không thể quay lại gia đình bản xứ nhưng không được đồng ý; là em du học sinh mới 16 tuổi không có ai giúp đỡ, thậm chí khi dịch bệnh bùng phát, em còn không được gia đình bản xứ nấu ăn cho mà phải ăn mì liên tục trong nhiều ngày, bắt rời nhà ngay lập tức. Nhưng cũng trong chính lúc khó khăn và hoang mang tột độ đó, các em du học sinh đã được nhận rất nhiều sự hỗ trợ của những người đồng hương ở Francisco.
Sau cả một thời gian dài chờ đợi, những công dân Việt Nam cuối cùng cũng đã biết được ngày mình được trở về quê hương. Nhà chức trách Hoa Kỳ đã quyết định cấp phép cho chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam khởi hành vào ngày 7/5 sau khi công tác xin cấp phép bay trải qua nhiều khâu, thực hiện với nhiều đơn vị trong nhiều ngày.
Những hành khách may mắn có mặt trên chuyến bay đặc biệt không tránh được những cảm xúc đan xen khác nhau.
Nguyễn Bá Văn, du học sinh: “Vào đêm trước chuyến bay, em không ngủ được. Chuyến đi mong đợi nhất của cuộc đời em hiện tại sau khi bị hủy chuyến 4 lần. Em thực sự rất hạnh phúc.
Đi đến sân bay rồi thì cảm giác mường tượng của em không giống như 14 ngày trước khi chúng em bị kẹt và ngủ tại sân bay. Lần đầu tiên em thấy trên bảng điện tử sân bay Hoa Kỳ có chữ VNA”.
Phạm Đức Trí, du học sinh: “Em đã bị hoãn 1 tuần và trải qua 1 tuần sống rất vất vả. Mình lo lắng và không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi tin đồn cứ tràn lan trên mạng. Khi xách valy ra sân bay, thấy nhiều người Việt Nam tập trung ở đây
Phạm Ngọc Trâm Anh, du học sinh: “Khi em đẩy vali vào sân bay thì em nhìn thấy cả một dàn quầy check-in đều là của VNA và tất cả những người xung quanh em đều là người Việt. Em thực sự rất vui và cảm động. Em cảm thấy chuyến bay này thực sự đang xảy ra rồi, giây phút mình được về nhà, mình chờ đợi bao lâu rồi. Giờ nó cũng đến rồi”.
Chị Vũ Thị Thu Hà, tiếp viên trưởng: “Trong 18 năm làm tiếp viên thì tôi đã thực hiện rất nhiều chuyến bay, nhưng thực sự đây là chuyến bay rất đặc biệt và nó ghi dấu lần đầu tiên VNA đã bay thẳng tới Hoa Kỳ gắn với sứ mệnh vô cùng đặc biệt”.
Tổng chiều dài hành trình khứ hồi là hơn 25.000 km. Tổng thời gian thực hiện hành trình hồi từ lúc cất cánh tại Nội Bài, đến Hoa Kỳ và trở về Vân Đồn kéo dài hơn 33 tiếng.
So với tổ bay của một chuyến bay chặng dài thường lệ là 14 đến 16 người, chuyến VN1 huy động số lượng thành viên tổ bay gần gấp đôi, lên tới gần 30 người, gồm 8 phi công, 16 tiếp viên, 02 nhân viên kỹ thuật, 02 nhân viên mặt đất. Việc này nhằm đảm bảo an toàn bay, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe của tổ bay.
Quá trình phục vụ từ mặt đất đến trên không được tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn bay. Tổ bay được trang bị bảo hộ y tế toàn thân, hạn chế di chuyển, giao tiếp trong quá trình phục vụ.
Vào 18 giờ 44 ngày 8/5, máy bay Boeing 787 mang số hiệu VN1 của hãng hàng không VNA chở 343 hành khách Việt Nam khởi hành từ San Francisco (California, Hoa Kỳ) đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Đây cũng chính là khoảnh khắc mà tất cả các hành khách và người thân của họ đã mong chờ. Cảm xúc vỡ òa, những dòng nước mắt bỗng dưng chảy xuống bởi ý nghĩ, cuối cùng mình đã được trở về quê hương.
Cơ trưởng Đặng Ngọc Cơ – Đội trưởng đội bay Boeing 787 phía Nam, VNA chia sẻ: “Với kinh nghiệm 26 năm bay hàng không, chuyến bay này khiến tôi rất vui mừng và tự hào khi đã thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử, đưa công dân Việt Nam ra khỏi vùng dịch và trở về nước an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ”.
Chị Vũ Thị Thu Hà tiếp viên trưởng: “Tôi thực sự cảm thấy xúc động khi nhìn thấy hành khách của mình ở đây. Rất nhiều bác lớn tuổi cũng như các em đi du học về và xa gia đình rất lâu rồi. Ngoài các chiến binh áo trắng là các bác sĩ, chiến sĩ áo xanh bộ đội thì chiến sĩ áo xanh da trời của VNA của chúng tôi đã được đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch bệnh”.
Trâm Anh: “Khi máy bay đáp cánh xuống sân bay Vân Đồn, em được nghe bài hát Hello Vietnam vang lên lần nữa. Em đã chảy nước mắt. Em là người con xa quê rất lâu rồi, cảm giác cái kết nối quê hương của mình đã mỏng manh. Và giờ khoảnh khắc đó đã được gắn kết lại rất vững bền”.
Trần Tấn Phát, du học sinh: “Em vẫn nhớ cảm xúc rất rõ ràng khi ngồi trên chuyến xe từ sân bay về trại cách ly. Em có ngửi thấy một mùi rất đặc trưng, em nghĩ đó là mùi của quê hương. Đó là mùi hương rất tươi, mùi của cây cối và rất đồng quê mà thường ở bên Hoa Kỳ thì em không bao giờ ngửi thấy. Đó là mùi của Việt Nam”.
Sau chuyến bay, 343 hành khách được chia thành 3 đoàn và trở về khu cách ly. Cuộc sống trong khu cách ly bắt đầu trong 14 ngày. Sau cả khoảng thời gian mệt mỏi bên Hoa Kỳ, cuộc sống bên trong khu cách ly đối với các hành khách là những ngày yên bình thực sự.
Tuy nhiên, nỗi lo nhiễm bệnh trong những ngày đầu khiến họ không thể ngủ ngon giấc hàng đêm. Sau khi biết tất cả mọi người đều âm tính với Covid-19 thì thực sự kết quả đó giống như một phép màu. Hơn 300 con người đến từ nhiều bang của Hoa Kỳ, đất nước đang là tâm dịch của thế giới và cùng tụ lại trên một chuyến bay nhưng may mắn không ai bị dương tính. Kết phim là những hình ảnh của các hành khách trở về lại nhịp sống bình thường. Họ đã trải qua một hành trình dài, một chuyến bay lịch sử và vô cùng đặc biệt.
Đó có lẽ là chuyến bay duy nhất trong cuộc đời mỗi người và điều cuối cùng quan trọng nhất, họ đã trở về đất Mẹ thật an toàn và bình an….
Nguồn: VTV