[Tiền Phong] Những người bay trong mùa dịch

Tình người, quyết tâm, sự sẻ chia, thấm đượm tình đồng bào, tinh thần đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bừng sáng trong đại dịch COVID-19. Có biết bao người tình nguyện lao vào tâm dịch đón đồng bào về Tổ quốc và trong số họ có người nhiễm bệnh thêm 1 lần xung phong thử phác đồ điều trị mới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tổ bay thực hiện chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.

Bộ phim đặc biệt của bệnh nhân… đặc biệt

Một trong những bệnh nhân COVID-19 được xếp diện “đặc biệt” là nữ tiếp viên Vietnam Airlines (BN59), chỉ được xác định dương tính SARS-CoV-2 ở lần thứ 4 xét nghiệm. Tính từ khi bắt đầu được cách ly là 8 ngày, còn tính từ lần gần nhất tiếp xúc với bệnh nhân F0 là 12 ngày.

Ở tuổi 29, cô cũng là một trong số ít người tình nguyện tham gia thử phác đồ mới điều trị SARS-CoV-2 của Việt Nam. Đó là nữ tiếp viên Lê Thị Quyên (Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines), phục vụ khoang thương gia chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Hà Nội ngày 2/3/2020. Thời điểm đó, ở Anh dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh. Ngày 6/3, khi ghi nhận bệnh nhân thứ 17 và 21 cùng đi khoang thương gia trên chuyến bay đó về Việt Nam, Quyên và toàn bộ tổ bay được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả vẫn âm tính. Tới ngày 14/3, với lần xét nghiệm thứ 4, Quyên được xác định dương tính.

Nữ tiếp viên nhớ lại, khi nhận kết quả dương tính vẫn không quá hoang mang, cô tin vào mình và ngành y tế. Tuy nhiên, điều Quyên phiền muộn là gia đình lo lắng, ảnh hưởng tới một số người bị xáo trộn cuộc sống khi trở thành F1, F2…từ cô. Nữ tiếp viên trẻ phải trải qua chuỗi ngày của sự kỳ thị từ một số người gán cho cô đem virus về nước. Cô không hiểu sao mình phải gánh chịu sự kỳ thị đó, khi cô chỉ làm công việc của mình, đón đồng bào mình về và rủi ro xảy đến.

Những ngày cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 2, nữ tiếp viên trẻ cảm nhận rõ sự căng thẳng, vất vả chống dịch của đội ngũ y, bác sĩ. “Sẵn có virus trong người, mình tự nguyện tham gia thử phác đồ điều trị SARS-CoV-2 mới và luôn tin vào các y bác sĩ, dù lúc đó không nhiều bệnh nhân đồng ý thử vì ngại rủi ro”, Quyên nhớ lại. Ký tên vào đơn tình nguyện xong cô mới báo cho gia đình. Mẹ phản đối, bố ủng hộ và động viên con gái cố gắng. Quyết định đó của nữ tiếp viên đã được đền đáp, ngày 30/3, cô được tuyên bố khỏi bệnh, ra viện.

Ở tuổi 29, cô cũng là một trong số ít người tình nguyện tham gia thử phác đồ mới điều trị SARS-CoV-2 của Việt Nam.

Giờ đây, Quyên nhớ lại những ngày chiến đấu với SARS-CoV-2 như một bộ phim. Phần đầu của phim là khoảng thời gian trải nghiệm thời gian cách ly diện F1 từ chuyến bay VN0054. Phần tiếp theo với “nút thắt” của phim khi cô nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 dù đã qua 8 ngày cách ly, 14 ngày tính từ khi tiếp xúc với F0. Cảm xúc của Quyên cùng đồng nghiệp bị đẩy lên cao trào, kịch tính. Bộ phim kết thúc có hậu khi cô nhận kết quả âm tính một lần nữa sau thời gian tình nguyện thử phác đồ điều trị mới.

“Phim kết thúc với cảm xúc vỡ oà, cảm giác chiến thắng ngự trị và dư âm vui sướng khi thử nghiệm hiệu quả. Không chỉ bản thân khỏi bệnh, kết quả thử nghiệm với mình mở thêm cơ hội khỏi bệnh cho nhiều người khác. Những ngày qua mình đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, đọng lại nhiều nhất là cảm nhận tình người, sự sẻ chia từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè, các y bác sĩ, thậm chí cả những người không quen biết”, Quyên chia sẻ.

“Trên các chuyến bay đường dài mùa dịch, tôi và đồng nghiệp phải đeo khẩu trang, găng tay để bảo vệ chính mình và hành khách, thời gian sử dụng có khi lên tới 16-18 giờ liên tục. Điều đó khiến các thành viên tổ bay bị đau tai, mặt trầy xước, tay phồng rộp. Khi máy bay hạ cánh, bạn có thể phải đi thẳng tới khu vực cách ly, chỉ thông báo với gia đình qua điện thoại”. Nữ tiếp viên trưởng Ngọc Trâm (đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, chuyên phục vụ đường bay Việt Nam – Đức)

Trên các chuyến bay đặc biệt

Khi đại dịch bùng phát, các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc dừng khai thác đầu tiên để ngăn dịch lây lan. Khi đó, hàng chục công dân Việt Nam bị “kẹt” tại Vũ Hán (Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên), do không còn đường bay. Chính phủ đã quyết định thực hiện chuyến bay “giải cứu” công dân Việt Nam đầu tiên về nước tránh đại dịch COVID-19 (từ đó tới nay đã có 10 chuyến bay tương tự đón công dân từ nhiều quốc gia về). Chuyến bay còn kết hợp đưa thiết bị y tế Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Trung Quốc chống dịch và đón 30 công dân Việt Nam về nước, hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) sáng 10/3.

30 công dân Việt Nam bị “kẹt” tại Vũ Hán (Trung Quốc) được đón về nước an toàn.

Nhớ lại chuyến bay “giải cứu” đầu tiên đó, tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng chia sẻ, tổ tiếp viên 8 người được chọn từ danh sách hơn 30 người tình nguyện. Tổ bay đã chuẩn bị nhiều kịch bản, có giả thiết khách phát bệnh, thậm chí 1 khách nữ mang bầu 36 tháng có thể trở dạ… trên trời. Do đó, tổ bay có thêm 3 bác sĩ, với 1 bác sĩ sản khoa. Trước chuyến bay, tổ tiếp viên được bổ túc nghiệp vụ đỡ đẻ, một khu vực hộ sinh cũng được thiết lập trên tàu bay, rất may chưa phải sử dụng.

Khổ nhất, theo anh Bằng, các thành viên tổ bay phải mặc đồ bảo hộ y tế từ Việt Nam, suốt hành trình không bỏ ra. Suốt 9 tiếng đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ y tế, tổ bay không ăn, không uống và không đi vệ sinh. “Tổ bay 15 người đều mặc bỉm. Khi đó, ở Vũ Hán chỉ 3 độ C. Trong bộ đồ bảo hộ mồ hôi chúng tôi vẫn chảy ròng ròng, ướt đẫm. Chúng tôi vui mừng tột cùng khi hành trình đặc biệt này đã đón đồng bào về thành công”, anh Bằng nhớ lại.

Còn nữ tiếp viên Nguyễn Công Nguyệt Minh, thực hiện một trong những chuyến bay thường lệ cuối cùng từ Anh về Việt Nam trước khi tạm dừng khai thác. Kết thúc chuyến bay, Nguyệt Minh và tổ bay phải đi cách ly tập trung 14 ngày. Cô tâm sự, trước khi ra phi trường nhận được tin nhắn của mẹ: “Tình hình dịch bệnh sợ thế này hay xin nghỉ đi con!”.

Dù vậy, cô đã không làm điều đó. Cô kể, nếu hỏi rằng có lo không? Tất nhiên lo. Hỏi có sợ không? Tất nhiên có. Nhưng điều cô lo sợ không phải việc đi vào vùng dịch đón đồng bào về có thể bị nhiễm bệnh, vì nếu có bị bệnh thì vẫn tin Việt Nam sẽ chữa khỏi. Điều cô lo sợ là sự kỳ thị, soi xét, tìm đủ mọi lý do đổ lỗi của một số cộng đồng mạng. Không ai muốn mình sẽ thành cái tên tiếp theo đi kèm 1 con số. Cô hiểu rõ các nguy cơ từ nghề của mình, khi vào vùng dịch, tiếp xúc hàng trăm người tới từ khắp nơi trên thế giới.

“Mình không đi thì đồng nghiệp mình đi. Mình không thể ích kỷ trốn tránh. Nếu may mắn, hết 14 ngày cách ly lại được về với gia đình, kém may thì mang theo 2 chữ… bệnh nhân, nhưng chừng nào đồng bào vẫn muốn về quê mẹ, chúng tôi lại sẵn sàng lên đường”, Nguyệt Minh chia sẻ.

Nguồn: https://www.tienphong.vn/

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.